Vị trí và vai trò của nghị viện thế giới và của Quốc hội Việt Nam

27/02/2017
  1.  VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CỦA NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI
    1.   Lịch sử hình thành, phát triển Nghị viện
Việc hình thành thiết chế Nghị viện là một trong những dấu mốc đánh giá sự phát triển của xã hội loài người, thể hiện một nền dân chủ trong xã hội. Thiết chế nhà nước tương tự như Nghị viện theo cách hiểu hiện nay đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước đây ở một số quốc gia như La Mã cổ đại, Hy Lạp, Ai Cập. Tại thời điểm đó, Nghị viện tồn tại dưới dạng là đại hội nhân dân, bao gồm toàn thể nhân dân hoặc những người được bầu (thành viên của Hội đồng trưởng lão, Hội đồng thành phố) với chức năng là thảo luận, tư vấn nhằm đưa ra quyết định những vấn đề cấp bách của quốc gia hoặc của một đơn vị lãnh thổ. Trong trường hợp cấp bách, Đại hội nhân dân được tổ chức để đưa ra những quyết định cho phù hợp. Với hiệu quả của việc tổ chức các đại hội nhân dân, các đại hội này được tiến hành thường xuyên hơn và phạm vi những vấn đề đưa ra để thảo luận ngày càng rộng hơn. Nhà nước cộng hòa La Mã (được thành lập năm 509 trước Công nguyên) cũng thành lập cơ quan đại diện bao gồm 300 vị nguyên lão thuộc các gia đình có thế lực và giàu có với tên gọi Viện nguyên lão; Viện nguyên lão có nhiệm vụ ban hành các chính sách.
Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị viện với chức năng, vị trí như hiện nay, thường nhắc đến nước Anh với tư cách là quê hương của cơ quan này. Bắt đầu từ thế kỷ XIII, xuất phát từ các cuộc đại hội của những lãnh chúa phong kiến, giới tăng lữ cao cấp và đại diện của các thành phố, địa hạt do Nhà vua triệu tập nhằm đưa ra những yêu cầu đối với việc tăng thuế nhằm mục đích chi tiêu cho ngân sách hoàng gia. Các cuộc họp như trên diễn ra nhiều hơn, từ bất thường thành thường xuyên và trở thành tục lệ. Chính những cuộc họp đại diện đó đã dần dần hình thành nên Nghị viện Anh. Những cơ quan này sau đó xuất  hiện ở Ba Lan, Hungari, Pháp và những nước khác.
Xét theo lịch sử phát triển của chế độ tư bản, sự phát triển của Nghị viện có thể phân chia thành hai giai đoạn tương ứng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản: thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và thời kỳ chủ nghĩa tư bản lũng đoạn. Ở thời kỳ đầu, chế độ xã hội có Nghị viện dần trở thành chế độ đại nghị. Những nhà tư tưởng khai sinh ra chế độ đại nghị là J.Locke, J.Rousseau, Montesquieu... Đây là chế độ nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân chia quyền lực “tam quyền phân lập”: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; trong đó quyền lập pháp của Nghị viện có ưu thế hơn hẳn và Nghị viện cũng có ưu thế hơn so với các cơ quan khác. Ở giai đoạn sau, chế độ đại nghị bị khủng hoảng do sự lấn quyền của cơ quan hành pháp và Nghị viện tư sản trở thành cơ quan hình thức. Ở thời điểm này, Nghị viện được cơ cấu thành hai viện: Hạ viện và Thượng nghị viện. Hạ viện có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Nghị viện và thẩm quyền của Thượng viện, Nhà vua ngày càng trở nên mờ nhạt.
 Như vậy, chức năng của Nghị viện trong quá trình hình thành và phát triển có sự chuyển hóa: bắt đầu từ chức năng giúp việc cho Nhà vua, sau đó phát triển trở thành cơ quan lập pháp với chức năng chủ yếu là xem xét thông qua các dự án luật do cơ quan hành pháp chuẩn bị, vấn đề quan trọng khác và giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp.
Mô hình Nghị viện cổ điển ở Anh tồn tại lâu đời, trong quá trình phát triển đã ảnh hưởng tới nhiều nước, sau đó các nước đó tiếp thu và vận dụng linh hoạt mô hình này để hình thành nên cơ quan tương tự trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước (ví dụ như Hoa Kỳ). Do các nước khác nhau có điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên chức năng, vị trí, vai trò của Nghị viện trong bộ máy quản lý nhà nước không giống nhau nhưng có thể nói Nghị viện là cơ quan hoạt động gắn liền với quyền lực lập pháp. Chính vì vậy, Nghị viện  còn được gọi là cơ quan lập pháp.  
Bên cạnh những nước có Nghị viện được ra đời từ lâu như Nghị viện Anh, Hoa Kỳ thì cũng có những Nghị viện ở các nước đang phát triển mới ra đời vào những thập kỷ gần đây như Nghị viện của các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu có những thay đổi căn bản trong nguyên tắc và hoạt động của mình vào những năm cuối thế kỷ trước.
 
          Mô hình của Nghị viện trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có hai mô hình Nghị viện: chế độ nghị viện một viện và chế độ nghị viện hai viện. Một số nước tiêu biểu cho chế độ nghị viện hai viện bao gồm Anh, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Cộng hòa Séc... Các nước khác xây dựng mô hình Nghị viện một viện như Trung Quốc, Thụy Điển, Bungari, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Costa Rica, Cu-ba... Các nhà nước liên bang thường áp dụng chế độ nghị viện hai viện. Nhà nước đơn nhất thường thiết lập chế độ nghị viện một viện[1]. Tuy nhiên, một số nhà nước đơn nhất có Nghị viện hai viện như Malaysia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Nhật Bản… và cũng có quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả rập là nhà nước liên bang nhưng tổ chức theo mô hình Nghị viện một viện.
Theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện trên thế giới, trong số hơn 190 quốc gia trên thế giới, có 77 quốc gia (chiếm tỷ lệ 40,1%) thành lập  Nghị viện hai viện; còn lại có 115 quốc gia lựa chọn hình thành Nghị viện một viện (chiếm tỷ lệ 59.9%). Đặc biệt có quốc gia như Đan Mạch chuyển từ mô hình Nghị viện hai viện sang mô hình Nghị viện một viện từ năm 1953. Tunisia chuyển đổi mô hình Nghị viện một viện sang chế độ hai Nghị viện, thành lập cơ quan Hạ Nghị viện vào năm 2005[2].  Trong mô hình tổ chức Nghị viện hai viện ở một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… thì hai viện thường được đặt tên là Hạ viện và Thượng viện. Trong đó, Hạ viện đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do toàn thể cử tri cả nước bầu ra, còn Thượng viện đại diện cho ý chí của các bang (đơn vị hành chính cấp tỉnh) và Thượng nghị sĩ thường do các bang (đơn vị hành chính cấp tỉnh) bầu và cử ra.
