Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn - Quy định của pháp luật XLVPHC và pháp luật hình sự

27/11/2018
Hiện nay, Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) và Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đều có quy định về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bài viết tập trung phân tích để làm rõ sự giống nhau và khác nhau trong quy định của pháp luật về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với tư cách là một biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và với tư cách là một biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật hình sự trên các khía cạnh: Về đối tượng áp dụng; Về thời hạn và thẩm quyền áp dụng; Về nguyên tắc áp dụng; trình tự, thủ tục thi hành. Qua đó, tác giả đưa ra đề xuất, kiến nghị để tiếp tục có sự nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong việc quy định áp dụng biện pháp này.

 

1. Về đối tượng áp dụng
- Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC là biện pháp xử lý hành chính[1] áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng[2].
Theo quy định tại Điều 90 Luật XLVPHC thì đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm cả người chưa thành niên[3] và người thành niên[4], cụ thể như sau:
+ Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với đối tượng này, nếu có đủ các điều kiện theo quy định thì được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình[5].
+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi[6] trở lên có nơi cư trú ổn định.
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo quy định của Luật XLVPHC thì đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự là một trong các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự[7]. Theo đó, biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự[8] (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) là các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn[9].
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng có thể được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91[10] của Bộ luật này;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91[11] của Bộ luật này.
Từ các quy định nêu trên của Luật XLVPHC và Bộ luật hình sự, có thể thấy, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC là biện pháp xử lý hành chính, được áp dụng đối với người chưa thành niên và người thành niên. Trong khi đó, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự là biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
2. Về thời hạn và thẩm quyền áp dụng
- Theo quy định của Luật XLVPHC, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng[12]. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn[13].
- Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm[14]. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp này[15]. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm “Tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục”[16] (trong đó có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn).
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên có thể thấy, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC chỉ từ  03 tháng đến 06 tháng. Trong khi đó, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự là từ 01 năm đến 02 năm. Về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng, nếu thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên cơ sở quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật hình sự thì việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
3. Về nguyên tắc áp dụng, trình tự, thủ tục thi hành
Hiện nay, nguyên tắc áp dụng, trình tự, thủ tục thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC (sau đây gọi là biện pháp giáo dục) được thực hiện theo quy định của Luật XLVPHC, Nghị định  số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016). Việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
Trên cơ sở quy định của các văn bản pháp luật nêu trên, tác giả thấy rằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật hình sự và pháp luật hành chính có một số nội dung cơ bản giống nhau về nguyên tắc áp dụng, trình tự, thủ tục thi hành:
Thứ nhất, về nguyên tắc áp dụng
Việc áp dụng biện pháp giáo dục và biện pháp giám sát, giáo dục đều đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc:
          - Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư/ bí mật cá nhân của người bị áp dụng biện pháp giáo dục/người được giám sát, giáo dục[17].
          - Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục/thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục[18].
          - Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị áp dụng biện pháp giáo dục/người được giám sát, giáo dục[19].
          Thứ hai, về phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục
          Biện pháp giáo dục và biện pháp giám sát, giáo dục đều quy định việc phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục phải được thể hiện dưới hình thức Quyết định. Một người có thể được phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ nhiều người/trực tiếp giám sát, giáo dục nhiều người nhưng không quá 03 người cùng một lúc[20].
Thứ ba, về nội dung và hình thức giáo dục/giám sát, giáo dục
Biện pháp giáo dục và biện pháp giám sát, giáo dục quy định nội dung và hình thức giáo dục/giám sát, giáo dục cơ bản giống nhau. Theo đó, nội dung giáo dục/giám sát, giáo dục đều tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục/giám sát, giáo dục; Giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề[21]. Về hình thức giáo dục/giám sát, giáo dục, giới thiệu tham gia/hướng dẫn, động viên người được giáo dục/giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề[22].
