Quy định về kinh phí bồi thường, thủ tục chi trả trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

31/07/2017

Trên nguyên tắc việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn[1], Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017(sau đây gọi tắt là Luật TNBTNN năm 2017) đã có những đổi mới, bổ sung toàn diện về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả tiền bồi thường..
Chương VI - Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả gồm 4 Điều (từ Điều 60 đến Điều 63), trong đó quy định cụ thể về kinh phí bồi thường; lập dự toán kinh phí bồi thường; cấp phát kinh phí bồi thường; chi trả kinh phí bồi thường cũng như quyết toán kinh phí bồi thường.
Thứ nhất, về kinh phí bồi thường.
Trước đây, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật TNBTNN năm 2009) không quy định cụ thể về nội dung các khoản kinh phí bồi thường. Để xác định rõ các khoản kinh phí bồi thường, Điều 60 Luật TNBTNN năm 2017 quy định:‘‘Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:
+ Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;
+ Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Theo đó, kinh phí bồi thường không chỉ là khoản tiền chi trả cho người bị thiệt hại mà còn bao gồm cả các khoản chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại phát sinh trong quá trình giải quyết bồi thường. Quy định rõ nội dung các khoản kinh phí bồi thường đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho các cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhà nước thực hiện. Điều luật cũng quy định trách nhiệm cấp kinh phí bồi thường là của Nhà nước và nguồn kinh phí bồi thường là từ Ngân sách Nhà nước.  
Luật mới cũng quy định cụ thể cách phân cấp: cấp Trung ương và cấp tỉnh trong việc bảo đảm kinh phí bồi thường:
+Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương (khoản 2 Điều 60)
+Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh (khoản 3 Điều 60).
Trước đây Điều 52 Luật TNBTNN năm 2009 chỉ quy định chung: “Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương”
Theo Điều 6 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, hệ thống ngân sách nhà nước bao gồm:
“1. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
2. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.”
Như vậy, đối với các nguồn kinh phí được bảo đảm từ ngân sách địa phương, điều luật không phân biệt rõ “ địa phương” ở đây bao gồm những cấp nào(cấp tỉnh, huyện hay cấp xã), dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong việc thực hiện.
Thứ hai, về trách nhiệm lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường.
Điều 53 Luật TNBTNN năm 2009 quy định về việc lập dự toán:
“Hàng năm, căn cứ thực tế bồi thường của năm trước, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường.”
Điều 55 Luật TNBTNN năm 2009 quy định về việc quyết toán
“Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bồi thường lập quyết toán kinh phí đã chi trả bồi thường, tổng hợp chung trong quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”
Theo đó, việc lập dự toán và quyết toán kinh phí bồi thường nhà nước do nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương thực hiện, cụ thể như sau:
- Đối với nhiệm vụ lập dự toán kinh phí bồi thường, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường.
- Đối với nhiệm vụ quyết toán kinh phí bồi thường, kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bồi thường lập quyết toán kinh phí đã chi trả bồi thường, tổng hợp chung trong quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Quy định này dẫn đến tình trạng việc lập dự toán kinh phí bồi thường có thể do tất cả các cơ quan cùng cấp phối hợp với cơ quan tài chính của cấp mình để thực hiện[2], trong khi việc bồi thường nhà nước không phải là công việc thường xuyên, chỉ phát sinh khi có vụ việc cụ thể. Mặt khác, việc quyết toán kinh phí bồi thường lại chỉ do một số ít cơ quan thực hiện, là những cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Quy định của Luật TNBTNN năm 2009 về lập dự toán, quyết toán như trên trong quá trình triển khai trên thực tiễn đã gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập như: Phát sinh thêm công việc đối với các cơ quan tài chính địa phương; khó khăn trong việc quản lý ngân sách trên thực tế khi thời điểm phát sinh yêu cầu bồi thường có thể xảy ra bất kì lúc nào và không trùng với thời điểm lập dự toán ngân sách của các cơ quan…  
