Xây dựng lộ trình để Việt Nam gia nhập hiệp định đàn cá di cư của Liên hiệp quốc năm 1995

13/12/2007
Nhằm đảm bảo bảo tồn lâu dài và sử dụng bền vững các đàn cá lưỡng cư và di cư xa thông qua việc thực thi hiệu quả các điều khoản của Công ước Luật Biển mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đảm bảo cho việc phát triển nghề cá của nước ta, ngày 11/12/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo: "Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng lộ trình để Việt Nam gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc năm 1995".

Tham dự Hội thảo có đại diện của nhiều Bộ, cơ quan, ban ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu Hải sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đại diện của các tỉnh thành trong cả nước và các chuyên gia của các nước có truyền thống về nghề cá như Nauy, Nhật Bản, Ấn Độ…

Tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã phân tích về thực trạng và sự cần thiết gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc (Hiệp định) của Nauy, Nhật Bản, Ấn Độ, đồng thời chỉ rõ trình tự gia nhập Hiệp định và sự tương thích giữa các văn bản của các nước này với nội dung Hiệp định. Theo ông Sanjay Chartuverdi thuộc nhóm nghiên cứu Chính sách Đại Dương và Nam Cực của Ấn Độ: mặc dù đã có sự phê chuẩn rộng rãi về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, song tình trạng khai thác quá mức đối với các đàn cá tại các khu vực Bắc Thái Bình Dương, Biển Bering, vùng Nam Cực, vùng Bắc Đại Tây Dương, và vùng Biển Bắc cho thấy chiến lược của Công ước Luật Biển về khai thác bền vững đã không vận hành tốt như là mục tiêu đề ra. Một trong những lý do cho thất bại này chính là việc một số quốc gia ven bờ đã không thể đảm bảo được khai thác bền vững trong các vùng đặc quyền kinh tế của họ. Đồng thời, một vấn đề liên quan chặt chẽ nữa chính là một số đàn cá quan trọng (chiếm hơn 5% tổng sản lượng hàng năm) không chỉ bó hẹp trong vùng đặc quyền kinh tế mà còn có thể bị khai thác ở ngoài khơi. Cường lực khai thác ngoài khơi đã không bị giảm đi theo sự mở rộng của các vùng thuộc quyền tài phán của những quốc gia ven bờ, mà được chuyển qua vùng nằm ngoài 200 hải lý, và sự cạnh tranh để khai thác đàn cá càng trở nên gay gắt hơn. Điều này đã phá hoại nghiêm trọng tới sự sinh tồn của các loài hải sản trong các vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp…

 Hiệp định các đàn cá Liên Hợp Quốc được xem là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất đối với việc bảo tồn và quản lý nghề cá ngoài khơi kể từ khi Công ước Luật Biển được thông qua năm 1982. Hiệp định đưa ra những nguyên tắc cụ thể hướng dẫn việc xây dựng các biện pháp quản lý và bảo tồn các đàn cá di cư.

Với đường bờ biển dài 3260 km chưa kể các đảo, Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn và quản lý các nguồn lợi thủy sản. Ngày 25/7/1994, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 63 của Công ước Luật Biển; với tư cách là thành viên của Công ước, Việt Nam luôn tôn trọng các điều khoản của Công ước và thực hiện những cam kết quốc tế của mình. Trong những năm gần đây, sản xuất thủy sản đã tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam; theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản năm tháng đầu năm 2007 của nước ta đạt 3,7 tỷ USD, vượt 2,78% so với kế hoạch, tăng 10,45% so với năm 2006. Tuy nhiên, hiện nay nghề cá của Việt Nam chủ yếu tâp trung tại vùng Lãnh hải, phương tiện đánh bắt chưa thực sự đảm bảo tính bền vững… Do vậy, việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hiệp Quốc năm 1995 là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Mặt khác, việc gia nhập Hiệp định này cũng là một động thái tích cực thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về Công ước Luật Biển 1982.

Thu Phương