Đa số các quốc gia lựa chọn chế độ Nghị viện một viện hay Nghị viện hai viện thì đều có điểm chung là do nhân dân bầu ra thông qua bầu cử phổ thông, trực tiếp. Một số nước như ở Indonexia…. đã có quy định khác, như 100 trong số 500 nghị sỹ của Nghị viện Indonexia là đại diện cho quân đội do các sĩ quan, binh lính quan đội bầu ra, hay ở Campuchia cho phép Hoàng gia bổ nhiệm một số thượng nghị sỹ trong Thượng viện. Cũng theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, trong cấu trúc Nghị viện của các quốc gia, số ghế trong Nghị viện các nước được bầu cử trực tiếp bao gồm 35328 (chiếm tổng số 78,24%), số ghế bầu cử gián tiếp bao gồm 5955 (chiếm tổng số 13,19%), số ghế chỉ định bao gồm 2896 (chiếm tổng số 6,41%), phương thức khác gồm 972 ghế (chiếm tổng số 2,15%)[3].
Dù một quốc gia lựa chọn mô hình Nghị viện một viện hay mô hình Nghị viện hai viện đều có những ưu và nhược điểm riêng. Xét về chức năng lập pháp, đối với mô hình Nghị viện một viện thì chỉ có một cơ quan có chức năng lập pháp nên việc ban hành luật nhanh chóng với thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn vì chỉ đưa ra xem xét một lần, không phải xem xét lại các quan điểm khác nhau giữa hai viện. Tuy nhiên, đây cũng được coi là nhược điểm của mô hình Nghị viện một viện vì có thể dẫn đến khả năng thông qua dự thảo luật nhanh chóng, vội vàng, dự thảo luật chưa được thảo luận và thẩm định chặt chẽ hơn. Ngược lại, trong mô hình Nghị viện hai viện, dự thảo luật sau khi được Hạ viện thông qua thì phải tiếp tục được Thượng viện thông qua. Như vậy, với sự xem xét ở cả 2 viện, nhất là ở Thượng viện có thể khắc phục được sự vội vàng, hấp tấp của Hạ viện nhưng có thể dẫn đến việc thông qua dự thảo luật bị trì hoãn do ý kiến của hai viện khác nhau. Về trách nhiệm, đối với mô hình Nghị viện một viện, thành viên của Nghị viện phải tự nâng cao trách nhiệm khi thực hiện chức năng của Nghị viện, vì không có viện thứ hai chịu trách nhiệm cùng; ngược lại đối với mô hình Nghị viện hai viện, thì hai viện có thể trốn tránh trách nhiệm của mình và cho rằng nếu như viện này chưa làm tốt thì đã có viện kia thực hiện trách nhiệm tốt hơn.
  1.  Vị trí, vai trò của Nghị viện trên thế giới
1.3.1 Vị trí của Nghị viện
Nghị viện được xác định là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời Nghị viện là một cơ quan quyền lực Nhà nước, có quyền lập pháp.
Về vị trí, Nghị viện là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nhân dân là chủ thể có quyền lực tối cao và duy nhất, nhân dân ủy quyền cho Nghị viện thay mình thực hiện quyền lập pháp. Việc ủy quyền này được thực hiện thông qua cuộc bầu cử vào Nghị viện. Ngoài ra, theo tư tưởng của Montesquieu, nhân dân chỉ uỷ quyền cho Nghị viện thực hiện quyền lập pháp. Khi bàn về quyền lập pháp trong tác phẩm Tinh thần pháp luật, ông viết “Trong một nước tự do, mọi người đều được xem như có tâm hồn tự do, thì họ phải được tự quản; như vậy tập đoàn dân chúng phải có quyền lập pháp. Nhưng trong một nước lớn thì không thể mỗi công dân đều làm việc lập pháp. Trong một nước nhỏ, việc này cũng rất khó khăn; cho nên dân chúng thực hiện quyền lập pháp bằng cách giao cho các đại biểu của mình làm mọi việc mà cá nhân công dân không thể tự mình làm lấy được”[4].
Thứ hai, Hiến pháp ghi nhận Nghị viện là cơ quan đại diện của nhân dân. Hiến pháp ra đời nhằm điều chỉnh việc tổ chức quyền lực nhà nước trong giai đoạn giai cấp tư sản giành chính quyền. Theo đó, quyền lực của Nhà nước được phân định thành ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời trao các quyền này cho ba chức năng khác nhau trong bộ máy nhà nước để vừa thực hiện, vừa kiềm chế, đối trọng nhau tạo nên sự cân bằng quyền lực và đảm bảo quyền của công dân.
Về vị trí của Nghị viện là cơ quan quyền lực của Nhà nước, hầu hết các nước đều ghi nhận vị trí pháp lý của Nghị viện trong các bản Hiến pháp. Ở Hoa Kỳ, tại bản Hiến pháp đầu tiên năm 1787 đã quy định vị trí pháp lý của Nghị viện ngay tại Khoản 1 Điều 1: “Toàn bộ quyền lực lập pháp được thừa nhận tại bản Hiến pháp này sẽ được trao cho Nghị viện Hoa Kỳ. Nghị viện gồm có Thượng viện và Hạ viện”[5]. Hiến pháp Hàn Quốc quy định khá ngắn gọn ở Điều 40: “Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội”[6] Tương tự như vậy, Điều 3 Hiến pháp 1958 của Pháp quy định nhân dân Pháp là chủ thể duy nhất của chủ quyền quốc gia. Nhân dân Pháp thực hiện chủ quyền quốc gia dưới hai hình thức: thông qua đại diện và thông qua con đường trưng cầu ý kiến nhân dân. Như vậy, xét về nguyên tắc, Quốc hội Pháp là Cơ quan đại diện cho nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn quy định vị trí pháp lý của Nghị viện cao hơn các cơ quan quyền lực nhà nước khác: Nghị viện là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước. Ví dụ, theo quy định tại Điều 57 của Hiến pháp Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sửa đổi bổ sung ngày 14/03/2004 đã quy định Quốc hội là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước[7]. Hiến pháp của Nhật Bản cũng quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cũng là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”. Quốc hội Nhật Bản gồm có Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị viện, đây là cơ quan do nhân dân bầu ra và là cơ quan đại diện của nhân dân.