Theo quy định tại Điều 61 Luật TNBTNN năm 2017 chỉ có hai cơ quan có thẩm quyền lập dự toán kinh phí bồi thường là Bộ Tài chính và Sở Tài chính. Hằng năm, căn cứ thực tế số tiền bồi thường đã cấp phát, Bộ Tài chính, Sở Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước[3]. Việc quy định Bộ Tài chính ở Trung ương, Sở Tài chính ở địa phương là cơ quan có thẩm quyền lập dự toán kinh phí bồi thường đã giải quyết hầu hết các bất cập của Luật TNBTNN năm 2009. Quy định này đã thống nhất đầu mối lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường ở trung ương và cấp tỉnh. Căn cứ vào thực tế cấp phát kinh phí bồi thường của năm trước thì cơ quan tài chính có cơ sở và thuận lợi hơn trong việc lập dự toán  kinh phí bồi thường hàng năm, giúp cho việc tổng hợp, nắm tình hình chung về yêu cầu bồi thường tại các cấp được chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự kiến được tổng thể nguồn kinh phí phải chi trả[4].
-Luật TNBTNN năm 2017 bổ sung căn cứ lập dự toán của cơ quan tài chính có thẩm quyền. Bên cạnh căn cứ thực tế số tiền bồi thường của năm trước, việc lập dự toán còn căn cứ vào chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước.
Thực tế trong quá trình giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường, nhiều trường hợp phải tiến hành định giá, giám định thiệt hại.v.v.. Mặc dù Luật TNBTNN năm 2009 (khoản 2 Điều 18) đã quy định:“Các chi phí giám định, định giá được đảm bảo từ ngân sách nhà nước nhưng chưa quy định việc lập dự toán các chi phí này do cơ quan nào thưc hiện. Điều này dẫn đến thực trạng là cơ quan tài chính chỉ cấp kinh phí để chi trả cho người bị thiệt hại mà không cấp kinh phí thực hiện giám định, định giá tài sản vì không thể chi ngoài dự toán. Do đó, việc quy định cơ quan tài chính lập dự toán về việc định giá tài sản, giám định thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật TNBTNN 2017 là rất cần thiết[5].
Đối với việc quyết toán kinh phí bồi thường, Điều 63 Luật TNBTNN năm 2017 cũng quy định cụ thể về việc quyết toán kinh phí bồi thường và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan thực hiện chi trả tiền bồi thường
+ Sau khi chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường cho cơ quan tài chính đã cấp phát kinh phí để quyết toán theo quy định của pháp luật.
+ Kết thúc năm ngân sách, Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm quyết toán kinh phí bồi thường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Thứ ba, về cấp phát kinh phí và chi trả tiền bồi thường.
- Luật TNBTNN 2017 bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền và của cơ quan chủ quản (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại Điều 54 Luật TNBTNN năm 2009; 
Theo Điều 54 Luật TNBTNN năm 2009 quy định trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên”
Theo quy định trên, đối với trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan quản lý cấp trên. Quy định này là không phù hợp với thực tiễn khi mà cơ quan quản lý cấp trên không có chuyên môn chuyên sâu về giải quyết bồi thường nên việc thẩm định cấp kinh phí ở cơ quan này là không phù hợp và không cần thiết[6]. Hơn nữa việc thêm cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan giải quyết bồi thường có thẩm quyền thẩm định hồ sơ đã tạo thêm thủ tục chi trả tiền bồi thường, kéo dài thời gian thẩm định, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Khắc phục bất cập này, Luật TNBTNN năm 2017 đã bỏ thủ tục gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường lên cơ quan quản lý cấp trên để thẩm định mà quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền. Việc bỏ quy định kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường. Thêm vào đó, Luật TNBTNN năm 2017 cũng điều chỉnh thời gian theo hướng giảm thời gian thực hiện giữa các bước để giúp cho người bị thiệt hại sớm có thể nhận được tiền bồi thường.
Luật đã sửa đổi quy định về việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn. Việc cấp phát kinh phí và chi trả tiền bồi thường chỉ căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường.
Khoản 4 Điều 62 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 62, cơ quan tài chính phải hoàn thành việc cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.”
So với quy định tại Điều 54 Luật TNBTNN năm 2009 thì thời gian cấp phát kinh phí bồi thường đã được rút ngắn từ 10-25 ngày xuống còn 05 ngày
-Luật TNBTNN năm 2017 cũng quy định chặt chẽ về các loại văn bản giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường. Điều 62 Luật TNBTNN năm 2017 đã phân định rõ trình tự thủ tục trong hồ sơ đề nghị cấp kinh phí trong các trường hợp thông thường và hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án. Quy định này đã hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, thống nhất trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
-Một điểm mới đáng lưu ý của Luật TNBTNN năm 2017 đó là Luật đã bổ sung quyền hạn của cơ quan tài chính có thẩm quyền trong việc cấp phát chi phí bồi thường, cụ thể:
+Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 62 Luật TNBTNN hoặc mức bồi thường không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường để hoàn thiện hồ sơ, cấp phát kinh phí bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
+Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng mức bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 hoặc tại Điều 55 của Luật TNBTNN 2017  không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng (khoản 4 Điều 62).
Quy định này đã nâng cao trách nhiệm giám sát của cơ quan tài chính và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chặt chẽ các trình tự thủ tục cấp phát chi phí bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
 Thứ tư, về thủ tục chi trả tiền bồi thường
Khoản 5 Điều 62 Luật TNBTNN năm 2017 quy định:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường.”
Từ quy định trên, có thể thấy rất rõ ràng các nội dung:
+Về cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc chi trả tiền bồi thường: cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại
+Về thời gian thực hiện thông báo chi trả: 02 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp
+ Về thời gian tiến hành chi trả tiền bồi thường: 02 ngày kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo.
Theo Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đánh giá: “Việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời, theo quy định hiện hành thì thời hạn lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường của các cơ quan có thẩm quyền có thời hạn tối đa là 40 ngày. Tuy nhiên, thực tế việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chậm so với quy định[7].
 Quy định mới của Luật TNBTNN năm 2017 về thủ tục chi trả tiền bồi thường đã thể hiện sự đổi mới có tính đột phá trong thủ tục chi trả tiền bồi thường, khắc phục tình trạng chậm chi trả tiền bồi thường so với quy định đã xảy ra trên thực tế, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời quyền và lợi  ích hợp pháp của người được bồi thường.
-Luật TNBTNN năm 2017 cũng bổ sung quy định trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường trong thời hạn luật định:
Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại khoản 5 Điều này mà người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại làm thủ tục sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật. Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự không tính vào thời hạn quy định tại khoản này”(khoản 6 điều 62).
Trên thực tế có trường hợp người bị thiệt hại đã chấp nhận số tiền bồi thường với cơ quan giải quyết bồi thường tại buổi thương lượng nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường và thực hiện các thủ tục cấp, chi trả tiền bồi thường thì người bị thiệt hại lại không chấp nhận và muốn một mức bồi thường cao hơn[8]. Quy định này đã hạn chế các trường hợp tương tự có thể xảy ra. Đồng thời quy định không tính thời hạn trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan cũng đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người được bồi thường.
Việc sửa đổi bổ sung quy định về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường tại Luật TNBTNN 2017 về cơ bản đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật TNBTCNN năm 2009 trước đây, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các cơ quan thực thi trách nhiệm bồi thường nhà nước cũng  như tạo điều kiện tốt nhất cho người bị thiệt hại trong việc bồi thường nhà nước.
 

 Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa,
Đơn vị công tác: Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội


 



 
 
 
 

 


[1] Nguyễn Hoàng, Quốc hội thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), http://www.baomoi.com/quoc-hoi-thong-qua-luat-trach-nhiem-boi-thuong-cua-nha-nuoc-sua-doi/c/22569118.epi, ngày đăng 20/6/2017, ngày truy cập: 25/7/2017

                                                                                                                  

[2] Phùng Trung Thắng, Một số vấn đề về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường- Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước, http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=183, ngày đăng: 08/5/2017, ngày truy cập: 25/7/2017.

 

[3] Báo cáo số 181/BC- BTP ngày 15/7/2016 Tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

[4] Phùng Trung Thắng, Một số vấn đề về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường, http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=183, ngày đăng: 08/5/2017, ngày truy cập: 25/7/2017.

 

[5] Phùng Trung Thắng, Một số vấn đề về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường, http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=183, ngày đăng: 08/5/2017, ngày truy cập: 25/7/2017.

 

[6] Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, mục 2.5, trang 22
 

[7] Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, mục 2.5, trang 22

[8] Phùng Trung Thắng, Một số vấn đề về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường, http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=183, ngày đăng: 08/5/2017, ngày truy cập: 25/7/2017.