Người được trợ giúp pháp lý là ai?

28/04/2006
Thực hiện Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19-11-2005 của QH khóa XI về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, ngày 17-4-2006, Chính phủ đã có Tờ trình QH về dự án Luật trợ giúp pháp lý. Tại phiên họp thứ 39, trong buổi làm việc chiều ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự án luật này.

Thẩm tra dự án Luật trợ giúp pháp lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Vũ Đức Khiển nêu rõ, Ủy ban này nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết ban hành để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, góp phần bảo đảm công bằng, thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật trợ giúp pháp lý gồm chín chương, 51 điều, quy định về: đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; các nguyên tắc hoạt động và chính sách trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý; tổ chức trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động trợ giúp pháp lý; quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý; xử lý vi phạm, khiếu nại; tố cáo và giải quyết yêu cầu, kiến nghị. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu ra ba vấn đề còn có ý kiến khác nhau trình QH xem xét, quyết định.

Vấn đề thứ nhất là người được trợ giúp pháp lý, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ nên tập trung trợ giúp pháp lý cho người nghèo (thể hiện tại Phương án 1-Điều 8 của dự án luật) mà không mở rộng việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng khác. Theo loại ý kiến này thì người nghèo theo chuẩn nghèo mới đã tăng lên đáng kể so với trước đây; một bộ phận người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được trợ giúp với tư cách là người nghèo, còn nếu không thuộc diện nghèo thì có thể sử dụng dịch vụ thu phí khi có nhu cầu cần giúp đỡ pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nên kế thừa các quy định hiện hành (thể hiện tại phương án 2-Điều 8 của dự án luật). Theo đó, người được trợ giúp pháp lý bao gồm: người nghèo; người được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước (người có công và đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vung sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn). Cũng không có cơ sở để chấm dứt trợ giúp pháp lý cho đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi như một số ý kiến đề nghị cân nhắc. Vì chính sách đãi ngộ dành cho đối tượng này không dựa trên điều kiện về kinh tế của họ mà căn cứ vào sự đóng góp của họ cho đất nước, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc và chủ trương, chính sách "đền ơn đáp nghĩa" của Đảng và Nhà nước cũng như chính sách dân tộc trong mối tương quan với các chính sách xã hội khác dành cho những đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số. Người có công được Nhà nước ưu đãi cho hưởng chế độ y tế miễn phí, chính sách về nhà ở, thương binh, con liệt sĩ đi học được miễn học phí... Kinh phí dành để trợ giúp pháp lý cho đối tượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với việc ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở... Hơn nữa, việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng này là khả thi trong thời gian vừa qua.

Qua thảo luận, ý kiến chung của Ủy ban pháp luật tán thành với phương án 1 của dự thảo luật về đối tượng trợ giúp pháp lý là người nghèo.

Riêng về đối tượng được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số thì trong Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến khác nhau:

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật, vì cho rằng đã kế thừa Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm người nghèo và người được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; việc ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay. Nếu không quy định đối tượng này được hưởng trợ giúp pháp lý thì e rằng sẽ gây tâm lý không tốt trong xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng mà trên thực tế có hoàn cảnh rất khác nhau, có người nghèo và có người không nghèo, thậm chí có người là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại.. Do đó, quy định chung tất cả các đối tượng này đều được trợ giúp pháp lý miễn phí là khó khả thi, không phù hợp. Người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số trong trường hợp là người nghèo thì thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định đối với người nghèo và do đó "nghèo" là chuẩn chung để được trợ giúp pháp lý miễn phí, còn đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống đầy đủ hoặc có thu nhập cao thì không nên đặt vấn đề Nhà nước phải trợ giúp pháp lý cho họ, họ có đủ khả năng để tự thực hiện. Theo quy định của dự án luật thì phạm vi trợ giúp pháp lý miễn phí của tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước bao gồm cả tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện. Do đó, ý kiến này đề nghị chỉ nên quy định người nghèo là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí để vừa bảo đảm công bằng xã hội, vừa phù hợp với khả năng thực tế về ngân sách của Nhà nước ta.

Ngoài hai loại ý kiến nêu trên, cũng có ý kiến đề nghị trợ giúp pháp lý không chỉ bó hẹp trong phạm vi người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số mà cần mở rộng ra đối với tất cả các đối tượng trong xã hội có nhu cầu giúp đỡ pháp luật và cần phân loại đối tượng có thu phí và đối tượng không thu phí.

Vấn đề xã hội hóa trợ giúp pháp lý cũng là một trong những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau. Theo Điều 5 của dự thảo luật thì "trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước; Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý" đồng thời, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Tờ trình của Chính phủ cho rằng "trợ giúp pháp lý miễn phí là nhiệm vụ của Nhà nước, Nhà nước cần giữ vai trò nòng cốt và phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời có biện pháp khuyến khích, hướng dẫn, huy động sự tham gia của xã hội theo tinh thần xã hội hóa đã được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng".

Qua thảo luận, trong Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến.

Nhiều ý kiến tán thành quan niệm xã hội hóa được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, trong điều kiện thực tế nước ta hiện nay, khi mà kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác chủ yếu đều dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì không nên giao toàn bộ hoặc phần lớn hoạt động trợ giúp pháp lý cho các tổ chức này thực hiện. Bởi vì, nếu giao cho các tổ chức, đoàn thể xã hội đảm nhiệm thì thực chất Nhà nước vẫn phải cấp kinh phí và bảo đảm các điều kiện vật chất khác cho các tổ chức, đoàn thể xã hội này. Do đó, đề nghị bỏ đoạn tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ tại Điều 5; quy định như dự thảo luật gây tâm lý ỷ lại của các tổ chức trông chờ vào việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong khi dự án luật xác định trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước thì cùng với việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác trợ giúp pháp lý, Nhà nước còn thực hiện chức năng xã hội của mình trong công tác này. Ý kiến này cho rằng, đã là nhiệm vụ của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện, đồng thời vẫn khuyến khích các tổ chức xã hội, công dân tự nguyện tham gia trên tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội và không nên đặt vấn đề xã hội hóa bằng cách giao ngân sách hỗ trợ để các tổ chức xã hội thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là chưa thể hiện đầy đủ chủ trương xã hội hóa được nêu trong Nghị quyết số 48- NQ/T.W ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị. Mặt khác, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt không đồng nghĩa với việc Nhà nước phải trực tiếp tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Quy định các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước đóng vai trò chủ yếu trong việc đại diện, bào chữa, tư vấn pháp luật... mà luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đang thực hiện là không phù hợp với xu thế chung của xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp theo hướng khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện công tác này.

Vấn đề thứ ba còn có ý kiến khác nhau là cán bộ trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Về vấn đề này, qua thảo luận nhiều ý kiến của Ủy ban pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, cán bộ trợ giúp pháp lý Nhà nước được thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, hành chính và không nhất thiết phải có chức danh luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước mà vẫn bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng về hình sự, dân sự, hành chính.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Điều 18 của dự thảo Luật quy định cán bộ trợ giúp pháp lý Nhà nước khi tham gia tố tụng có những quyền và nghĩa vụ như luật sư, vì vậy đề nghị có luật sư là viên chức làm việc trong tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận, cho nhiều ý kiến cụ thể về từng vấn đề của dự án, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

(Theo Nhân dân)