Luật Dạy nghề sẽ không có sức sống

19/10/2006
Kì họp lần này, Quốc hội sẽ họp bàn và xem xét biểu quyết thông qua Luật Dạy nghề. PGS.TS Nguyễn Viết Sự cho rằng, nếu thông qua dự luật "đang còn nhiều điểm chưa rõ ràng" này, tính hệ thống của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ bị phá vỡ. Dưới đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Viết Sự.

Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp suốt  40 năm qua, tôi hết sức quan tâm đến việc ban hành Luật Giáo dục và các luật khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.  

Tôi đã có dịp dự hội thảo về “Luật dạy nghề” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh ngày 13-14/4/2006.

Dịp này, Quốc hội họp sẽ thảo luận để có thể thông qua  Luật dạy nghề. Tôi hết sức phân vân về những điều còn bất ổn trong bản dự thảo luật này. Liệu kỳ này, Quốc hội sẽ biểu quyết ra sao? 

Luật Giáo dục 2005 đã xác định rõ một số phân hệ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy theo đó, cần có các luật sau: Luật Giáo dục mầm non, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục nghề nghiệp.  

Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ đề cập đến dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Rõ ràng, nếu tách ra “Luật dạy nghề” sẽ chẻ đôi giáo dục nghề nghiệp, thành ra tính hệ thống bị phá vỡ và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp không được xem xét thống nhất trong giáo dục nghề nghiệp. 

Chả lẽ, sau Luật dạy nghề, QH lại phải ban hành thêm Luật giáo dục trung cấp chuyên nghiệp nữa?

Thực tiễn sử dụng lao động kỹ thuật thời gian qua đã chứng tỏ vai trò của giáo dục TCCN vẫn còn rất lớn ở nhiều lĩnh vực như Nông, Lâm, Ngư nghiệp, Kinh tế, Xây dựng, Văn hóa Nghệ thuật, Thể dục thể thao, Y tế… 

 Hiện cả nước có 300 trường TCCN với quy mô đào tạo năm 2005 đến 550 nghìn học sinh và trên 14 nghìn giáo viên (chưa kể hàng trăm trường CĐ và ĐH đào tạo trình độ này) sẽ tồn tại và phát triển như một thực tế khách quan.  

Theo một tài liệu nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp của châu Âu năm 2003 tỷ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ TCCN có đến 48% (trình độ 3 và 4 theo phân loại UNESCO năm 1997). 

Cách làm hợp lý hơn là sáp nhập giáo dục TCCN và dạy nghề để từ đó có một Luật Giáo dục nghề nghiệp chung nhất. Khi xây dựng luật, cần tính toán kỹ hướng phát triển, vì điều chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân và cũng có nghĩa là phải sửa Luật Giáo dục 2005 mới ban hành, một điều rất không nên. 

Còn nhiều điểm chưa rõ ràng 

Dự thảo “Luật dạy nghề” còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa tường minh và quá nhiều lỗi cả về chuyên môn và cả cách diễn đạt. Xin đưa ra vài ví dụ sau đây: 

Ví dụ 1: Về 3 cấp trình độ dạy nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) chưa được thực tiễn thị trường lao động chấp nhận, người sử dụng lao động chấp nhận và hơn nữa chưa làm rõ nội hàm của các trình độ trên (chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp). Chưa phân biệt rõ giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; giữa cao đẳng nghề và cao đẳng.  

Chính vì thế gây nên bức xúc, rối rắm trong hệ thống giáo dục khi xuất hiện trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề. Liệu “Luật dạy nghề” sẽ điều chỉnh các loại hình trường đó ra sao trong một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất? 

Ví dụ 2: Việc quản lý đào tạo thế nào khi một trong các trường đào tạo cả TCCN và dạy nghề? Vì hiện nay Bộ LĐTB&XH quản lý dạy nghề còn Bộ GD&ĐT quản lý TCCN. Liệu một cơ sở đào tạo chịu chi phối bởi mấy luật đây? 

Ví dụ 3: Vấn đề đào tạo liên thông giữa dạy nghề với 3 cấp trình độ với TCCN, cao đẳng giải quyết bằng cách nào? Trong khi thiết kế chương trình đào tạo còn tách rời nhau và chưa có cơ sở khoa học chắc chắn, chưa có điều kiện đảm bảo? Liệu “Luật dạy nghề” tháo gỡ ra sao? 

Khi hội thảo tại Quảng Ninh 13-14/4/2006, chính tôi đã đề nghị thành lập tổ chuyên gia khoảng 15-20 người hiểu sâu về khoa học dạy nghề, về quản lý và đào tạo nghề để sửa chữa những thiếu sót và hoàn chỉnh dự thảo. Rất tiếc, một số chuyên gia am hiểu về dạy nghề không được mời tham gia chỉnh sửa.  

Tại Hội thảo về xây dựng Luật dạy nghề tại Hạ Long tháng 4 vừa qua, bà Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN và NĐ của Quốc hội còn nói: “… mặc cho các nhà khoa học, các nhà giáo sư, các nhà tiến sĩ trình độ thì cao thật, nhưng nếu cứ ngồi lý luận, … thì cứ để các nhà ấy ngồi…” Xây dựng một luật quan trọng, liên quan đến hàng triệu người mà không muốn nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia thì thật là khó hiểu!? 

Sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận tiếp và bỏ phiếu thông qua “Luật dạy nghề”. 

Nếu “ấn nút”, có thể luật sẽ được thông qua, dù còn nhiều những ý kiến không tán thành! Chỉ tiếc, chính các ý kiến không đồng ý lại báo hiệu cho việc luật ra đời nhưng khó đi vào thực tiễn của cuộc sống! Vậy thì hiệu quả, hiệu lực của luật ở đâu?  

Thực tâm, tôi không tin rằng Luật dạy nghề thông qua tại Quốc hội kỳ này sẽ có sức sống. 

Tôi chỉ có một nguyện vọng: khi dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận, xin các vị đại biểu Quốc hội bằng sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao, lắng nghe ý kiến cử tri, dư luận xã hội để ban hành được những đạo luật thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề căn cốt của đất nước một cách sâu sắc và thuyết phục. Chuyện công ăn, việc làm ở một đất nước hơn 80 triệu dân, mỗi năm có thêm hàng triệu người đến tuổi lao động không phải là chuyện nhỏ. Xin đặt lòng tin vào trí tuệ sáng suốt của các vị Đại biểu Quốc hội nước nhà. 

(Theo Vnn)