Tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” trong BLHS năm 2015

01/08/2016
Tình tiết giảm nhẹ (TTGN) trách nhiệm hình sự là tình tiết của vụ án hình sự có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đáng được khoan hồng. Các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định chi tiết từ điểm a đến điểm x tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, là một trong những căn cứ mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt. Nghiên cứu các TTGN này có thể thấy, rất nhiều các TTGN được nhà làm luật kế thừa từ các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định từ điểm a đến điểm s tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), và trong nhiều các TTGN đó được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng trong một số nghị quyết, như: Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP, ngày 04/8/2000, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP, ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, với các TTGN chưa được hướng dẫn cụ thể thì thực tiễn áp dụng vẫn còn có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau, trong đó có TTGN “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.
Việc BLHS năm 2015 bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt. Trên cơ sở cân nhắc một cách thận trọng những điều kiện cụ thể của Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và các quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự; căn cứ quyết định hình phạt; các TTGN trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại;... được quy định trong BLHS năm 2015, trong đó có TTGN “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015.
Như vậy, TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” áp dụng đối với thể nhân phạm tội, được tiếp tục quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51; áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015.
Mặc dù, Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội khoá XIII, đã lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Dù lùi hiệu lực thi hành nhưng Quốc hội cũng loại trừ một số quy định của BLHS, BLTTHS vẫn được thực thi từ 01/7/2016. Mà theo đó, các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 vẫn được áp dụng.
Thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng TTGN như đã đề cập chưa có sự thống nhất về nhận thức, mà nguyên nhân cơ bản do còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó, nhiều trường hợp tạo ra bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người dân vào công lý, sự công bằng của pháp luật, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Ngành Tòa án, bởi với cùng tình tiết tài sản bị trộm cắp đã được thu hồi nguyên vẹn trả lại chủ sở hữu, có bản án áp dụng TTGN “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” nhưng có bản án lại không áp dụng, vì cho rằng đã là tội phạm thì đương nhiên là gây thiệt hại đáng kể cho xã hội, nếu chưa gây ra thiệt hại thì không thể xử lý trách nhiệm hình sự họ được! Không thể chứng minh chưa gây ra thiệt hại. Điều đáng nói hơn nhận thức khác nhau việc này lại xảy ra ngay trong cùng một tòa án.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số vướng mắc xoay quanh quy định TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” trong BLHS năm 2015, áp dụng đối với thể nhân, pháp nhân thương mại phạm tội.
Thứ nhất, hiểu như thế nào cho đúng quy định “chưa gây thiệt hại” hoặc “gây thiệt hại không lớn”.
Theo Từ điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điền học, năm 1998, tại trang 910 có giải thích như sau về thiệt hại (tính từ hoặc danh từ): Bị tổn thất hư hao về người và của. Mùa màng bị thiệt hại vì trận bão. Không có thiệt hại về người. Gây ra thiệt hại. Hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).
Gây thiệt hại không lớn là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại mà người phạm tội mong muốn và ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Ví dụ: Tài sản trong vụ án trộm cắp tài sản được cơ quan chức năng thu hồi lại toàn bộ, tuy có bị hư hỏng trong quá trình mang tài sản cất giấu nhưng không đáng kể về giá trị nhỏ.
Đây là những trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả tác hại cho xã hội hoặc tuy hậu quả tác hại đã xảy ra nhưng không lớn vì được hạn chế do những nguyên nhân có thể xuất phát từ trong hoặc ngoài ý muốn của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ thực hiện
Như đã đề cập mặc dù TTGN này được quy định trong BLHS năm 1999, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào để xác định: Thiệt hại như thế nào được coi là không lớn, nếu thiệt hại về sức khỏe thì bao nhiêu phần trăm được coi là không lớn? hoặc nếu thiệt hại về tài sản thì quy thành tiền số lượng cụ thể bao nhiêu được coi là thiệt hại không lớn?... Thực tiễn xét xử, việc xem xét đánh giá tùy thuộc hoàn toàn vào Hội đồng xét xử, tùy thuộc từng tội phạm cụ thể.
