Công bố 4 Luật về lĩnh vực công nghệ thông tin, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bảo hiểm xã hội và hàng không dân dụng

24/07/2006
Sáng ngày 21/7, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục công bố 4 luật mới: Luật Công nghệ thông tin; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Cả 4 Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Riêng trong Luật Bảo hiểm xã hội, hiệu lực thi hành đối với bảo hiểm tự nguyện từ ngày 01/01/2008; bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2009.

Luật Công nghệ thông tin được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Mặt khác, việc ban hành Luật Công nghệ thông tin nhằm tạo sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO…

Luật Công nghệ thông tin gồm 6 chương, 79 điều, bao gồm các nội dung sau: những quy định chung; ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển công nghệ thông tin; biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm; điều khoản thi hành.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do thương mại; đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đây là một bước cơ bản trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; góp phần bảo đảm và thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành và của toàn bộ nền kinh tế, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm 7 chương, 71 điều bao gồm những nội dung sau: Những quy định chung; xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; điều khoản thi hành.

Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành nhằm pháp điển hoá các quy định hiện hành và bổ sung các chính sách bảo hiểm xã hội cho phù hợp với quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm 11 chương, 141 điều bao gồm những nội dung sau: Những quy định chung; quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; khen thưởng và xử lý vi phạm; điều khoản thi hành.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 được ban hành đã thể chế hoá chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chính sách về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có tính đến thực tiễn hoạt động hàng không dân dụng trong 20 năm thực hiện chính sách “đổi mới” và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã đảm bảo tính phù hợp, sự thống nhất với Hiến pháp và các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam; kế thừa một số nội dung điều chỉnh của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; bổ sung những nội dung chưa được Luật điều chỉnh; bãi bỏ các quy định có tính bảo hộ, không phù hợp với thực tiễn hoạt động hàng không dân dụng. Đồng thời, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 gồm 10 chương, 202 điều bao gồm những nội dung sau: Những quy định chung; tàu bay; cảng hàng không, sân bay; nhân viên hàng không; hoạt động bay; vận chuyển hàng không; trách nhiệm dân sự; an ninh hàng không; hàng không chung; điều khoản thi hành.

Đặng Hiếu

(Theo website Đảng Cộng sản)