Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung đã cụ thể hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người

06/01/2015
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Luật) được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 13/6/2014 và Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã chính thức có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2015 (sau đây gọi tắt là Nghị định 105/2014/NĐ-CP).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 105/2014/NĐ-CP đã bán sát những nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, cũng như những nội dung và tinh thần của Hiến pháp về việc thực hiện Bảo hiểm y tế[1]. Luật đã cụ thể hoá những đường lối chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh[2]” vào thực tiễn bằng việc nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung có tính chất đột phát, khắc phục được cơ bản những hạn chế, bất cập của Luật cũ, tạo hành lang pháp lý để thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân[3], đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, về quy định BHYT là hình thức bắt buộc: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi quy định các đối tượng: “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành quy định: “BHYT là hình thức bắt buộc”[4] được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT. Tính pháp lý của việc bắt buộc này mang ý nghĩa nhân văn vì con người, vì lợi ích sức khỏe của người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Việc bắt buộc nhằm tiến tới việc thực hiện thắng lợi mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội

Thứ hai, về quy định BHYT theo hộ gia đình[5]: Đây là một quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế nhằm thực hiện việc bao phủ, chăm sóc sức khỏe, khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ hai, thứ ba trở đi sẽ chỉ đóng lần lược bằng 70%; 60%; 50% mức đóng của người thứ nhất, đảm bảo sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình[6].

Thứ ba, quy định BHYT đối với trẻ em dưới 06 tuổi: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định trẻ em dưới 06 tuổi được chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt...[7]. Trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT sẽ có giá trị đến ngày 30/9 của năm đó[8], nhằm tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc sức khỏ đến khi thẻ hết hạn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đồng thời với việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Đây là những quy định nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật cũ liên quan đến thực hiện BHYT của trẻ dưới 06 tuổi và đảm bảo quyền lợi tối đa cho trẻ em.

Thứ tư, về quy định mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Đây là quy định mới hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 sẽ mở thông tuyến giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT[9]. Với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn đặc biệt, huyện đảo, xã đảo có cơ chế được mở thông tuyến khám chữa bệnh từ xã, huyện, tỉnh lên trung ương trên phạm vi cả nước. Từ 01/01/2021 mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương[10].

Thứ năm, về tăng quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT: Đây là quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cập dịch vụ y tế với một số đối tượng như: Người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội,... nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quan tâm đến quyền lợi của người tham gia BHYT như: Bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.

Thứ sáu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định: Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh (tương đương khoảng 7 triệu)[11]. Đây cũng là một trong những quy định mới, tiến bộ để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế còn bổ sung quy định Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cũng kể từ ngày 01/01/2015, trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được chi trả 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và đến năm 2016 sẽ được chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh; Tại bệnh viện tuyến tỉnh, từ 01/01/2015, Quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú và đến ngày 01/01/2021 là 100%; tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.

Thứ bảy, kể từ ngày 01/01/2015 mức đóng hàng tháng của các đối tượng được quy định bằng 4,5% tiền lương hàng tháng của người lao động đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế[12], cụ thể:

Một là, người lao động trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.

Hai là, người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Ba là, người lao động bị tạm giam, tạm giữ sẽ đóng bảo hiểm y tế bằng 50% mức đóng bình thường, nếu sau khi có kết luận là không vi phạm pháp luật thì phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

Thứ tám, kể từ ngày 01/01/2015 trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì vẫn được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú[13].

Có thể khẳng định sau hơn 01 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, những quy định của Hiến pháp năm 2013 đã và đang đi vào đời sống xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền con người[14] đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và bảo vệ bằng các thiết chế và các đạo luật đã, đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để phù hợp với những quy định của Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn phát triển đời sống xã hội[15]. Hi vọng, trong thời gian tới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh[16], thực sự phát huy tác dụng, góp phần tạo nền tảng pháp lý để đảm bảo những nội dung về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 được cụ thể và hiện thực hóa, đó cũng chính là một trong những nội dung và mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Hải Việt

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013

2. Luật Bảo hiểm y tế năm 2008

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

4. Quyết định số: 2028/QĐ-TTg ngày 10/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

5. Công điện của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi - http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Cong-dien-cua-Thu-tuong-ve-thi-hanh-Luat-BHYT-sua-doi/217399.vgp

6. ThS, BS. Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế: Thúc đẩy tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước 

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=29233&print=true



[1]Ngay từ năm 1992, Điều 39 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã quy định: “... thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khỏe” và được tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp sửa đổi năm 2013: “... thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

[2]Khoản 1 Điều 38 Hiến pháp năm 2013

[3]Hướng tới 80% dân số có bảo hiểm y tế vào năm 2015 “…Với mục tiêu đến năm 2020 bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đây chính là một trong những thách thức đối với ngành y tế trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trước mắt sẽ đạt 80% dân số có bảo hiểm y tế vào năm 2015…”.

 http://www.giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn/index.php/tin-t-ng-h-p/686-hu-ng-t-i-80-dan-s-co-b-o-hi-m-y-t-vao-nam-2015

[4]Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm y tế

[5]Bổ sung khoản 7 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế

[6]Khoản 5 Điều 12, khoản 3 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[7]Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế

[8]Điểm d khoản 10 Điều 15 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[9]Khoản 4 Điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[10] Khoản 6 Điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[11]Điểm c khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[12]Mục a, khoản 1 Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[13]Khoản 2 Điều 11 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

[14]Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính chị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14)

[15]13 Luật đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, đó là các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công chứng; Luật Việc làm; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Phá sản; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan; Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

[16]Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được kịp thời, thống nhất, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của Nhân dân khi tham gia BHYT, cũng như hoạt động tổ chức khám, chữa bệnh BHYT được đảm bảo, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc triên khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1.Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó lưu ý chỉ đạo việc lập danh sách người tham gia BHYT theo quy định của Luật; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng quy định công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi người có thẻ BHYT; chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện; đặc biệt các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% dân số cần có biện pháp quyết liệt về tuyên truyền, khuyến khích để người dân tham gia nâng cao tỷ lệ; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại địa phương.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trong cả nước.

3. Bộ Thông tin & Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền; cùng với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân chủ động tuyền truyền, thông báo kịp thời về những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn để người dân biết, chủ động tham gia BHYT.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ, Chính phủ; đảm bảo việc tham gia và quyền lợi khám chữa bệnh của Nhân dân.

5. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 10/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại cơ quan và địa phương mình.