Cơ sở của việc quy định vị trí của Nghị viện xuất phát từ học thuyết của một số nhà tư tưởng như Montesquieu, J.Locke, J. Rousseau... J.Locke và Montesquieu cho rằng trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước được phân thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó nghị viện chỉ đóng vai trò là cơ quan lập pháp. Các mô hình cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước như mô hình đại nghị, mô hình Tổng thống và mô hình hỗn hợp đều áp dụng tư tưởng này. Vì ''quyền lập pháp thể hiện ý chí chung của quốc gia''[8], mà nghị viện là cơ quan đại diện cho ý chí chung đó. Còn nhà tư tưởng J. Rousseau - người ủng hộ quan điểm tính thống nhất của quyền lực tối cao, cho rằng quyền lực tối cao có nguồn gốc từ nhân dân, nghị viện là cơ quan do nhân dân thành lập, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân bởi vậy nghị viện có quyền tối cao, cho nên nghị viện không những có quyền lập pháp mà còn có quyền thành lập chính phủ và giám sát hoạt động của chính phủ. Những quan điểm nói trên đó tạo cơ sở lý luận cho việc thiết lập hình thức chính thể Nhị nguyên và Đại nghị ở nhiều nước trên thế giới ngày nay.
Cơ sở lý luận cho việc xác định vị trí của nghị viện ở nhà nước xã hội chủ nghĩa là quan điểm của C.Mác, VI Lênin về nhà nước và cách mạng. Thông qua phong trào Công xã Pari, C. Mác chỉ ra rằng công xã nên được hình thành với tư cách là cơ quan có chức năng hành chính vừa có chức năng lập pháp. Bên cạnh đó, V.I. Lênin cũng làm rõ quan điểm của C. Mác, ông cho rằng công xã thay chế độ đại nghị vì các nghị sĩ phải tự chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri của mình về những hoạt động, công tác do mình tiến hành, về việc thực hiện những nhiệm vụ của mình. Những cơ quan đại diện vẫn còn, nhưng chế độ đại nghị, với tính cách là một hệ thống đặc biệt, một sự phân chia giữa công tác lập pháp và công tác hành pháp thì không còn nữa. Tiếp thu tư tưởng của Mác - Lênin, ở Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác trong một thời gian dài đã tập trung chức năng lập pháp, quy định các vấn đề quan trọng của đất nước vào Quốc hội.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới xác định Nghị viện không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước, có quyền lập pháp mà Nghị viện còn được trao thêm một số quyền lực khác như quyền giám sát, thẩm quyền liên quan đến tài chính - ngân sách, thành lập các cơ quan nhà nước… Theo đó, Nghị viện thực hiện quyền giám sát cơ quan hành pháp bằng những phương thức khác nhau, một số phương thức phổ biến được các nước sử dụng như chất vấn, các phiên giải trình, thành lập cơ quan điều tra, điều trần tại ủy ban, điều trần tại các phiên họp toàn thể của Nghị viện, Ủy ban của Quốc hội, thanh tra Quốc hội và bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đối với vấn đề tài chính - ngân sách quốc gia, vai trò của Nghị viện được thể hiện trong việc thảo luận, thẩm tra và phê chuẩn các dự thảo ngân sách nhà nước (gồm dự toán các khoản thu - chi của Nhà nước) và quy định, sửa đổi các loại thuế.
1.3.2   Vai trò của Nghị viện
Có thể khái quát vai trò của Nghị viện ở các nước trên thế giới như sau:
Thứ nhất, Nghị viện đóng vai trò là cơ quan trung gian giữa nhân dân và Nhà nước.
Về mặt nguyên tắc, nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lực Nhà nước nhưng nhân dân không tự mình thực hiện các quyền lực của mình nên phải thực hiện thông qua các cơ quan đại diện của mình. Nhân dân bầu ra Nghị viện - cơ quan đại diện cho mình và ủy quyền cho họ thực hiện các công việc. Chính vì vậy, Nghị viện trở thành cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, mong muốn của cử tri.
Nghị sỹ thông qua những hoạt động của mình, như tiếp xúc với cử tri, thông qua việc tiếp nhận những tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân bằng nhiều phương tiện khác nhau, như phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng công nghệ thông tin sau đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan Nhà nước trong các phiên họp thảo luận của Nghị viện. Ngoài ra, Nghị viện – cơ quan đại diện của nhân dân đóng vai trò là cơ quan giám sát hoạt động và thực hiện trách nhiệm chính trị của cơ quan công quyền. Nghị viện của bất kỳ quốc gia nào cũng cố gắng thực hiện tốt vai trò này nhằm xứng đáng với vị trí là cơ quan đại diện của nhân dân.
Thứ hai, Nghị viện đóng vai trò cân bằng giữa lợi ích của cử tri và lợi ích quốc gia
Như đã phân tích ở trên, Nghị viện do cử tri cả nước bầu ra, phản ánh quan điểm và mong muốn của cử tri, đồng thời xác định những vấn đề mang lại tốt nhất cho lợi ích của cử tri và cả lợi ích của quốc gia. Trên thực tế thực thi quyền lực nhà nước sẽ có sự xung đột lợi ích giữa cử tri và lợi ích của quốc gia, nảy sinh vướng mắc giữa cử tri và cơ quan nhà nước; khi đó Nghị viện có vai trò thảo luận để tìm giải pháp hài hòa các lợi ích, bảo đảm sự cẩn trọng trong ban hành chính sách, nhất là những vấn đề liên quan đến ngân sách hoặc hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chính vì vậy, ở hầu hết các Nghị viện, quy trình thảo luận dự án luật bắt buộc phải qua nhiều vòng thảo luận công khai, điều này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là những dự án luật có thể dễ dàng nhận thấy tác động đến lợi ích của nhân dân khi quy định một số vấn đề tăng các loại thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, cắt giảm ngân sách nhà nước cho vấn đề an sinh xã hội… Thực tế ở một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga… việc đáp ứng yêu cầu của cử tri là một nhiệm vụ quan trọng của Nghị sĩ và một trong các lý do cử tri bị thuyết phục bỏ phiếu bầu cử cho Nghị sĩ bởi những cam kết thực hiện những lợi ích của cử tri tại khu vực bầu cử.
Ở một số nước đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nêu trên như lựa chọn mô hình tổ chức Nghị viện hai viện và quy định dự án luật phải được cả Thượng Nghị viện và Hạ nghị viện thông qua. Như vậy, Hạ viện chủ yếu đại diện cho lợi ích quốc gia còn Thượng viện sẽ đại diện lợi ích của địa phương, khi dự án luật được cả hai Nghị viện thông qua sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân. Ngoài ra, chế độ phủ quyết các đạo luật của Nghị viện và vai trò của Tòa án Hiến pháp trong việc xem xét lại các đạo luật do Nghị viện ban hành do vi hiến hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là những cơ chế để khắc phục những sai lầm trong lập pháp.
