Truyền thông - nhịp cầu nâng cao nhận thức về đăng ký khai sinh

09/11/2007
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của ngành Tư pháp về đăng ký khai sinh (ĐKKS) miễn phí, tình trạng tồn đọng các trường hợp trẻ em chưa được ĐKKS cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương miền núi, vùng cao vẫn còn tồn tại một số lượng tương đối lớn trẻ em chưa được ĐKKS theo đúng quy định của pháp luật.

Phần lớn trong số đó, trước đây khi đi học đã được thầy cô làm giúp bản sao, không vào sổ hộ tịch. Tình hình đó sẽ dẫn đến tình trạng các em đang học trong các trường phổ thông, nếu như không được ĐKKS theo đúng qui định kịp thời, sau này khi làm hồ sơ vào các trường chuyên nghiệp hoặc tham gia các giao dịch khác sẽ không có bản gốc và khi cần bản sao UBND cấp xã cũng không có cơ sở để cấp. Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết những tồn đọng nói trên và những yêu cầu ĐKKS cho trẻ em mới được sinh ra kịp thời đúng quy định của pháp luật về hộ tịch. Trong đó việc nâng cao nhận thức về ĐKKS cho các bậc cha mẹ và người thân của trẻ để họ xác định được trách nhiệm về ĐKKS được xem là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu. Thực tiễn đã chứng minh truyền thông về ĐKKS là một giải pháp cơ bản và tối ưu để nâng cao nhận thức về ĐKKS. Bởi vì, thông qua truyền thông chúng ta có thể giúp họ hiểu được quyền được ĐKKS của trẻ em, trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ và những người thân thích của trẻ, thẩm quyền ĐKKS của UBND cấp xã, thời hạn và thủ tục ĐKKS. Từ đó tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về ĐKKS cho trẻ em trong đời sống xã hội.

Hiện nay, được sự hỗ trợ của dự án Plan, ngành Tư pháp đang triển khai thực hiện thí điểm ở một số địa phương về chương trình ĐKKS miễn phí (trong đó có nhiều bước như khảo sát truyền thông, tập huấn nghiệp vụ ĐKKS cho cán bộ tư pháp xã, tổ chức ĐKKS lưu động đến tận thôn, bản). Bước đầu cho thấy chương trình ĐKKS do dự án Plan tài trợ đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhiều trẻ em ở các địa phương thí điểm đã được ĐKKS, bố, mẹ và những người thân của trẻ em đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc ĐKKS cho trẻ em thông qua công tác truyền thông. Rồi đây cùng với việc mở rộng vùng dự án ĐKKS của tổ chức Plan, cùng với sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền các cấp, của ngành Tư pháp với việc tăng cường công tác truyền thông về ĐKKS ở các địa phương miền núi, vùng cao nhận thức về  đăng ký và quản lý hộ tịch mà cụ thể là ĐKKS của các tầng lớp nhân dân sẽ được nâng cao, tình trạng trẻ em sinh ra không được ĐKKS sẽ dần được khắc phục, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em ở miền núi, vùng cao sẽ được bảo vệ ngày càng tốt hơn./.

Hoàng Giang