"Thuế thu nhập cá nhân sẽ do dân quyết"

25/09/2006
Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ngân sách Quốc hội Bùi Đức Thụ cho biết, dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, tuy nhiên, phương án cuối cùng sẽ do quốc hội quyết dựa trên ý kiến của đông đảo người dân.

 

Thời gian qua, khi đưa ra chính sách mới nhiều ngành đã tổ chức lấy ý kiến dân nhưng có cảm giác ý kiến của họ chưa đến được Chính phủ?

Phải nói thẳng là cơ chế tổ chức lấy ý kiến của dân là có tuy nhiên, ý kiến của người dân thường đa dạng và phong phú, có ý đúng, có ý chưa được đầy đủ, nói chung mỗi người một ý.

Vấn đề đặt ra là phải tổng hợp được ý kiến của dân. Ai là người đứng ra tập hợp và đơn vị này có thực sự khách quan vô tư hay không?

Hiện nay, mỗi cơ quan ban ngành, cơ quan soạn thảo đều mở các trang web để giao lưu với dân nhưng những đơn vị này có làm cặn kẽ hay không cần phải có cơ quan giám sát.

Ủy ban Kinh tế Ngân sách ngân sách là cơ quan thẩm tra lẽ ra cũng phải làm việc này nhưng thú thật hiện nay chúng tôi bị quá tải không làm được.

Ý kiến của Vụ kinh tế Ngân sách Quốc hội thì cho rằng, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến quyền lợi của quảng đại quần chúng vì vậy cần nghiên cứu thận trọng.

Phương án cuối cùng không phải do ý kiến chủ quan của ngành thuế, Chính phủ, hay bất kể cơ quan đoàn thể nào mà phải do Quốc hộ quyết. Quốc hội quyết phương án nào thì phải tổ chức lấy ý kiến của người dân.

Dự thảo Thuế thu nhập cá nhân mà Chính phủ trình quốc hội xem xét mức khởi điểm chịu thuế là bao nhiêu, thưa ông?

Trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân mà Chính phủ trình vẫn giữ nguyên hai phương án đối với khởi điểm chịu thuế 4 triệu và 5 triệu đồng/tháng chứ chưa nghiêng về phương án nào.

Bản thân chúng tôi khi đưa ra các cơ quan thẩm tra, các nhà chuyên môn vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, số thì cho rằng nên hạ xuống mức thấp hơn có thể là 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Người thì bảo mức 4 triệu đồng là ổn nhưng không ít ý kiến cho rằng nên giữ nguyên 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Cá nhân tôi cho rằng nếu xét đồng bộ thu nhập của người dân hiện nay và thực tế nền kinh tế thì giữ nguyên là 5 triệu đồng/tháng và cho chiết trừ gia cảnh là hợp lý nhất.

Nhiều người lo ngại khoản tiền chiết trừ gia cảnh quy định trong dự thảo luật nếu quản lý không tốt sẽ phát sinh hiện tượng thông đồng giữa người nộp thuế với cơ quan xác nhận gia cảnh. Ý kiến của ông như thế nào?

Quả đúng là như vậy. Đây là nỗi lo không chỉ riêng ban soạn thảo mà là vấn đề mà hầu hết các đại biểu quốc hội và các chuyên gia trong ngành quan tâm. Luật mới và cũng lần đầu tiên đề cập đến khoản chiết trừ gia cảnh, chính vì lẽ đó cần phải thận trọng và phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành các văn bản hướng dẫn.

Nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến câu hỏi: làm thế nào để xác định một mẹ nuôi quá nhiều con hoặc một con nhận nuôi dưỡng quá nhiều mẹ hay người độc thân mà lại có con trong khoản chiết trừ gia cảnh...

Tôi xin nhấn mạnh dù là ai thì cũng phải làm việc theo pháp luật. Nếu ai làm sai sẽ chịu cách hình thức xử lý. Tất nhiên luật có chặt chẽ đến mấy cũng không tránh khỏi có một số lỗ hổng để cá nhân tổ chức nào đó lợi dụng.

Trên thực tế, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp khai khống giấy tờ để được nằm trong diện người có công với cách mạng.

Thưa ông, khoản chiết trừ gia cảnh đối với người nước ngoài sẽ được tính toán như thế nào trong dự thảo luật?

Quả thật dự luật chưa đề cập đến vấn đề này mà chỉ mới tính toán đến mức khởi điểm chịu thuế.

Theo Nghị định thuế thu nhập cao, khởi điểm chịu thuế của người nước ngoài là 8 triệu đồng/tháng còn người trong nước là 5 triệu đồng. Thế nhưng đáp ứng nhu cầu hội nhập - không phân biệt đối xử, thì người nước ngoài cũng như trong nước theo dự thảo mới đều chịu mức khởi điểm ngang nhau.

