Thực thi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: Bất cập từ nhiều phía

09/10/2009
Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự “Hội thảo khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) - Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung” do Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức vào hôm qua (ngày 8/10)

Từ các quy định pháp luật

Theo LS Nguyễn Thị Hằng Nga, Điều 56 BLTTHS quy định về người bào chữa có thể là LS; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân thì nên chăng xem xét lại và bỏ chế định bào chữa viên nhân dân. Bà Nga lý giải, trước đây chúng ta chưa có nhiều LS nhưng thực thi Luật LS và mới đây Liên đoàn LS Việt Nam ra đời đã khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của đội ngũ LS. Không những thế, trong thực tiễn xét xử, hạn hữu lắm mới có người được toà cấp giấy chứng nhận tham gia, còn giai đoạn điều tra và truy tố, họ hoàn toàn vắng bóng.

Đồng tình với nhận xét trên của bà Nga, LS Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh, điều đó phù hợp với xu thế phát triển khách quan của nghề LS và chủ trương cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, ông Chiến cho rằng, cần hoàn thiện thêm quy định về từ chối người bào chữa tại đoạn 2 khoản 2 Điều 57. Theo ông Chiến, quy định này không hợp lý vì không phân biệt quyền từ chối giữa nhóm đối tượng đã thành niên với nhóm đối tượng chưa thành niên hoặc khiếm khuyết về tâm thần. Đồng thời, luật hiện hành không cụ thể cơ quan tố tụng phải chịu chế tài thế nào nếu không tạo điều kiện cho LS hành nghề…

Viện phó Viện Khoa học kiểm sát (VKSNDTC) Đỗ Văn Đương kiến nghị, BLTTHS cần sửa đổi theo hướng giảm bớt thủ tục tố tụng rườm rà để tránh những thủ tục hình thức tốn kém. Hay phải xem xét lại thời hạn tạm giam hiện nay đang quy định là quá dài mà theo tính toán với tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lên đến hơn 1000 ngày, trong khi tội phạm ít nghiêm trọng là 363 ngày. Nhưng ông Đương lại cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nên mở rộng hơn nữa chế định người bào chữa vì tỷ lệ tham gia các vụ án hình sự của LS vẫn còn thấp.

Trong tổ chức thực hiện

BLTTHS quy định rất rõ, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa. Tuy nhiên, LS Đỗ Ngọc Quang khẳng định, trong thực tế, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS không phải là điều đơn giản. Gần như 100% các trường hợp không bao giờ được cấp giấy đúng hạn định 3 ngày, thậm chí có trường hợp kéo dài 1 năm. Mặt khác, cơ quan điều tra đòi hỏi giấy yêu cầu LS của khách hàng phải là của chính bị can chứ không phải của người đại diện hợp pháp mà bị can lựa chọn là thiếu căn cứ khi mà bản thân LS chưa tiếp xúc được với bị can đang bị tạm giam.

Theo một LS, việc gặp bị can đang bị tạm giam là điều không đơn giản, phụ thuộc vào điều tra viên có thời gian đi cùng LS vào trại giam hay không. Và gặp được bị can đang bị tạm giam đã hiếm, nhưng nếu người bào chữa gặp được thì bao giờ cũng đều có mặt điều tra viên ngồi cạnh để giám sát cuộc gặp gỡ cho dù pháp luật không quy định. Vị này cho biết thêm, những quy định khác của BLTTHS như cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để người bào chữa có mặt, người bào chữa có quyền có mặt trong một số hoạt động điều tra khác… đều chỉ mang tính hình thức và không được thực hiện.

Ông Hiệp (C15, Bộ Công an) chia sẻ, điều tra viên rất cần hợp tác của các cơ quan có liên quan, trong đó có LS. Nhưng việc mở rộng quyền tham gia của LS trong mọi vấn đề là không cần thiết vì mỗi bên đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo từng giai đoạn. Nếu hỏi cung cứ phải chờ LS thì rất khó vì cơ quan điều tra phải tiến hành hỏi cung rất nhiều đối tượng, rất nhiều vụ việc. “Không phải cứ có LS thì điều tra viên mới làm đúng, không có LS thì điều tra viên làm bậy. Cái ràng buộc nhau chính là ràng buộc về luật pháp”, ông Hiệp nói. Đại diện Viện Phúc thẩm, VKSNDTC cũng cho rằng, mặc dù sự tham gia của LS giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng rất nhiều song nếu tham gia đầy đủ tất cả các buổi hỏi cung thì quả thật là một thực tế xa vời!

Cẩm Vân