Thứ ba, Nghị viện giữ vai trò đảm bảo quyền giám sát của nhân dân
Thông qua hoạt động giám sát của Nghị viện đối với các cơ quan quyền lực khác của nhà nước, như cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, nhân dân biết và giám sát được cách thức, mức độ thực hiện hoặc lí do không thực hiện các quyết định và trách nhiệm công quyền được giao phó. Với các hình thức giám sát khác nhau của Nghị viện như chất vấn, các phiên giải trình, thành lập cơ quan điều tra, điều trần tại ủy ban, điều trần tại các phiên họp toàn thể của Nghị viện… các hoạt động của cơ quan nhà nước được minh bạch, nhân dân dễ dàng thực hiện quyền giám sát. Ở các nước trên thế giới, một trong những trách nhiệm hàng đầu của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp là đảm bảm việc công bố, cung cấp thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Ngoài ra, còn thực hiện trưng cầu ý kiến về các dự án luật, dự thảo chính sách trước khi được Nghị viện thông qua và thực thi trên thực tế.
Thứ tư, Nghị viện đóng vai trò định hướng dân chủ và bình đẳng xã hội.
Đối với tất cả các nước trên thế giới, trong quá trình tổ chức và hoạt động của mình thì nhiệm vụ hàng đầu luôn được đặt ra mở rộng dân chủ để thực hiện quyền lực thuộc về nhân dân. Về hình thức dân chủ thì có dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là sự tham gia trực tiếp của người dân vào các chính sách và quản lý. Việc nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, như thực hiện bầu cử, trưng cầu dân ý, bãi miễn thành viên Nghị viện. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân tham gia vào các công việc của Nhà nước thông qua cơ quan đại diện do mình bầu ra. Chính vì vậy, Nghị viện đóng vai trò là cơ quan nhà nước tiến hành các hoạt động như các hình thức truyền thông đại chúng của Nghị viện, mời công dân dự thính các kỳ họp của Nghị viện, thể hiện vai trò định hướng dân chủ. Bên cạnh đó, hoạt động của Nghị viện là một thước đo nền dân chủ của mỗi quốc gia.
Cũng tương tự như đối với vấn đề dân chủ, bình đẳng xã hội là mục tiêu xây dựng đất nước ở các quốc gia. Với vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, Nghị viện đảm bảo bình đẳng xã hội nên vấn đề bảo vệ nhóm dân cư dễ bị tổn thương thường được chú trọng khi đưa ra thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng, thông qua dự thảo luật.
1.3.3 Chức năng của Nghị viện
Nghị viện các nước đều có một số chức năng chung như chức năng lập pháp, chức năng giám sát, chức năng liên quan đến vấn đề tài chính - ngân sách, nhưng phạm vi, mức độ của các chức năng này là khác nhau ở các nước khác nhau. Nguyên nhân bắt nguồn từ các nước có các đặc điểm khác nhau về mô hình chính thể, hệ thống bầu cử, mỗi quan hệ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; các đảng phái……
  1. Chức năng lập pháp
Như đã phân tích ở trên, chức năng lập pháp là chức năng cơ bản của Nghị viện. Hiến pháp của đa số các nước trên thế giới đều quy định Nghị viện có quyền thông qua luật. Ví dụ Khoản 1 Điều 34 Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1958 quy định: “Luật do Nghị viện thông qua”.  Như vậy, chức năng lập pháp của Nghị viện không có nghĩa Nghị viện thực hiện tất cả các công việc trong quy trình lập pháp. Thực tiễn lập pháp của nhiều nước trên thế giới cho thấy Chính phủ có quyền đưa ra sáng kiến lập pháp và soạn thảo dự án luật trình Nghị viện thông qua và quyền công bố luật được trao cho người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch nước, Tổng thống).
Dự thảo luật chỉ trở thành luật khi được Nghị viện xem xét thông qua; không có sự thông qua của Nghị viện thì không có các đạo luật. Hiến pháp của Nhật Bản quy định rõ vấn đề này tại Điều 59 như sau: “Dự thảo luật sẽ trở thành luật nếu được cả hai Viện thông qua trừ những trường hợp đặc biệt được ghi trong Hiến pháp.
Nếu Thượng Nghị Viện không đồng ý với một dự thảo luật mà Hạ Nghị Viện đã thông qua thì văn kiện đó sẽ trở thành đạo luật nếu Hạ nghị viện biểu quyết lần thứ hai với đa số 2/3 đại biểu có mặt thông qua.”
  1. Chức năng liên quan đến tài chính - ngân sách
Đối với chức năng này, Nghị viện có quyền thông qua ngân sách, phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách và quyền quy định các thứ thuế. Việc thông qua ngân sách, phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách là một hình thức giúp nghị viện kiểm soát hoạt động của chính phủ. Ngân sách của đa số các nước trên thế giới được thông qua dưới dạng văn bản luật có hiệu lực trong một năm, trong đó liệt kê toàn bộ các khoản thu, chi. Trên cơ quy định của luật, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thu, chi ngân sách. Ở Anh, Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác, ngân sách nhà nước là một chương trình thu chi tài chính, chương trình này được thực hiện thông qua việc ban hành các đạo luật về thu, chi.
Thủ tục nghị viện tiến hành phê chuẩn quyết toán ngân sách được Hiến pháp các nước quy định theo các cách khác nhau. Thí dụ, theo Khoản 1, Điều 90, Hiến pháp Nhật Bản: “quyết toán hàng năm về các khoản thu, chi ngân sách nhà nước do nội các trình nghị viện phê chuẩn cùng bản báo cáo của hội đồng thanh tra về việc thực hiện ngân sách trong năm”. Hàn quốc quy định về vấn đề này tại Điều 54 Hiến pháp như sau: “(1) Quốc hội thảo luận và quyết định về dự luật ngân sách quốc gia. (2) Cơ quan Hành pháp soạn thảo dự luật ngân sách cho mỗi năm tài chính và đệ trình Quốc hội trong thời hạn chín mươi ngày trước ngày bắt đầu của năm tài chính mới. Quốc hội quyết định về dự luật ngân sách quốc gia trong vòng ba mươi ngày trước ngày bắt đầu năm tài chính mới.”
Ngoài ra, các nước cũng quy định về việc sửa đổi dự toán Ngân sách do Chính phủ trình theo đó quy định về việc Nghị viện có thẩm quyền tăng số tiền cho các khoản chi hay giảm chi, có được quyền thay đổi dự toán ngân sách hay không. Ở Hàn Quốc, vấn đề này được quy định tại Điều 56, 57như sau: Khi cần thiết phải sửa đổi ngân sách, Cơ quan Hành pháp có thể xây dựng một dự luật ngân sách bổ sung sửa đổi và đệ trình Quốc hội; Khi không có sự đồng ý của Cơ quan Hành pháp, Quốc hội sẽ không được tăng số tiền của bất kỳ khoản chi nào cũng như không tạo ra bất kỳ mục chi mới nào trong ngân sách đã được Cơ quan Hành pháp đệ trình”
  1. Chức năng giám sát
Nghị viện của các nước có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp. Ngoài ra trong một số trường hợp đối tượng giám sát của Nghị viện có thể là người đứng dầu nhà nước, cơ quan tư pháp, cơ quan tự quản địa phương và một số cơ quan nhà nước khác. Tuỳ theo quy định của pháp luật, ở các nước, mức độ giám sát và phạm vi đối tượng giám sát của nghị viện là khác nhau. Các hình thức giám sát phổ biến là chất vấn, các phiên giải trình, thành lập cơ quan điều tra, điều trần tại ủy ban, điều trần tại các phiên họp toàn thể của Nghị viện, thanh tra Quốc hội và bỏ phiếu bất tín nhiệm.
