Quy định về hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong BLHS năm 2015

21/09/2018
Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về hình phạt
Hình phạt được quy định tại Chương VI bao gồm 16 điều, từ Điều 30 đến Điều 45. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp, theo hướng: “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Việc sửa đổi, bổ sung cũng nhằm bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về tăng cường bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền sống và bảo đảm sự thống nhất khi quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm.
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung
- BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền:
Hình phạt tiền không chỉ là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm các tội ít nghiêm trọng mà còn được áp dụng là hình phạt chính đối với một số tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng đối với một số nhóm tội phạm cụ thể thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và môi trường;
- Bổ sung quy định về trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ mà không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải lao động phục vụ cộng đồng.
- Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, theo đó BLHS năm 2015  đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình như sau: Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội, trong đó có 05 tội là bỏ hoàn toàn là Tội hoạt động phỉ báng, Tội cướp tài sản, Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Tội chống mệnh lệnh, Tội đầu hàng địch; có 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Tội tàng phép trái phép chất ma túy, Tội chiếm đoạt chất ma túy.
- BLHS năm 2015 cũng bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
- Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (khoản 4 Điều 40 và khoản 6 Điều 63).
- BLHS năm 2015 đã bổ sung hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
- BLHS năm 2015 quy định rõ hình phạt bổ sung tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do BLHS này quy định.
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt 
Miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt được quy định từ điều 60 đến 68 trong Bộ luật hình sự năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tính hướng thiện trong xử lý tội phạm, tạo điều kiện tốt hơn cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng nhằm bảo đảm sự chặt chẽ của các quy định về miễn, giảm hình phạt. 
Nội dung sửa đổi, bổ sung: 
- Bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Về bản chất, đây là việc trả tự do sớm đối với người đang chấp hành hình phạt tù; sau khi được trả tự do, người đó phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian - tạm gọi là thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách,  hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành hết thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam. Về bản chất, biện pháp này tương tự như quy định về án treo, chỉ khác nhau thời điểm áp dụng.
- Sửa đổi, bổ sung chế định về giảm hình phạt theo hướng phân hóa cụ thể hơn trường hợp phạm một tội và trường hợp phạm nhiều tội để đảm bảo tính công bằng; quy định cụ thể trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và tăng mức thời gian thực tế phải chấp hành từ 20 năm đến 25 năm. 
- Bổ sung quy định đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung. 
- Bổ sung quy định đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì thời gian đã chấp hành hình phạt để dược xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.