Xây dựng Pháp lệnh Công nghệ cao: Thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao

16/11/2006
Việc ra đời Pháp lệnh Công nghệ cao (Pháp lệnh) sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao (CNC) tại Việt Nam. Vậy Pháp lệnh sẽ quy định những gì? Nhà nước tạo chính sách cho việc phát triển CNC như thế nào?

TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UB), Phó Trưởng ban soạn thảo Pháp lệnh cho biết rõ hơn vấn đề này.

* Được biết ngày 9-10-2006 bản Dự thảo lần 5 Pháp lệnh CNC đã được gửi tới các đại biểu thành viên của UB để xin ý kiến, ông có thể cho biết mục đích và quan điểm xây dựng Pháp lệnh này?

- Thực tế cho thấy trong thời gian qua ở nước ta chưa có một môi trường pháp lý đủ mạnh cho phát triển CNC. Lý do là vì chỉ có một số ít văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành mang tính chất đơn lẻ, chưa đồng bộ và hoàn chỉnh về mặt pháp luật để phát triển CNC trên phạm vi cả nước. Do vậy, việc xây dựng Pháp lệnh này nhằm tạo lập hành lang pháp lý đủ mạnh và thông thoáng cũng như các chính sách lớn hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia hoạt động và đầu tư phát triển CNC, bao gồm: các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, sản xuất, dịch vụ CNC; phát triển các khu CNC, các doanh nghiệp CNC và các ngành công nghiệp CNC.

Pháp lệnh được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển các lĩnh vực CNC. Gần đây nhất là chủ trương được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng X, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc tiếp thu nghiên cứu, phát triển và ứng dựng CNC, đặc biệt là những ngành CNC phù hợp với nguồn tài nguyên, con người Việt Nam, có tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của đất nước.

* Cụ thể Pháp lệnh sẽ quy định những gì, thưa ông?

- Tại Dự thảo số 5, Pháp lệnh gồm 7 chương, 52 điều. Ngoài những quy định chung như lĩnh vực CNC, sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển; các chính sách của Nhà nước về CNC, trách nhiệm quản lý nhà nước về CNC; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CNC; chủ động hội nhập, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNC...

Pháp lệnh còn quy định về đào tạo nguồn nhân lực phát triển CNC, hoạt động nghiên cứu phát triển CNC, khu CNC,v.v.

Vấn đề đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực CNC là một trọng tâm được quy định trong Pháp lệnh. Kinh nghiệm các nước và tại Việt Nam cho thấy, đối với công nghệ nói chung và CNC nói riêng thì nguồn lực là quan trọng nhất. Vấn đề này chúng ta còn chưa coi trọng. Do vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để khuyến khích tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ được đào tạo về CNC ở trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài, thu hút Việt kiều và các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực CNC vào Việt Nam thế nào cũng sẽ được quy định cụ thể.

Một vấn đề được đặt ra và bàn luận nhiều trong Ban soạn thảo, đó là xây dựng tác phong công nghiệp, xây dựng văn hóa công nghiệp.

Chúng tôi cho rằng, đây là nền tảng để trên cơ sở đó có thể tiếp thu, phát triển công nghệ nói chung và CNC nói riêng. Không xây dựng được điều này, CNC khó vào Việt Nam. Trên thực tế chúng ta hoàn toàn có thể mua thiết bị, công nghệ hiện đại nhưng để làm chủ và phát triển công nghệ này đòi hỏi phải có những con người được đào tạo. Ngoài ra, các vấn đề đầu tư mạo hiểm, ưu đãi doanh nghiệp CNC cũng được đề cập trong Pháp lệnh.

* Vừa qua, các Khu CNC đã tập trung nhiều nỗ lực để xúc tiến, thu hút đầu tư CNC từ nước ngoài, vậy vấn đề hợp tác quốc tế về CNC sẽ được quy định như thế nào trong Pháp lệnh? Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Nói đến CNC không thể không nói đến hợp tác quốc tế, nhất là nước ta đang tiến hành CNH, HĐH từ một nền kinh tế ở trình độ phát triển còn thấp, nên giai đoạn này chủ yếu là tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài, nhất là CNC. Do vậy vấn đề hợp tác quốc tế rất quan trọng và được Pháp lệnh dành một chương quy định rõ.

Những quy định hợp tác quốc tế trong hoạt động CNC tại Pháp lệnh này thể hiện Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên.

Trên quan điểm này, các nội dung hợp tác sẽ tập trung vào việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong hoạt động CNC; tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế về CNC; hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các nguồn lực về CNC; phối hợp nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC.

Nhà nước có các chính sách khuyến khích các tập đoàn kinh tế, các công ty lớn nước ngoài đầu tư CNC vào Việt Nam.

Đặc biệt, Pháp lệnh còn quy định trách nhiệm của cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài trong việc tổ chức, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư CNC, cung cấp thông tin về CNC, về đào tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng kinh nghiệm phát triển CNC của nước sở tại cho cơ quan quản lý hoạt động CNC và doanh nghiệp trong nước. Điều này rất quan trọng vì thông qua đại diện tại các nước, các doanh nghiệp trong nước sẽ không mất nhiều công sức trong việc tìm kiếm thông tin công nghệ.

* Theo ông, khi Pháp lệnh ra đời sẽ có tác động như thế nào trong việc đẩy mạnh hoạt động công nghệ cao của đất nước?

- Thực tế CNC trong nước chưa trở thành khâu đột phá, còn chậm trong tổ chức thực hiện nên với quan điểm và cách thức xây dựng Pháp lệnh, tôi tin tưởng rằng Pháp lệnh khi được ban hành sẽ tạo ra khung pháp lý cho hoạt động CNC, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng CNC trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, quốc phòng, an ninh, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp CNC ở nước ta.

* Vậy khi nào Pháp lệnh sẽ được ban hành, thưa ông?

- Hiện chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2006 trình UBTVQH và dự kiến sẽ công bố vào Quý 1-2007.

* Xin cảm ơn ông!

(Khoa học và Phát triển)