  1. Một số chức năng khác
Ngoài các chức năng nêu trên, các nước quy định Nghị viện có quyền tham gia thành lập Chính phủ và có quyền bãi nhiệm người đứng đầu Chính phủ. Ví dụ Điều 63 Hiến pháp Hàn Quốc quy định “Quốc hội có thể thông qua  đề nghị bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước”. Sự tham gia của Nghị viện trong việc thành lập Chính phủ. Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) có thẩm quyền bầu một số chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời cũng có quyền bãi nhiệm các chức danh này (Điều  62, 63 Hiến pháp Trung Quốc năm 1982)
Ngoài ra, Nghị viện còn có thẩm quyền đặc xá. Đại xá, đây là quyền của Nghị viện tuyên bố xoá tội cho một đối tượng nào đó.
Bên cạnh đó, Nghị viện còn có thẩm quyền phê chuẩn, bãi bỏ các điều ước quốc tế. Phê chuẩn điều ước quốc tế là sự đồng ý của quốc gia về việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế và được thể hiện bằng một hình thức nhất định. Ngược lại, bãi bỏ là hình thức nhằm chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế đơn phương hoặc rút lui khỏi điều ước quốc tế đa phương. Ở Hàn Quốc, thẩm quyền này được quy định tại Điều 60: “Quốc hội có quyền thông qua việc ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến tương trợ và hỗ trợ an ninh; các điều ước quốc tế liên quan đến các tổ chức quốc tế quan trọng; các điều ước hữu nghị, thương mại và hàng hải; các điều ước quốc tế liên quan đến bất kỳ sự hạn chế nào về chủ quyền; các điều ước hòa bình; các điều ước quốc tế phát sinh nghĩa vụ tài chính quan trọng đối với Nhà nước hoặc nhân dân; và các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề lập pháp.”
Ngoài ra, Nghị viện còn được trao thẩm quyền phê chuẩn việc tuyên bố chiến tranh, việc gửi lực lượng vũ trang ra nước ngoài… Một số quốc gia quy định các vấn đề nêu trên, như Hàn Quốc (Điều 60 Hiến pháp), Trung Quốc (Điều 62 Hiến pháp 1982)…
 
II.  VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
Trong hệ thống chính trị nước ta, Quốc hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội không chỉ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân mà còn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có quyền lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động của Quốc hội không ngừng đổi mới và nâng cao. Quốc hội ngày càng thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của mình. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng tính hình thức trong quá trình hoạt động của Quốc hội hãy còn, công tác giám sát của chúng ta còn chậm, chất lượng chưa cao.
Những tồn tại hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa nhận thức đẩy đủ và xác định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội trong bộ máy Nhà nước. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải xác định trong điều kiện đổi mới đất nước hiện nay và xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá một cách mạnh mẽ cũng đòi hỏi phải có phân tích, đánh giá và nhận thức đầy đủ về vị trí và vai trò của Quốc hội.
2.1. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ngày 16-8-1945 "Ðại hội đại biểu quốc dân" đã được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Tại Đại hội này, các đại biểu trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh (cụ thể hoá đường lối đối nội và đối ngoại của Ðảng ngay sau khi giành được chính quyền), cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới. Quốc dân Ðại hội Tân Trào không những góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 mà Nghị quyết của Quốc dân Ðại hội Tân Trào còn tạo ra những cơ sở cho sự hình thành và ra đời của một thể chế Nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của nươc Việt Nam dân chủ Công hòa (1946), hình thành Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Quốc dân đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân đại hội Tân Trào tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời của chế độ Cộng hoà dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khi cách mạng đã thành công”.[9]
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Quốc dân đại hội thành lập đã được mở rộng thành Chính phủ lâm thời. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ cấp bách “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái từ18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”[10]
Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Nghị viện. Trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.[11] Với thành phần đại diện cho tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước, có đủ đại biểu của ba miền Bắc, Trung, Nam cho đến các tầng lớp nhân dân và các đảng phái trong cả nước, có thể khẳng định đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội độc lập dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân, cơ sở thành lập cho chính quyền hợp hiến của nhà nước Việt nam mới.
Có thể thấy chế độ Nghị viện tại Việt Nam lần đầu tiên được xác lập trong Hiến pháp năm 1946. "Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (Điều 22). Điều 23 Hiến pháp năm 1946 xác định một cách tổng quát thẩm quyền của Nghị viện nhân dân: "Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”. Về các mối quan hệ giữa Nghị viện nhân dân và các cơ quan nhà nước khác, Nghị viện có quyền bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ (Điều 54); Chủ tịch nước, người đứng đầu Nhà nước và bộ máy hành pháp có quyền phủ quyết các dự án luật đã được Nghị viện biểu quyết thông qua (Điều 31); khi Chủ tịch nước và các thành viên khác của nội các phạm tội phản quốc thì Nghị viện có quyền lập Tòa án để xét xử (Điều 51)... Qua những quy định này, chúng ta nhận thấy những dấu hiệu của sự phân chia quyền lực của các cơ quan nhà nước, tạo nên cơ chế kiềm chế, đối trọng được áp dụng trong việc tổ chức quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 1946. Do đó, Nghị viện nhân dân không được quy định trong Hiến pháp 1946 là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao như các bản Hiến pháp sau này.
Chế độ Nghị viện nhân dân đã thay đổi căn bản trong Hiến pháp  năm 1959 với việc quy định: "Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (Điều 43). Mặc dù chính thể cộng hòa theo Hiến pháp năm 1959 không thay đổi so với chính thể trong Hiến pháp năm 1946, nhưng vị trí pháp lý của cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước do nhân dân toàn quốc bầu ra có một số thay đổi rất đáng kể. Bắt đầu từ bản Hiến pháp này, Nghị viện theo Hiến pháp năm 1946 được đổi tên gọi thành Quốc hội. Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo các quy định của Hiến pháp năm 1959 được thể hiện rõ nét hơn. Lần đầu tiên, cơ quan đại diện do nhân dân trực tiếp bầu ra được Hiến pháp quy định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều 43). Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất về đối nội, đối ngoại của Nhà nước; Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp, có quyền bầu ra và giám sát hoạt động chấp hành Hiến pháp của các cơ quan cao nhất của Nhà nước.
