Hội thảo “Vai trò của số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính”

09/12/2015
Hội thảo “Vai trò của số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính”
Trong khuôn khổ Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 -2020 (gọi tắt là đề án 896) , chiều ngày 08/12/2015, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo đề án 896 đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Đến dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Nội vụ, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp... và các phóng viên báo, đài tham dự. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 chủ trì hội thảo.

Số định danh cá nhân là một khái niệm mới, được đề cập nhiều trong một vài năm gần đây. Số định danh cá nhân là mã số được cấp cho mỗi công dân một lần duy nhất trong đời vào lúc họ đăng ký khai sinh và sử dụng cho đến khi chết, không trùng với bất kỳ một người nào khác.

Theo Đề án 896 quy định thì: Số định danh cá nhân là “chìa khóa” để các ngành và công dân sử dụng khi truy cập, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác thông tin về công dân. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kích hoạt và sử dụng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác các thông tin về công dân phục vụ mục tiêu quản lý ngành và thay thế các trường thông tin trùng với các trường thông tin đã có tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng số định danh cá nhân.

Tại Điều 12 Luật Căn cước công dân năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016) cũng đã quy định: “Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác”.

Điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định rõ nội dung trong việc đăng ký khai sinh bao gồm số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Như vậy, số định danh các nhân được sử dụng thống nhất trong toàn quốc, cấp cho công dân từ khi sinh ra thông qua việc đăng ký khai sinh, cấp cho công dân thông qua thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi và được sử dụng để lưu trữ, thống nhất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc khai thác thông tin về nhân thân về công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, giá trị của số định danh cá nhân chỉ có thể phát huy được giá trị khi và chỉ khi có sự tích hợp với hệ thống dữ liệu về hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, xuất nhập cảnh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Trong năm 2014, theo số liệu thống kê của các bộ, ngành và Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896, thì có khoảng 2.700 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin công dân cơ bản của công dân; trên 1.100 giấy tờ là kết quả giải quyết của thủ tục hành chính có chứa các thông tin cơ bản công dân. Các thông tin công dân này được yêu cầu thể hiện trong mẫu đơn, mẫu tờ khai và giấy tờ khác là thành phần hồ sơ đầu vào của thủ tục hành chính. Điều này, không chỉ gây khó cho người dân mà cho chính các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Cũng theo kết quả hệ thống hóa, hiện nay, các thủ tục hành chính có quy định về thông tin công dân được quy định ở hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật. để đơn giản hóa các quy định liên quan đến thông tin công dân, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, rà soát tất cả các văn bản này và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế... Trên cơ sở các văn bản được sửa đổi, các bộ, ngành, địa phương cũng cần nghiên cứu ban hành quy chế giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, từng công chức để bảo đảm việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn đóng góp nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện thể chế như: Đẩy nhanh việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014; Luật Hộ tịch năm 2014 và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính… Đồng thời, cần chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, phần mềm tích hợp, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành... bảo đảm triển khai, thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng các nhiệm vụ của Đề án./.                                                 

                                             Việt Tiến