Tăng cường công tác tuyên truyền,PBPL về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

14/08/2018
Ngày 8/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 284/TB-VPCP về việc thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện; công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, các vụ án trọng điểm được tập trung xử lý, đưa ra xét xử nghiêm minh, tạo được niềm tin cho nhân dân. Công tác xây dựng thể chế được tăng cường, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về công tác phòng, chống tội phạm, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 79,5%, hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện, xử lý 88.229 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ án, 889 đối tượng.
Những kết quả trên đã góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; phòng, chống tội phạm trong từng cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển, bố trí công tác khác và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào các cơ quan chính quyền; quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể phải căn cứ Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ.
4. Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, buôn bán người, ma túy, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân...., triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác “xách tay”, việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, về kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ vi phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
6. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có bất cập, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các quy định thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới; phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang nước thứ 3, rác thải độc hại nhập khẩu vào Việt Nam, các hành vi chuyển giá, trốn thuế.
7. Triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay; Chỉ thị 17/CP-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.