Cần xác định đúng đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng

01/02/2015

Theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây và nay là Luật Xử lý vi phạm hành chính, về nguyên tắc xử lý hành chính thì cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Vì vậy, việc xác định đối tượng có hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng.
 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc xử phạt hành chính, một số trường hợp người có thẩm quyền xử phạt đã xác định sai đối tượng có hành vi vi phạm hành chính nên dẫn đến tình trạng xử phạt vi phạm hành chính không đúng đối tượng. Tình trạng này thường xảy ra đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực quốc phòng theo quy định của Nghị định số Nghị định 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 và nay là Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Theo quy định của các Nghị định này thì trong lĩnh vực thực hiện nghĩa vụ quân sự các hành vi vi phạm hành chính phổ biến được quy định tại các điều từ Điều 4 đến Điều 9, Mục I, Chương II, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP. Qua kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thì có một số trường hợp người có thẩm quyền xử phạt không phân biệt các hành vi vi phạm của đối tượng có hành vi: Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự (Điều 4); Vi phạm các quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 5); Vi phạm các quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 6); Vi phạm các quy định về nhập ngũ (Điều 7) với hành vi: Vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 9. Theo quy định của Nghị định thì chủ thể vi phạm các Điều 4, Điều 5, Điều 6 (trừ trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 2) và Điều 7 là những người thuộc diện phải thực hiện các nội dung trên theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Còn trường hợp vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 9 thì chủ thể vi phạm là chủ thể khác có thể là những người thân thích, có liên quan đến những người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc liên quan đến lĩnh vực này. Thực tế, qua mỗi đợt làm thủ tục và giao nhận quân hàng năm thì số lượng thanh niên đến làm thủ tục đăng ký, khám tuyển, nhập ngũ đều không đầy đủ như số lượng thông báo, lệnh điều động do đối tượng thanh niên này đang làm ăn ở địa phương xa (nhất là thanh niên vùng biển) hoặc cố tình trốn tránh. Vì vậy, UBND cấp xã đã tiến hành làm thủ tục, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng do đối tượng này không có mặt tại địa phương và xác định không đúng đối tượng vi phạm nên UBND các xã lo ngại sau khi ban hành quyết định xử phạt thì sẽ khó thực hiện đối với những thanh niên này nên các xã chuyển sang xử phạt những người thân như cha, mẹ, anh, chị của các thanh niên này về hành vi: Gây khó khăn, cản trở người có trách nhiệm thi hành các quy định về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự” được quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP (trước đây là Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP). Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Thông tư số 97/2014/TT-BQP ngày 07/7/2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì: “ Hành vi “cản trở” quy định tại Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP là hành vi do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, thể hiện bằng một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo hoặc thông báo chậm các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ.

b) Dùng lời nói, hành động ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần đối với người có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ về đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ”.

Quy định và hướng dẫn của Thông tư đã cụ thể, rõ ràng các dấu hiệu của hành vi cản trở. Tuy nhiên, trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu để làm rõ hành vi cản trở của những người này mà hồ sơ lưu trữ việc xử phạt lại thể hiện nội dung ngược lại. Cụ thể hồ sơ có lưu trữ các giấy tờ, chứng cứ chứng minh người bị xử phạt (cha, mẹ, anh, chị của người không đến khám sức khỏe) đã nghiêm túc nhận biên bản bàn giao lệnh điều động khám sức khỏe cho con, em; có giấy cam đoan họ sẽ có trách nhiệm thông tin kịp thời cho con, em biết và thực hiện đúng thời gian, địa điểm việc khám sức khỏe theo lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền; giấy cam đoan không cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của con, em và không có những hành vi khác nhằm mục đích cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của con hoặc em như quy định của Thông tư. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND cấp xã vẫn ra quyết định xử phạt. Do đó, việc xử phạt này là không có cơ sở và không đúng đối tượng có hành vi vi phạm hành chính bởi vì những người này không có hành vi vi phạm hành chính như Nghị định 120/2013/NĐ-CP đã quy định.

 Trong trường hợp này, nếu xử phạt hành vi “Gây khó khăn, cản trở người có trách nhiệm thi hành các quy định về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự” đối với  thân nhân của thanh niên thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự thì người có thẩm quyền xử phạt cần phải làm rõ hành vi gây khó khăn, cản trở của đối tượng được thể hiện, chứng minh bằng những nội dung cụ thể như không nhận lệnh điều động, không thông tin hoặc thông tin không kịp thời cho con, em biết việc điều động, có hành vi chống đối việc đăng ký nghĩa vụ, khám sức khỏe, nhập ngũ của con, em của những người này thì mới đảm bảo đúng tính chính xác về đối tượng vi phạm hành chính.

Từ thực tiễn nêu trên, mong rằng trong qua trình thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính, những người có thẩm quyền xử phạt cần thận trọng, chính xác hơn việc xử phạt của mình về đối tượng vi phạm. Điều này sẽ đảm bảo được tính minh bạch, công khai của pháp luật, nhất là các đối tượng bị xử phạt phải “tâm phục, khẩu phục” khi đã có hành vi vi phạm hành chính, tránh trường hợp phải hủy quyết định xử phạt nếu có khiếu nại, khởi kiện của người bị xử phạt.

                                                                                     Lê Kim Chinh