Thứ tư, về cam kết của người được giáo dục/giám sát, giáo dục
Người được giáo dục và giám sát, giáo dục đều phải làm bản cam kết. Nội dung cam kết trong việc áp dụng hai biện pháp này về cơ bản giống nhau, gồm[23]:
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nghiêm túc sửa chữa sai phạm;
- Tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề phù hợp;
- Tham gia lao động với hình thức phù hợp;
- Tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;
- Cam kết của người chưa thành niên/người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Thứ năm, thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục/giám sát, giáo dục. Việc vắng mặt của người được giáo dục/giám sát, giáo dục tại nơi cư trú.
          Đối với biện pháp giáo dục và biện pháp giám sát, giáo dục, pháp luật đều có quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục[24]/thực hiện kế hoạch giám sát, giáo dục[25]. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục[26]/giám sát, giáo dục[27]. Việc vắng mặt của người được giáo dục[28]/giám sát, giáo dục tại nơi cư trú[29].
Thứ sáu, quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ/trực tiếp giám sát, giáo dục
Người được phân công giúp đỡ người được giáo dục/Người trực tiếp giám sát, giáo dục, về cơ bản có các quyền và nghĩa vụ giống nhau trong việc thực hiện trách nhiệm giáo dục, giúp đỡ/giám sát, giáo dục[30]:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục;
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và gia đình trong việc quản lý, giáo dục đối tượng/giám sát, giáo dục;
- Theo dõi việc thực hiện biện pháp giáo dục/giám sát, giáo dục, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục;
- Hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục theo quy định. Theo đó, người được phân công giúp đỡ/người trực tiếp giám sát, giáo dục được hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục/giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn[31].
Thứ bảy, quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục/giám sát, giáo dục
Các quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục và người được giáo sát, giáo dục về cơ bản giống nhau[32]:
- Người được giáo dục/ giám sát, giáo dục đều có các quyền:
+ Được lao động, học tập hoặc học nghề;
+ Được tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương;
+ Được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú;
+ Được trình bày nguyện vọng, kiến nghị của mình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và người được phân công, giúp đỡ/người trực tiếp giám sát, giáo dục.
- Người được giáo dục/ giám sát, giáo dục đều có các nghĩa vụ:
+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
+ Chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và người được phân công giúp đỡ/người trực tiếp giám sát, giáo dục;
+ Tích cực tham gia lao động, học tập;
+ Báo cáo tình hình học tập, lao động, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình;
+ Phải có mặt/trình diện khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.
Thứ tám, về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục/giám sát, giáo dục
Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục/người được giám sát, giáo dục.
Bên cạnh những nội dung cơ bản giống nhau của pháp luật trong việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như đã nêu trên, trình tự, thủ tục thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC và Bộ luật hình sự có một số điểm khác biệt, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục
Đối với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chủ thể có trách nhiệm phân công là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em (cơ quan được giao quản lý, giáo dục đối tượng)[33]. Trong khi đó, chủ thể có thẩm quyền phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã[34].      
Thứ hai, thông báo về việc thi hành biện pháp giáo dục /giám sát, giáo dục
Đối với việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, pháp luật không quy định trách nhiệm thông báo về việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Pháp luật chỉ quy định sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cơ quan đã lập hồ sơ phải gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời thông báo cho người bị áp dụng. Đối với người chưa thành niên thì còn được thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo[35]. Trong thời hạn tối đa là 02 ngày làm việc, kể từ ngày có hiệu lực, quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn được gửi cho người được giáo dục, gia đình người được giáo dục, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan[36]. Trong khi đó, đối với việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, pháp luật quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập người được giám sát, giáo dục; mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục và Công an cấp xã để thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục[37].
Thứ ba, xây dựng kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/Xây dựng, ban hành Kế hoạch giám sát, giáo dục
Đối với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người được phân công giúp đỡ phải xây dựng kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ phải có ý kiến của người đứng đầu tổ chức được giao giáo dục[38]. Đối với biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người trực tiếp giám sát, giáo dục xây dựng dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký ban hành[39].
