Vì sao Nghị định về thanh tra công vụ bị dừng?

02/03/2010
Toàn bộ Chương 8 với 02 Điều 74 và 75 của Luật Cán bộ, công chức đề cập đến hoạt động thanh tra công vụ - một hình thức thanh tra đặc thù của hoạt động nội vụ và cũng là một hình thức thanh tra hoàn toàn mới chưa hề được quy định trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào về hoạt động thanh tra. Và, để cụ thể hóa điều luật này, dự thảo Nghị định quy định hoạt động thanh tra công vụ đã được xây dựng. Tuy nhiên, ngày 9/02/2010 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 947/VPCP-TCCV yêu cầu không ban hành Nghị định riêng về hoạt động thanh tra công vụ nữa.

Nội vụ thay cho công vụ

Trước khi tìm hiểu căn nguyên của Công văn 947, cần phải nói thêm rằng cả hai Điều luật 74 và 75 tuy đề cập đến hoạt động thanh tra công vụ nhưng lại không hề nêu ra một định nghĩa cụ thể thế nào là thanh tra công vụ. Cụ thể, Điều 74 đề cập đến phạm vi của thanh tra công vụ bao gồm thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ; còn Điều 75 quy định về việc thực hiện thanh tra công vụ. Vì thế, nên trong dự thảo Nghị định quy định hoạt động của thanh tra công vụ, thì thanh tra công vụ là gì cũng không hề được định nghĩa, thay vào đó đi thẳng vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng.... Chỉ biết rằng đây là một hình thức thanh tra đặc thù của hoạt động nội vụ và cũng là một hình thức thanh tra hoàn toàn mới chưa hề được quy định trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào về hoạt động thanh tra

Khi tiếp cận với dự thảo Nghị định trên, không ít nhà làm luật đã băn khoăn bởi hai lẽ, một là về kỹ thuật lập pháp do việc thiếu định nghĩa cụ thể như đã nói trên, hai là liệu hoạt động thanh tra công vụ có trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động thanh tra đã được quy định trong Luật Thanh tra hiện hành và dự thảo Luật Thanh tra đang được sửa đổi bổ sung. Cũng cùng nhận thấy vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cũng đã có Công văn số 157/TTCP-PC ngày 21/01/2010 gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ vấn đề trên.

Sau khi nghiên cứu các ý kiến, ngày 9/02/2010 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 947/VPCP-TCCV nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  yêu cầu không ban hành Nghị định riêng về hoạt động thanh tra công vụ nữa và thay vào đó, Bộ Nội vụ đưa hoạt động thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức... vào dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nội vụ. Còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì thể hiện rõ nội dung thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có cán bộ, công chức trong dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành, lĩnh vực. Như vậy, có thể hiểu phạm vi hoạt động của thanh tra công vụ theo như Điều 74 Luật Cán bộ, công chức đã được tách ra hai 2 mảng riêng biệt, một của Bộ Nội vụ (thanh tra nội vụ), một của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (thanh tra ngành, lĩnh vực).

Lên kế hoạch để tránh phiền hà cho đối tượng thanh tra

Hiện nay, việc phải tiếp nhiều đoàn thanh tra trong một khoảng thời gian ngắn đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ quan, đơn vị. Như đã nói trên, tới đây bên cạnh thanh tra ngành, lĩnh vực, và cao hơn nữa là Thanh tra Chính phủ như hiện nay, thì sẽ có thêm thanh tra nội vụ để thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức...Vậy, cần phải làm gì để tránh phiền hà cho đối tượng thanh tra?

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đỗ Gia Thư - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, để tránh thanh tra chồng chéo, trùng lặp, Thanh tra Chính phủ hàng năm sẽ xây dựng định hướng hoạt động thanh tra của năm trên phạm vi cả nước để trình Chính phủ. Sau khi được đồng ý, Thanh tra Chính phủ sẽ gửi chương trình thanh tra đã được phê duyệt về các Bộ, ngành kèm theo văn bản hướng dẫn Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thanh tra riêng của mình để tránh chồng chéo và báo cáo kế hoạch này với Thanh tra Chính phủ để phối hợp thực hiện.

Theo ông Thư, như vậy sẽ tránh được tối đa tình trạng các đoàn thanh tra liên tiếp thanh tra cùng một đối tượng, thời gian và nội dung. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải có nhiều đoàn thanh tra thì các đoàn nhất thiết nên phối hợp với nhau để cùng tiến hành công việc. Và, nếu như không thể phối hợp, thì đoàn thanh tra sau cần phải kế thừa kết quả của đoàn thanh tra trước để tránh phiền hà tối đa cho đối tượng thanh tra.

Xuân Hoa

Bộ, ngành nào cũng phải xây dựng Nghị định về hoạt động thanh tra cho riêng mình?

Hiện nay, dù tất cả đều có hoạt động thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực nhưng hiện nay không phải Bộ, ngành nào cũng có VBQPPL quy định về hoạt động thanh tra ngành cho riêng mình. Thế nhưng, theo tinh thần Công văn số 947, có thể hiểu các Bộ, ngành cũng cần xây dựng Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành, lĩnh vực để thể hiện rõ nội dung thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan.

1. Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

2. Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ.

Điều 74. Phạm vi thanh tra công vụ - Luật Cán bộ, công chức