Quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính

08/07/2016
Để triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính, ngày 01/7//2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). Nghị định gồm 05 chương, 37 điều với những nội dung chủ yếu sau:
Quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính
Xuất phát từ đặc thù của việc thi hành án hành chính, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính theo cơ chế “tự thi hành án” mà không thông qua một chủ thể thứ ba tổ chức thi hành án độc lập như trong THADS. Theo đó, Nghị định có các quy định chung về trình tự, thủ tục thi hành án, như: Quy định về tự nguyện thi hành án; về yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án; về thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có quyết định buộc thi hành án; về chỉ đạo, đôn đốc thi hành án; về theo dõi việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh quy định chung về trình tự thủ tục thi hành án, Nghị định cũng quy định việc thi hành án trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 311 của Luật tố tụng hành chính, như: Thi hành án trong trường hợp Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện; thi hành án trong trường hợp Tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính; thi hành án trong trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định buộc thôi việc...
Xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án
Nghị định quy định các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án bao gồm: Xử lý kỷ luật (áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức); xử phạt VPHC; truy cứu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm vật chất và các biện pháp xử lý khác. Trong đó, về xử lý kỷ luật trong thi hành án, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức độ hậu quả gây ra của hành vi vi phạm mà bị xử lý bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Riêng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức vi phạm trong thi hành án hành chính được được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Về chế tài xử phạt VPHC, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm vật chất, thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC, Bộ luật hình sự, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, pháp luật dân sự. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về các biện pháp xử lý khác như: Công khai thông tin về việc không chấp hành án; không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính.
Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thi hành án hành chính
Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; báo cáo, đề xuất trong trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm và tăng cường quản lý công tác thi hành án hành chính trên thực tế, khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm, hạn chế hiệu quả quản lý công tác thi hành án hành chính hiện nay.