Quy định về các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức Nhà nước

09/12/2014
Ngày 05 tháng 12 năm 2014, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BTTTT quy định về các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Theo đó, Thông tư này quy định về danh mục, tiêu chí lựa chọn các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước và việc ưu tiên mua sắm, sử dụng phần mềm nguồn mở trong cơ quan, tổ chức nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức nhà nước) sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại; Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng, cung cấp phần mềm cho cơ quan, tổ chức nhà nước. Đặc biệt, Thông tư khuyến khích các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng nêu trên áp dụng các quy định trong Thông tư này.

Theo Thông tư, sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước phải đáp ứng các tiêu chí như sau:

Tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật: Phần mềm có các chức năng, tính năng kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu nghiệp vụ hoặc các quy định, hướng dẫn tương ứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức nhà nước; đáp ứng được yêu cầu tương thích với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện có của cơ quan, tổ chức.

Tiêu chí về tính mở và tính bền vững của phần mềm: Phần mềm phải đảm bảo các quyền: Tự do sử dụng phần mềm không phải trả phí bản quyền, tự do phân phối lại phần mềm, tự do sửa đổi phần mềm theo nhu cầu sử dụng, tự do phân phối lại phần mềm đã chỉnh sửa (có thể thu phí hoặc miễn phí); Phải có bản mã nguồn, bản cài đặt được cung cấp miễn phí trên mạng (internet). Ưu tiên phần mềm có sẵn tài liệu hướng dẫn cài đặt, tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt; Có điểm ngưỡng thất bại PoF (Point of Failure) từ 50 điểm trở xuống và điểm mô hình độ chín nguồn mở OSMM (Open Source Maturity Model) từ 60 điểm trở lên.

Danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Theo đó, đối với Hệ điều hành máy chủ, sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên là CentOS -Phiên bản 6.5 trở về sau, Debian-Phiên bản 7.2 trở về sau; Với hệ điều hành máy trạm là Ubuntu - Phiên bản 8.10 trở về sau, Fedora - Phiên bản 19 trở về sau; Với Hệ thống phần mềm thư điện tử máy chủ: Zimbra - Phiên bản 8.5 trở về sau, OBM - Phiên bản 2.5.5 trở về sau, Sendmail - Phiên bản 8.13 trở về sau, Postfix - Phiên bản 2.5 trở về sau; Với Hệ thống cổng thông tin điện tử (ePortal): Liferay - Phiên bản 6.0 trở về sau,  Gatein Portal - Phiên bản 6.1.0 trở về sau; Phần mềm văn phòng: OpenOffice - Phiên bản 2.4 đến 3.4,  LibreOffice - Phiên bản 4.1.3 trở về sau và Phần mềm trình duyệt Web là Mozilla Firefox - Phiên bản 30.0 trở về sau, Chromium - Phiên bản 33.0 trở về sau.....

Các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước bao gồm: Sản phẩm phần mềm nguồn mở có tên trong Danh mục quy định tại Phục lục kèm theo Thông tư này; Sản phẩm phần mềm nguồn mở đáp ứng tiêu chí trên, đặc biệt là các sản phẩm do tổ chức, doanh nghiệp trong nước phát triển, hoàn thiện, khai thác, cung cấp.

Các cơ quan, tổ chức nhà nước khi có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm, hoặc thuê sử dụng các loại phần mềm có trong Danh mục quy định tại Phụ lục của Thông tư này, hoặc các loại phần mềm mà trên thị trường đã có sản phẩm phần mềm nguồn mở tương ứng thỏa mãn tiêu chí trên, thì phải ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm nguồn mở tương ứng theo quy định tại Thông tư này và phải thể hiện rõ sự ưu tiên này trong các tài liệu như thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch đầu tư, hồ sơ mời thầu, yêu cầu chào hàng, yêu cầu báo giá hoặc các yêu cầu mua sắm khác.

Cơ quan, tổ chức nhà nước phải đảm bảo không đưa ra các yêu cầu, điều kiện, tính năng kỹ thuật có thể dẫn tới việc loại bỏ các sản phẩm phần mềm nguồn mở trong các tài liệu như thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch đầu tư, hồ sơ mời thầu, yêu cầu chào hàng, yêu cầu báo giá hoặc các yêu cầu mua sắm khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Thông tư để cập nhật Danh mục sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.

Các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến, quán triệt, đôn đốc và tổ chức thực hiện các nội dung của Thông tư này trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình; tổng hợp gửi báo cáo về tình hình mua sắm, sử dụng phần mềm nguồn mở trong cơ quan, tổ chức nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình về Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trong trường hợp việc đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin đã được thẩm định, phê duyệt và triển khai trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong trường hợp việc đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin đã được thẩm định, phê duyệt nhưng chưa triển khai trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2015. Thông tư này thay thế Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục các sản phẩm phần mềm nguồn mở đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.