Khác với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và các bản hiến pháp sau này không quy định một sự giới hạn quyền lực nào đối với Quốc hội[12]. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được liệt kê tại 15 điểm của Điều 50 Hiến pháp năm 1959, Quốc hội không những có quyền tự quy định cho mình những quyền hạn khác, mà còn có quyền kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của mình khi xét thấy cần thiết. Và cũng rất khác với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và các Hiến pháp sau này đều có quy định Quốc hội có thẩm quyền sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, theo quy định này, quyền hạn của Quốc hội không bị Hiến pháp hạn chế. Việc bỏ những quy định mang tính chất kiềm chế của người đứng đầu Nhà nước đối với hoạt động của Quốc hội càng cho phép nâng cao vị trí của Quốc hội trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam. Như vậy, cùng với bộ máy nhà nước, chế định Quốc hội thể hiện sứ mệnh lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nhà nước dân chủ nhân dân thực hiện chuyên chính vô sản. Với sứ mệnh lịch sử này của Nhà nước, Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959 đã thay đổi căn bản so với Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp năm 1946. Cũng theo Hiến pháp 1959, Quốc hội còn được khẳng định là "cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”, đây là căn cứ Hiến định quan trọng để thiết lập chế độ điều hành đất nước bằng các đạo luật.
Đến Hiến pháp năm 1980, quyền lực của Quốc hội lại được củng cố thêm và được xác định một cách rõ ràng và cụ thể: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (Điều 82, Hiến pháp năm 1980). Tại quy định này, nhà lập hiến đã xác định rõ hai tính chất của Quốc hội: Tính chất đại biểu của nhân dân và tính chất quyền lực cao nhất. Nếu Hiến pháp năm 1959 mới chỉ xác định một tính chất cơ bản nhất của Quốc hội là tính chất quyền lực nhà nước cao nhất, thì đến Hiến pháp năm 1980, tính chất đại biểu cho nhân dân đã được khẳng định. Trong đó, tính chất quyền lực nhà nước cao nhất bảo đảm cho Quốc hội vị trí tối cao trong cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng toàn bộ quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội. 
Quốc hội theo Hiến pháp năm 1992 vẫn tiếp tục kế thừa đặc điểm quan trọng có tính bản chất của Quốc hội Việt Nam trong lịch sử lập hiến. So với bản Hiến pháp năm 1980 vị trí pháp lý, chức năng của Quốc hội theo Hiến pháp 1992 không thay đổi. Quốc hội vẫn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có ba chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức nằng này được cụ thể hoá và đầy đủ hơn nhưng những nhiệm vụ này được Hiến pháp quy định và được Quốc hội thông qua theo thủ tục quyết định những vấn đề mang tính lập hiến. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Đến Hiến pháp 2013: về nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì vẫn tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước thống nhất. Quan niệm thống nhất quyền lực nhà nước là ở Nhân dân thể hiện ở nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Trước đây, Hiến pháp cũng quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” nhưng được thực hiện bằng nguyên tắc tập trung quyền lực nhà nước (tập quyền). Tức là tập trung quyền lực vào Quốc hội, Nhân dân không thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp mà chỉ bằng hình thức dân chủ đại diện. Nguyên tắc tập trung quyền lực nhà nước của Nhân dân vào Quốc hội là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp thời bấy giờ, với ưu điểm bảo đảm cho quyền lực nhà nước tập trung, quyết định và thực thi quyền lực nhà nước nhanh chóng, thống nhất. Tuy nhiên trong tình hình và điều kiện như hiện nay nếu tiếp tục áp dụng nguyên tắc đó sẽ tồn tại rất nhiều hạn chế. Đó là thiếu sự phân định phạm vi quyền lực nhà nước  được Nhân dân giao quyền, nên không đề cao được trách nhiệm của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hạ thấp vai trò dân chủ trực tiếp của Nhân dân, thiếu sự kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, nguyên tắc này phủ nhận tính độc lập tương đối giữa các quyền nên đã hạn chế tính năng động, hiệu quả và trách nhiệm của mỗi quyền. Nhân dân và xã hội không có sơ sở để đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do vậy, trong điều kiện dân chủ và pháp quyền XHCN, tập quyền không phù hợp với việc phát huy đầy đủ vai trò của quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quyền lực nhà nước của Nhân dân từ phía các cơ quan nhà nước.
Nhận rõ hạn chế của nguyên tắc tập quyền trong điều kiện mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2). Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân được Hiến pháp quan niệm Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, Nhân dân thông qua quyền lập hiến giao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho cơ quan tư pháp. Theo điều 70 Hiến pháp năm 2013, Nhân dân chỉ trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn và nhiệm vụ về lập hiến, lập pháp; quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời điều 6 quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không những bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước mà còn bằng dân chủ trực tiếp thông qua việc thực hiện quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp (điều 29 và điều 120).
2.2. Vị trí và vai trò của Quốc hội trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta.
Vị trí và vai trò của Quốc hội trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước được xem xét từ hai đặc điểm chung, bao quát của Quốc hội: vừa là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất
2.2.1 Quốc hội – Cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về chức năng đại diện của Quốc hội. Theo J.K.Johnson và R.J.Nakamuna: đại diện là một trong ba chức năng quan trọng của các cơ quan lập pháp, hai chức năng còn lại là làm luật và giám sát. Đại diện ở đây là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, một số nước quy định trong Hiến pháp chức năng của Quốc hội gồm có chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát (Inđônêxia), Ấn Độ quy định Quốc hội có chức năng lập hiến và lập pháp, kiểm soát tài chính công, kiểm soát Chính phủ)... mà không nói đến chức năng đại diện.
 Quốc hội Việt Nam có các chức năng lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao… Như vậy, Hiến pháp Việt Nam không ghi nhận đại diện như là một chức năng, mà là một tính chất của Quốc hội, thể hiện vị trí của Quốc hội. Có lẽ vì thế mà một số học giả cho rằng, đại diện là một thuộc tính hay một tính chất của Quốc hội chứ không phải là một chức năng cơ bản của Quốc hội.
Tính đại diện nhân dân của Quốc hội hay nói cách khác tính đại biểu nhân dân cao nhất của Quốc hội nước ta thể hiện trên ba yếu tố: Có cơ cấu thành phần đại biểu đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân, do nhân dân ủy quyền; Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân.
-    Cơ cấu thành phần rộng rãi
Trên cơ sở quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt nam” “Quốc hội là tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi” có thể thấy cơ cấu thành phần của Quốc hội nước ta luôn phản ánh sự đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, dân tộc. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo 4 nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Để đảm bảo việc thực hiện các nguyên tắc này, hàng loạt biện pháp đã được quy định trong Hiến pháp và trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Ví dụ Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định : “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”
Như vậy cử tri cả nước (tức là công dân Việt Nam) bầu ra những đại biểu Quốc hội thật sự ưu tú để nhân dân ủy quyền, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua con đường Nhà nước. trong nhiệm kì, nếu đại biểu nào tỏ ra không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân có thể bị cử tri bãi nhiệm.