Thứ tư, hình thức giáo dục/giám sát giáo dục
Hình thức giáo dục trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có sự khác nhau. Đối với việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể thực hiện bằng các hình thức cơ bản[40]: Gặp gỡ trực tiếp gia đình, người được giáo dục; Thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp quản lý, giáo dục; Tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở. Trường hợp người được giáo dục là người chưa thành niên thì không tổ chức cuộc họp góp ý. Đối với giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hình thức giám sát, giáo dục gồm[41]: Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;  Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó; Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.
Thứ năm, cam kết của người được giáo dục/giám sát, giáo dục
Người được giáo dục/giám sát, giáo dục đều phải làm bản cam kết. Tuy nhiên, đối với người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thì gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình[42]. Trong khi đó, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục[43].
Thứ sáu, tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn thực hiện nghĩa vụ tham gia chương trình học tập, dạy nghề, lao động tại cộng đồng.
Đối với người bị áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, pháp luật quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn thực hiện nghĩa vụ tham gia chương trình học tập, dạy nghề, lao động tại cộng đồng:
- Về tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia chương trình học tập: Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giám sát, giáo dục vào học tập theo Kế hoạch giám sát, giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người được giám sát, giáo dục và khả năng thực tế của cơ sở để bố trí người hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập, hoàn thành Chương trình học tập[44].
 - Về tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia chương trình dạy nghề: Trên cơ sở Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để đề xuất việc hỗ trợ dạy nghề cho người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào điều kiện về sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thu xếp cho người được giám sát, giáo dục tham gia Chương trình dạy nghề phù hợp[45].
- Về tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia lao động tại cộng đồng: Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc đoàn thể xã hội, cơ quan, tổ chức khác tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia các buổi lao động tại cộng đồng, giúp đỡ người già, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm và sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng của người được giám sát, giáo dục. Việc lao động tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật về lao động, phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của người được giám sát, giáo dục, không làm ảnh hưởng đến việc học tập của người đó[46].
Thứ bảy, chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Đối với quyết định chấm dứt thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thẩm quyền quyết định thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã[47]. Trong khi đó, đối với quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn (biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật hình sự) thuộc trách nhiệm của cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục)[48].
Thứ tám, miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Đối với biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự, pháp luật không quy định về miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà chỉ quy định về việc chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ. Khác với quy định của pháp luật hình sự, pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, người được giáo dục đã chấp hành một nửa thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu có tiến bộ rõ rệt, thì làm đơn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của người được giáo dục hoặc văn bản đề nghị của người được phân công giúp đỡ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trường hợp không đồng ý, thì phải nêu rõ lý do. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi đến người có đơn đề nghị; cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục; người được phân công giúp đỡ[49].
Thứ chín, căn cứ cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục/giám sát, giáo dục
Mặc dù Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục/người được giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, căn cứ để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục/giám sát, giáo dục là khác nhau:
- Đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Trong thời hạn tối đa là 02 ngày làm việc, kể từ ngày người được giáo dục chấp hành xong quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục, lưu hồ sơ, đồng thời gửi bản sao hợp lệ cho tổ chức được giao quản lý, giáo dục và gia đình người được giáo dục biết[50].
- Đối với người được giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục hoặc khi nhận được Quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của cơ quan có thẩm quyền, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giám sát, giáo dục[51].