Không ít người đều cho rằng, thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015, chỉ là dạng hậu quả vật chất. Những người ủng hộ loại ý kiến này dựa trên cơ sở quy định tại Điều 76[1] BLHS năm 2015, mà theo đó, 31 tội danh thuộc hai nhóm tội là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về mội trường, mà nhà làm luật giới hạn để truy cứu trách nhiệm pháp nhân thương mại. Những tội phạm này, hậu quả xảy ra tồn tại trên thực tế, con người có thể nhận biết được bằng trực quan hoặc bằng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để tính toán gần chính xác mức độ thiệt hại trực tiếp đó đã xảy ra, nên chỉ có thể áp dụng TTGN này thuộc nhóm tội phạm có cấu trúc cấu thành vật chất mà thôi.
Tuy nhiên, cũng theo đa số ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, thiệt hại đang đề cập tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015 không chỉ là hậu quả về vật chất mà còn bao gồm cả những thiệt hại về tinh thần, thể chất. Bởi vì, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong những tội có cấu thành tội phạm vật chất, đối với những tội có cấu thành tội phạm hình thức thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng thiệt hại thì có thể xảy ra đối với cả tội có cấu thành tội phạm vật chất và tội có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015, mặc dù đây là tội có cấu thành tội phạm hình thức nhưng khi người phạm tội đã thực hiện hành vi giao cấu (sau hành vi dùng vụ lực, đe dọa dùng vũ lục…) thì thiệt hại về thể chất, tinh thần của người bị hại đã xảy ra. Vì vậy, thiệt hại là TTGN tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015, bao gồm thiệt hại về vật chất, thể chất và tinh thần; thiệt hại này không đồng nhất với hậu quả của tội phạm và có khi hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng thiệt hại lại không xảy ra và ngược lại. Hơn nữa, BLHS năm 2015 cũng không quy định bắt buộc hoặc loại trừ đối với loại tội phạm nào (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng) và trường hợp phạm tội nào thì không được áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”. Do vậy, theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội vẫn có thể áp dụng được với mọi tội phạm. Tuy nhiên, với những tội phạm có cấu thành hình thức, khi áp dụng cần chú ý đến tính chất hành vi phạm tội, mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần của từng vụ án cụ thể, để bảo đảm sự thấu lý đạt tình.
Theo tinh thần của Công văn số 994/VKSTC-V3  ngày 09/4/2012 của Vụ 3 – Viện kiểm sát nhân dân tối cao về TTGN trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS: Khái niệm “chưa gây thiệt hại” và “gây thiệt hại không lớn” đều nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội “chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sảnNếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “chưa gây thiệt hại”.
Từ hướng dẫn này có thể hiểu, chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại. Điều này có nghĩa, chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét TTGN này cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng. Nhưng nội dung Công văn số 994/VKSTC-V3, cũng chỉ mang tính chất ý kiến trao đổi, có ý nghĩa để các cơ quan trong phạm vi Ngành tham khảo mà thôi. Bởi trên thực tế, bên cạnh trường hợp thiệt hại xảy ra ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, cũng có trường hợp thiệt hại xảy ra đến đâu, mức độ nào có thể chịu sự chi phối, nằm trong tầm “kiểm soát” của người thực hiện hành vi phạm tội. Nghĩa là, người thực hiện hành vi phạm tội có điều kiện để gây ra thiệt hại hoặc gây ra thiệt hại lớn nhưng họ lại lựa chọn cách thức không gây thiệt hại, như dùng kim bơm tiêm giả vờ người nghiện ma túy dọa người đi đường “trấn lột” tài sản, nhưng khi bị nhóm bạn của nạn nhân kịp thời phản ứng lại thì ném tang vật bỏ chạy. Hoặc gây thiệt hại không lớn trong trường hợp có thể lấy cả máy tính xách tay, Ipad, tiền, đồ trang sức đắt tiền của nạn nhân (vì nhà không người trông coi), nhưng kẻ trộm chỉ lấy đi duy nhất lọ nước hoa, như ý định đặt ra trước khi đột nhập vào căn hộ đối diện để bổ sung vào bộ sưu tập các loại nước hoa danh tiếng trên thế giới của mình.