  • Thực hiện uỷ quyền của nhân dân.
Ở nước ta, chủ quyền nhân dân và chủ quyền quốc gia là thống nhất và là cao nhất, Quốc hội Việt Nam là cơ quan duy nhất được nhân dân cả nước bầu ra nên Quốc hội là cơ quan đại diện cho chủ quyền đó. Mặc dù, trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam, nhân dân còn trực tiếp bầu ra hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng hội đồng nhân dân chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân từng địa phương bầu ra. Chính việc vì lý do đó đã xác lập cho Quốc hội một cơ sở xã hội rộng rãi và to lớn nhất mà không có một cơ quan nhà nước nào sánh bằng. Điều đó đã tạo ra cho Quốc hội ưu thế chính trị - pháp lý đặc biệt, cao hơn hẳn các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Chủ tịch nước, Chính phủ và hệ thống tư pháp Việt Nam đều do Quốc hội thành lập mà không nhận sự ủy thác trực tiếp từ nhân dân. Mặc dù là nguyên thủ quốc gia nhưng Chủ tịch nước vẫn phải đứng dưới Quốc hội, vì Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra và phải chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội. Điểm này hoàn toàn khác với tổ chức nhà nước Mỹ, cả Quốc hội và Tổng thống Mỹ đều do nhân dân bầu ra, nhận sự ủy thác trực tiếp từ nhân dân, đây là cơ sở khách quan tạo ra tư cách pháp lý ngang nhau giữa hai thiết chế quan trọng bậc nhất trong chính thể Cộng hòa tổng thống Mỹ.
Cơ chế thực hiện uỷ quyền của nhân dân ở Việt Nam thông qua bầu cử phổ thông, đầu phiếu, bình đẳng, như đã trình bày ở trên đã được thực hiện ở nước ta từ rất sớm, được thể hiện ngay trong Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp 1946. Các bản Hiến pháp tiếp theo của nước Việc Nam dân chủ cộng hoà và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục phát triển cơ chế uỷ quyền nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của Quốc hội vừa có sự kế thừa, vừa thể hiện sự phát triển một cách nhất quán, quyết định đến cơ chế tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta.[13]
  • Chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Tính đại diện của Quốc hội còn thể hiện ở việc Quốc hội chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đây là mối quan hệ ràng buộc hai chiều giữa Đại biểu Quốc hội và nhân dân. Bắt nguồn từ nhân dân và được sự tín nhiệm của nhân dân, các đại biểu Quốc hội phải gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân; phải xuất phát từ lợi ích của đông đảo nhân dân để quyết định các vấn đề có liên quan.
Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân thông qua việc bảo đảm cho nhân dân theo dõi quá trình làm việc của Quốc hội (tham dự các phiên họp, nghe chất vấn và trả lời chất vấn), thông qua việc các đại biểu Quốc hội phải báo cáo hoạt động tại đơn vị đã bầu cử mình. Điều 79 Hiến pháp năm 2013 quy định : “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.”
2.2.2. Quốc hội – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Quốc hội thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thống nhất trong cả nước. Tính quyền lực nhà nước của Quốc hội thể hiện ở thẩm quyền của Quốc hội và được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Có thể thấy rằng các quy định trong các bản Hiến pháp nước ta về tính quyền lực của Nhà nước cao nhất của Quốc hội cũng phần nào phản ánh quan niệm của các nhà luật học hiến pháp thường căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước để xem xét vị trí và vai trò của mỗi cơ quan.
a) Chức năng lập hiến, lập pháp
Lập hiến và lập pháp là chức năng vốn có của Quốc hội Việt Nam. Điều này đã được khẳng định rõ và xuyên suốt trong năm bản Hiến pháp của nước ta. Xuất phát là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, và việc thực hiện quyền lập hiến và lập pháp là phải mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kì một cá nhân, tổ chức nào nên tất yếu quyền lập hiến và lập pháp phải được trao cho Quốc hội. Trên thực tế, trong chính thể thống nhất ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, quyền lập pháp là một nhánh quyền lực độc lập, tương ứng với hai nhánh quyền còn lại, đồng thời nó là nhánh quyền lực cao nhất trong các nhánh quyền lực đó. Tính độc lập của quyền lập pháp xuất phát từ những hoạt động của nó và từ chính nguồn gốc khách quan ra đời nó, đó là sự phân chia quyền lực Nhà nước.
Nội dung chức năng lập hiến và lập pháp của Quốc hội gồm Quốc hội ban hành Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật và giám sát thi hành pháp luật.
Hiến pháp năm 2013 (Điều 69, đoạn 2) quy định về chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội như sau: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”. Trước đây, chức năng lập hiến và lập pháp được Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có chức năng này.
Sự khác biệt trong quy định về chức năng lập hiến giữa Hiến pháp 2013 và các bản Hiến pháp trước đây là không nhiều do tính duy nhất của Hiến pháp nên dù quy định như thế nào thì Quốc hội cũng là cơ quan duy nhất làm Hiến pháp. Đối với quyền lập pháp, theo quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì chỉ có Quốc hội mới có quyền này. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải chỉ có Quốc hội và một mình Quốc hội cũng không có đủ khả năng tự mình xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Tính riêng trong năm 2013, Quốc hội đã ban hành một Hiến pháp sửa đổi, 17 luật, 22 nghị quyết của Quốc hội; 3 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội…[14]
Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã không còn dùng từ “duy nhất” để chỉ chức năng lập pháp của Quốc hội. Quy định này cũng mở đường cho việc Quốc hội có thể ủy quyền cho Chính phủ cùng tham gia công tác lập pháp. Điều này cũng đã được thể hiện trong quy định về quyền ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ tại Điều 100 Hiến pháp năm 2013, theo đó “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”.
b) Chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước là một chức năng cơ bản của Quốc hội.Về nội dung, theo quy định của pháp luật hiện hành, những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội bao gồm ba nhóm nội dung chủ yếu:
- Các vấn đề về tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước: Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bầu và miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Các nhiệm vụ kinh tế – xã hội: Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước; quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia; quyết định chính sách tài chính quốc gia, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định chính sách tiền tệ quốc gia.
- Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chính sách tôn giáo, dân tộc, vấn đề đại xá: Quốc hội quyết định các chính sách, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, nghị quyết về ngân sách nhà nước hàng năm.
Về quy trình, thủ tục, Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước dưới hình thức Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Nghị quyết chuyên đề đều tuân theo quy trình đầy đủ, bảo đảm yêu cầu về các bước, thủ tục... về cơ bản tương tự như quy trình lập pháp. Đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia, quy trình Quốc hội xem xét, quyết định đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 49/2010/QH12. Những nội dung cụ thể về quy trình Quốc hội xem xét, quyết định được cụ thể hóa trong Nội quy kỳ họp.