4. Kết luận
Có thể nói, mặc dù cùng là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng xét về bản chất, tính chất của hành vi vi phạm thì biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong quy định của Luật XLVPHC và Bộ luật hình sự  có sự khác nhau. Dưới góc độ của Luật XLVPHC, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong những biện pháp xử lý hành chính. Dưới góc độ của Luật hình sự, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong những biện pháp chuyển hướng, thay vì áp dụng các chế tài hình sự, người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nhưng phải chấp hành biện pháp giám sát, giáo dục (Quy định này nhằm mục đích hạn chế việc đưa người chưa thành niên phạm tội  vào quy trình tố tụng khi chưa cần thiết). Do vậy, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn dưới từng góc độ tiếp cận khác nhau của pháp luật hình sự và pháp luật XLVPHC sẽ có đối tượng áp dụng, thời hạn, thẩm quyền áp dụng và trình tự, thủ tục thi hành khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định khác nhau thì hiện nay, trong quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của pháp luật hình sự và pháp luật XLVPHC cũng có những nội dung cơ bản giống nhau: Về nguyên tắc áp dụng; Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục; Nội dung, hình thức giáo dục/giám sát, giáo dục; Cam kết của người được giáo dục/giám sát, giáo dục; Thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục/giám sát, giáo dục. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục/giám sát, giáo dục. Việc vắng mặt của người được giáo dục tại nơi cư trú/ giám sát, giáo dục tại nơi cư trú; Quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ/trực tiếp giám sát, giáo dục; Quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục/giám sát, giáo dục;  Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục/giám sát, giáo dục. Vậy, vấn đề đặt ra là có nên tồn tại hai biện pháp cùng tên “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” không khi nhiều nội dung trong thi hành hai biện pháp này cơ bản giống nhau (khác nhau về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn áp dụng và một số nội dung trong trình tự, thủ tục thi hành). Trên thực tế, việc nhầm lẫn giữa hai biện pháp này là tương đối phổ biến. Trong thời gian tới, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền cần tiếp tục có sự nghiên cứu, nên chăng đề xuất xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để quy định các hành vi vi phạm, cách thức xử lý một cách thống nhất, khắc phục những quy định có phần chưa hợp lý như hiện nay./.
Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC&TDTHPL
                                                                                                        
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
2. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
 

[1] Khoản 3 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
[2] Xem khoản 1 Điều 89 Luật XLVPHC.
[3] Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”.
[4] Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
[5] Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật XLVPHC “Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau:
  1. Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;
  2. Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;
  3. Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình”.
[6] Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22 (Mất năng lực hành vi dân sự), 23 (Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi), và 24 (Hạn chế năng lực hành vi dân sự) của Bộ luật này.
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
[7] Xem Mục 2 Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[8] Xem Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
[9] Xem khoản 1 Điều 2 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
[10] Điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này.
[11] Điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150,151,168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này.
[12] Xem khoản 2 Điều 89 Luật XLVPHC.
[13] Xem khoản 1 Điều 105 Luật XLVPHC.
[14] Xem khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[15] Xem Điều 92 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[16] Xem khoản 1 Điều 6 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
[17] Xem khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[18] Xem khoản 4 Điều 2 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 5 Điều 3 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[19] Xem khoản 7 Điều 2 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 3 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[20] Xem khoản 1, khoản 3 Điều 25 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 7 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[21] Xem khoản 1 Điều 27 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 12 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[22] Xem điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[23] Xem khoản 2 Điều 28 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[24] Xem Điều 29 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).
[25] Xem Điều 14 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[26] Xem Điều 34 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[27] Xem Điều 19 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[28] Xem Điều 33 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[29] Xem Điều 22 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[30] Xem Điều 30 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Điều 26 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[31] Xem khoản 3 Điều 8 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[32] Xem Điều 31 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Điều 25 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[33] Xem khoản 1 Điều 25 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[34] Xem khoản 3 Điều 7 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[35] Xem khoản 4 Điều 97 Luật XLVPHC.
[36] Xem khoản 2 Điều 22 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).
[37] Xem khoản 1 Điều 8 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[38] Xem khoản 1, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[39] Xem Điều 10 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[40] Xem các điểm a, c và d khoản 2 Điều 27 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[41] Xem các điểm a,c và d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[42] Xem khoản 1 Điều 28 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[43] Xem khoản 1 Điều 13 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[44] Xem Điều 15 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[45] Xem Điều 16 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[46] Xem Điều 17 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[47] Xem Điều 35, Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).
[48] Xem khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 23 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.
[49] Xem Điều 36 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[50] Xem Điều 37 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).
[51] Xem Điều 24 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.