Thiệt hại ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội được hiểu là dự tính thực hiện tội phạm của người phạm tội không có ý nghĩa để xem xét thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn. Theo quan điểm của tác giả, nếu cho rằng khi thực hiện tội phạm mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội dự tính sẽ không gây thiệt hại hay gây thiệt hại không lớn thì họ có thể được xem xét giảm nhẹ với tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” hoặc TTGN “Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm”  quy định tại điểm a khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015. Và thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn có sự chủ động của người phạm tội/pháp nhân thương mại phạm tội.
Thứ hai, có lẽ điều mà nhiều người lo ngại, rất quan tâm hiện nay, đó là, pháp nhân thương mại trong những trường hợp phạm tội nào, với tội phạm nào thì Tòa án khi xét xử áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015? Bởi nếu không được quy định chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể thì chắc chắn rằng việc áp dụng sẽ thiếu thống nhất và cũng không loại trừ tiêu cực xảy ra. Sự lo ngại này của xã hội không phải là không có cơ sở, vì: Trong cùng lĩnh vực hoạt động sản xuất, chế biến có thể thấy lợi thế vượt trội của pháp nhân thương mại so với cá nhân, hộ gia đình, đó là, quy mô về vốn, nhà xưởng, công suất hoạt động của nhà máy,...từ lợi thế này dẫn đến chủng loại hàng hóa, số lượng sản phẩm làm ra trong cùng một đơn vị thời gian sẽ hơn gấp nhiều lần, so với quy mô chăn nuôi, sản xuất, chế biến nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, điều này tỉ lệ thuận với nguy cơ rất lớn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn,... của pháp nhân thương mại đó cũng hơn gấp nhiều lần thậm chí hàng trăm lần so với chủ cơ sở chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ trong những làng nghề truyền thống, trong khu dân cư, nếu như các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra thường xuyên cũng như kiên quyết xử lý những trường hợp pháp nhân thương mại cố ý không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực tiễn cho thấy, một khi cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường do xả chất thải chưa qua xử lý theo quy định thì thiệt hại do hành vi vi phạm này gây ra đều rất lớn, thậm chí đặc biệt lớn, nếu không muốn nói nhiều trường hợp là thảm họa về môi trường. Sự ảnh hưởng của nó không chỉ trong phạm vi khu dân cư, thôn, xóm nơi đặt cơ sở sản xuất, chế biến hoặc chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, mà nó lan rộng ra với bán kính hàng chục, hàng trăm km, không chỉ gây ảnh hưởng trên phạm vi địa bàn liên xã, liên huyện mà nhiều khi là liên tỉnh! Hàng trăm thậm chí hàng vạn người dân, hộ gia đình là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả do sự cố về môi trường mà pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm pháp luật gây ra; bệnh tật do hít thở không khí, do sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc, có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường; chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy đã trở thành hiện hữu. Tương tự như vậy, với các hành vi bị coi là hủy diệt nguồn lợi thủy sản; vi phạm về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; hủy hoại rừng;... mà một khi pháp nhân thương mại gây ra trong thời gian qua cho thấy là rất lớn, thậm chí cực lớn. Với những hậu quả do hành xả thải ra môi trường không đúng theo quy định, những thiệt hại đó có lớn không?
Vậy vấn đề đặt ra, liệu có khả thi không khi nhà làm luật vẫn quy định TTGN trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015?
Để pháp luật được áp dụng thống nhất, tạo lập sự công bằng cho các chủ thể trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự, tác giả đề xuất sau:
Một là, nghiên cứu loại bỏ TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại, vì không khả thi trong áp dụng và dễ phát sinh tiêu cực.
Hai là, nếu vẫn cứ giữ nguyên như quy định hiện hành, thì cùng với việc hướng dẫn chi tiết khi áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, cơ quan nhà nước thẩm quyền cũng cần hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn theo hướng quy định rõ giới hạn mức định lượng cụ thể với những trường hợp thiệt hại xảy ra mà Tòa án có thể áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi và đề xuất xoay quanh quy định TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.
 
Phạm Thị Hồng Đào  - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng
 
[1] Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:
1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).