Nhìn chung, quy định pháp luật về quy trình Quốc hội xem xét, quyết định khá chặt chẽ, đầy đủ các bước, các khâu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, về cơ bản bảo đảm phản ánh đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm chất lượng các quyết định; quy trình thường xuyên được cải tiến hoàn thiện hơn.
c)  Chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước
Bên cạnh chức năng lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì Quốc hội nước ta còn có chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. Giám sát tối cao của Quốc hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta được xem là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Có thể nói đây là một chức năng quan trọng của Quốc hội đã được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên và ngày càng được hoàn thiện một cách cụ thể, đầy đủ hơn.
Để nhằm nâng cao hơn nữa về cơ sở pháp lý và nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của chức năng này, ngày 17/6/2003 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Mặc dù chức năng giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật do nhiều cơ quan nhà nước tiến hành như Hội đồng nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân…nhưng sự giám sát của Quốc hội là sự giám sát cao nhất.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý, so với các bản hiến pháp trước đây quy định về phạm vi giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhưng đến Hiến pháp 2013, phạm vi giám sát của Quốc hội không còn ở toàn bộ hoạt động của Nhà nước nữa mà bị hạn chế hơn. Phạm vi đó được giới hạn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở cấp cao nhất, những cơ quan do Quốc hội thành lập, phê chuẩn và chịu sự giám sát của Quốc hội, ví dụ Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia. Các cơ quan này được đề cập trong các quy định cụ thể của Hiến pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 70). Phạm vi giám sát đó phù hợp với tính chất tối cao của chức năng giám sát của Quốc hội. Sự Điều chỉnh, bổ sung này trong Hiến pháp năm 2013 cũng phù hợp với thực tiễn, bởi trong suốt quá trình lịch sử, hầu như phạm vi hoạt động giám sát của Quốc hội chưa bao giờ được thực hiện đối với các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống.
Mục đích việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đó là nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để, nghiêm chỉnh và thống nhất. Quốc hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm cho các cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định, làm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, có hiệu lực và hiệu quả, chống những biểu hiện tham nhũng, quan liêu.
Hình thức giám sát chủ yếu của Quốc hội là xét báo cáo công tác (hoạt động) của các cơ quan chịu sự giám sát, chất vấn các vấn đề có liên quan.
Các văn bản trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội của các cơ quan chịu sự giám sát sẽ bị Quốc hội bãi bỏ. Những người có trách nhiệm phạm sai lầm sẽ bị xém xét miễn nhiệm và bãi nhiễm.[15]
Ngoài ra, vị trí pháp lý của Quốc hội Việt Nam còn thể hiện rõ trong các mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác. Theo tiến trình của 5 bản Hiến pháp, cơ quan hành pháp ngày càng được xác định rõ hơn là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Nếu như Hiến pháp năm 1946 quy định Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước (Điều 43; 44), thì Hiến pháp năm 1959 và năm 1980 ngoài việc quy định Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, còn xác định rõ là cơ quan chấp hành cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Điều 71 Hiến pháp 1959 và Điều 104 Hiến pháp 1980). Hiến pháp năm 1992 quy định: "Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội” (Điều 109). Điều 94 Hiến pháp 2013 quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.
Các cơ quan nhà nước khác ở Trung ương như Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều do Quốc hội thành lập bằng cách bầu ra những người đứng đầu hai cơ quan này; đều chịu trách nhiệm trước Quốc hội và đều phải báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
 
Tóm lại, kể từ khi ra đời đến nay, Nghị viện của các nước trên thế giới đều đóng một vị trị, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở mỗi nước khác nhau thì vị trí, vai trò của Nghị viện được quy định khác nhau trên cơ sở của Hiến pháp và luật. Nhìn chung, ở hầu hết các nước thì Nghị viện đều có vị trí và vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân và cơ quan thực hiện quyền lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề của đất nước. Ở Việt Nam, vị trí, vai trò của Quốc hội được ghi nhận trang trọng trong tất cả các bản Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 mới ban hành. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu vị trí, vai trò của Nghị viện các nước trên thế giới để có thể tìm ra các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là hết sức cần thiết. Trong phạm vi bài viết, với sự cố gắng tôi xin giới thiệu khái quát những vấn đề cơ bản vị trí, vai trò của Nghị viện các nước trên thế giới và của Quốc hội Việt Nam để tạo thêm nguồn tài liệu nghiên cứu, tham khảo.
 
Phạm Thị Ninh
                                                                                                   

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Hiến pháp năm 1946
  2. Hiến pháp năm 1959
  3. Hiến pháp năm 1980
  4. Hiến pháp năm 1992
  5. Hiến pháp năm 2013
  6. TS. Vũ Hồng Anh, Tổ chức và hoạt động của một số Nghị viện trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001
  7.  Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000.
  8. Montesquieu: Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 1996
  9. Văn phòng Quốc hội, Kỷ yếu kết quả nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, Tập 1, giai đoạn 2000 – 2010
  10.  Văn phòng Quốc hội, Quốc dân đại hội Tân trào, Hà Nội 1995
  11. Văn phòng Quốc hội,  Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960
  12. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2007), Quốc hội Việt Nam trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.163.
  13. Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp Việt Nam sự kế thừa và phát triển trong Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 1998.
  14. Các trang web:
http://vnexpress.net
http://vnclp.gov.vn
http://www.ipu.org/
 https://www.usconstitution.net
 http://korea.assembly.go.kr
http://www.npc.gov.cn
 
[1] Theo http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/KinhNghiemQT/View_Detail.aspx?ItemID=301
[4] TS. Vũ Hồng Anh, Tổ chức và hoạt động của một số Nghị viện trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001
[5] https://www.usconstitution.net/const.pdf
[6] Theo http://korea.assembly.go.kr/res/low_01_read.jsp
[7] http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Constitution/node_2825.htm
[8]. Montesquieu: Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 1996, tr.102, l03.
[9] Văn phòng Quốc hội, Quốc dân đại hội Tân trào. Hà nội 1995, tr.27
[10] Hồ Chí Minh toàn tập,Tập 4. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội 2000. Tr 8 .
[11] Lịch sử Quốc hội Việt nam 1946-1960. Tr 52
[12] GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2007), Quốc hội Việt Nam trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.163.
 
[13] Nguyễn Đình Lộc - Hiến pháp Việt Nam sự kế thừa và phát triển – tr112
[14] http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/quoc-hoi-lap-phap-chuyen-nghiep-2980000.html
[15] Kỷ yếu kết quả nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội. Tập 1, giai đoạn 2000 – 2010. Tr39