Rõ ràng nếu không có khoản chiết trừ gia cảnh thì người nước ngoài sẽ thiệt hơn chính sách cũ. Chúng tôi đang đề nghị đưa khoản trợ cấp xa tổ quốc cho người nước ngoài vào dự thảo, thế nhưng quan điểm của ban soạn thảo là bản thân nước sở tại đã có chính sách hỗ trợ xa tổ quốc cho đối tượng này rồi.

Hơn nữa, thu nhập của người nước ngoài cao trong khi mức sống ở Việt Nam thấp thì việc không có khoản chiết trừ là hợp lý. Tuy nhiên, phương án cuối cùng vẫn đang tiếp tục được cân nhắc.

Thu thuế với người thu nhập cao (ca sỹ, người mẫu...) đã khó nay mở rộng đến toàn dân vậy ngành thuế làm thế nào đảm bảo nguồn thu?

Dự luật đang đặt ra quá nhiều vấn đề to tát nhưng điểm đáng lo ngại nhất là cách thức thu như thế nào thì chưa được đề cập nhiều. Mục tiêu của thuế thu nhập cá nhân là nhằm bình đẳng giữa các đối tượng chịu thuế nhưng làm thế nào để bình đẳng thì vẫn chưa có câu trả lời.

Rõ ràng nếu làm không khéo thì rơi vào cảnh người đáng thu thì không thu người có thu nhập không cao lại nằm trong diện chịu thuế.

Nhiều thành viên trong quốc hội cũng như chuyên gia đầu ngành đều thừa nhận rằng với hệ thống quản lý thuế hiện nay cùng với nền kinh tế tiền mặt thì cố gắng lắm mới chỉ kiểm soát được khoảng 70-80% nguồn thu.

Dự thảo đang đặt ra nhiều vấn đề to tát như đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu, tiền trúng thưởng xổ số... nghe thì hay nhưng thực hiện như thế nào còn phải bàn rất nhiều.

Một số ý kiến cho rằng nên xem xét lại việc mở rộng diện thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền gửi tiết kiệm, ý kiến của ông như thế nào?

Chúng tôi đã nghe dư luận phản ứng về điều này. Bản thân các thành viên trong Chính phủ, Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi các phương án trình trong dự thảo không chỉ đơn giản như vậy bởi đối tượng có tiền gửi tiết kiệm là những người đã nghỉ hưu hay không có điều kiện đầu tư vào các lĩnh vực khác...

Tiền tiết kiệm là một trong những nguồn vốn được huy động trong dân nếu làm không tốt sẽ xảy ra hiện tượng: Gửi tiết kiệm bị chịu thuế vậy tôi đem số tiền này đi đầu tư vào việc khác hoặc tích trữ tiền trong nhà thay vì đem đi gửi ngân hàng. Thậm chí có thể xảy ra trường hợp lo bị đánh thuế, người dân xé lẻ tiền ra nhiều sổ rồi gửi nhiều ngân hàng, vậy cơ quan thuế có kiểm soát được không?

Thông tin của khách hàng thuộc diện bí mật liệu các ngân hàng có tiết lộ không... Với số tiền lãi từ cổ tức, cổ phiếu... cũng như vậy cần phải tính toán và được bàn bạc kỹ.

Nếu Luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng dự kiến sẽ chiếm khoảng bao nhiêu nguồn thu của ngân sách Nhà nước thưa ông?

Chúng tôi chưa tính toán chi tiết nhưng theo ước tính sơ bộ thì chiếm khoảng 1%. Số thu từ tiền thuế thu nhập cao thời gian qua chỉ đạt vài chục tỷ không thấm tháp vào đâu so với 260.000 tỷ đồng thu ngân sách Nhà nước.

Nếu tính chi li và ngành thuế làm tốt thì theo tôi gạn lắm thuế thu nhập cá nhân mới triển khai cũng chỉ chiếm khoảng 1-1,5% nguồn thu ngân sách.

Nói như vậy thì quốc hội không kỳ vọng nhiều về khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân thưa ông?

Không hẳn như vậy, điều chúng tôi kỳ vọng là người dân sẽ quen với loại thuế mới và trong tương lại khi đời sống người dân được nâng lên thì đây cũng là khoản thu nhập tương đối cho ngân sách.

Tuy nhiên, cái lo nhất hiện nay là mở thêm một loại thuế mới mà không kiểm soát được nguồn thu thì lại trở thành một gánh nặng cho ngân sách. Khi ấy Nhà nước lại phải bỏ tiền để gồng gánh cho các khoản chi như trợ cấp thất nghiệp hay các hoạt động xã hội khác... Việc làm này có nên không hay lại làm phát sinh thêm tham nhũng tiêu cực.

(Theo VnExpress)