Tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, ngư dân về các thỏa thuận hợp tác về nghề cá

22/08/2018
Ngày 17 tháng 08 năm 2018. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1047/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản với một số nước, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.
Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Lựa chọn doanh nghiệp: Tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, ngư dân về các thỏa thuận hợp tác về nghề cá mà Việt Nam đã ký kết với các nước, Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước để làm cơ sở thực hiện; Lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ điều kiện tham gia thực hiện, tuân thủ các quy định tại Quyết định này.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp: Hướng dẫn cho các doanh nghiệp về nội dung của Đề án này và các thủ tục cần thiết, các chính sách hỗ trợ, các quy định của nước sở tại; cung cấp thông tin ngư trường, nguồn lợi để doanh nghiệp chủ động xây dựng đề án hợp tác khai thác viễn dương trình Ủy ban nhân dân tỉnh; Hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý của Việt Nam, các nước sở tại và giải đáp các vướng mắc khác có liên quan.
3. Phê duyệt chấp thuận đề án của doanh nghiệp: Trên cơ sở đề án của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến; Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt chấp thuận đề án của doanh nghiệp để làm cơ sở triển khai, thực hiện.
4. Tổ chức đi khai thác: Sau khi đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, chủ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) cấp giấy phép cho tàu cá đi khai thác hải sản ngoài vùng biển Việt Nam. Sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đưa tàu cá và ngư dân đi; thông báo đến các cơ quan liên quan về thời điểm xuất phát; thời gian, hành trình mà tàu đi qua vùng biển các nước; Bộ Quốc phòng (lực lượng Biên phòng) kiểm tra các thủ tục xuất, nhập cảnh theo đúng quy định; Bộ Ngoại giao tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân, tàu cá và doanh nghiệp Việt Nam theo hải trình di chuyển từ vùng biển Việt Nam đến vùng biển nước bạn và trong quá trình hợp tác khai thác theo quy định.
Về giải pháp thực hiện, Đề án nêu rõ: Hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 01 chuyến đi (01 lượt đi) cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác; Chi phí hỗ trợ nhiên liệu cho chuyến đi được chi trả sau khi đã hoàn thành việc hợp tác khai thác ở các nước và trở về Việt Nam; Hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá; Hỗ trợ một lần 100% thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh (VMS) lắp đặt trên tàu cá để giám sát hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển các nước.
Về chính sách ưu đãi thuế: Doanh nghiệp có tàu cá đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển các nước mang sản phẩm khai thác được nhập khẩu về Việt Nam có xác nhận của nước sở tại về nguồn gốc sản phẩm khai thác tại vùng biển các nước này thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020. Điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2021 trở đi, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và phạm vi, đối tượng được miễn thuế nhập khẩu phù hợp theo tình hình thực tế.