Tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm” cần được hướng dẫn thống nhất trong áp dụng

30/12/2014
 

“Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS. Đây là tình tiết giảm nhẹ được các nhà làm luật ghi nhận trước tiên trong 18 tình tiết giảm nhẹ TNHS của khoản 1 Điều 46 BLHS, nhưng thực tiễn xét xử các Toà án lại ít khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo khi quyết định hình phạt. Thực tế này theo tác giả có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn thống nhất nhận thức nhằm áp dụng đúng đắn tình tiết giảm nhẹ này, bởi lẽ, không phải trường hợp nào Toà án cũng áp dụng đúng với nội dung của tình tiết giảm nhẹ, mà không ít trường hợp do nhận thức hoặc do đánh giá không thống nhất nên khi áp dụng không đúng pháp luật, không có tác dụng đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Kể từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành cho đến nay, tuy chưa có hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền nhưng cũng đã có một số sách chuyên khảo, Bình luận khoa học chuyên sâu của các chuyên gia pháp luật có tên tuổi hoặc những bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành trao đổi về tình tiết giảm nhẹ này, nhưng chủ yếu dừng lại ở từng vụ án cụ thể, chưa có tính khái quát, tổng hợp để có thể áp dụng thống nhất đối với tất cả các trường hợp phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, để bạn đọc có nhiều thông tin khi nghiên cứu, tác giả xin nêu một số vụ án cụ thể với mong muốn cùng bạn đọc đưa ra các bình luận, trao đổi, nhằm góp phần làm sáng tỏ việc áp dụng pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử.

Vụ án thứ nhất: Sau khi uống rượu cùng với một số người bạn Trần Tuấn A. điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 72S9 – 8090 chạy phía sau xe mô tô biển kiểm soát 69C1 – 004.44 do Tăng Huỳnh Duyên điều khiển cùng tham gia giao thông trên đoạn đường Trần Cao Vân thuộc khu phố 6, phường 10, thành phố V., lúc này khoảng cách giữa 02 xe chừng 05 mét, do có việc riêng cần giải quyết gấp, Duyên tăng ga điều khiển xe chạy nhanh hơn và vượt qua mặt xe Honda đang chạy cùng chiều phía trước bên phải, thấy vậy A. cũng tăng ga đuổi theo, khi xe của A. vượt lên bên trái gần ngang bằng với xe của Duyên, thì bánh trước xe của A. va chạm vào gác chân phía trước bên trái xe mô tô của Duyên, làm cả 02 xe đều loạng choạng, xe của Duyên chạy thêm một đoạn khoảng 5 mét thì ngã xuống đường, riêng xe của A. lao sang trái đường đụng vào xe mô tô biển kiểm soát 51K9 – 177.06 do Thái Thanh Tú điều khiển, trên xe có chở anh Nguyễn Long Hải. Hậu quả do bị đa chấn thương vùng đầu nên Nguyễn Long Hải đã bị tử vong sau đó 2 ngày, Thái Thanh Tú bị gãy chân phải, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn qua giám định 40%. Riêng A. do quá hoảng sợ nên rời khỏi hiện trường, 3 ngày sau đến trình báo với Công an địa phương. Tại bản án hình sự sơ thẩm của TAND Tp. V. đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 202; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 BLHS, xử phạt bị cáo Trần Tuấn A. …

Vụ án thứ hai: Dương Công Th. điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 70F5-413.24 nhưng không có giấy phép lái xe theo quy định, phía sau chở Nguyễn Thị  Trang đang lưu thông trên đường liên huyện 615, đoạn thuộc ấp 13, xã Cẫm Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Đ., lúc này Th. phát hiện có một người phụ nữ điều khiển xe đạp chạy gần sát lề phải, cùng chiều phía trước, sau đó Th. quay mặt nhìn bên phải để nói chuyện với Trang, khi quay mặt nhìn phía trước, người phụ nữ điều khiển xe đạp chuyển hướng rẽ trái nhưng không phát tín hiệu xin đường, khi đến gần giữa lộ, khoảng cách giữa hai xe còn rất gần, Th. điều khiển xe chạy sang trái nhưng không kịp nên đã đụng vào xe đạp. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Th. cùng với Trang nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Trung tâm y tế xã Cẫm Hưng rồi chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn của nạn nhân Trần Thị Lình qua giám định 42%. Tại bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện C. áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 BLHS, xử phạt bị cáo Dương Công Th. …

Vụ án thứ ba: Đỗ Hữu M. điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 60N 3949 chở thức ăn gia súc đang lưu thông trên đường, khi cách ngã tư đường rẽ vào khu công nghiệp Long Hưng khoảng 50m, M. phát hiện phía trước có xe mô tô biển kiểm soát 51B 0809 do Nguyễn Kim Khánh điều khiển chạy giữa đường theo hướng chiều ngược lại, M. đạp phanh và đánh tay lái sang trái để tránh nhưng đạp nhầm chân ga nên xe đột ngột tăng tốc đâm thẳng vào quán cà phê, làm 4 người khách đang ngồi tại quán bị thương. Sau khi tai nạn xảy ra, M. cùng Đặng Phú (người phụ xế) gọi taxi đưa người bị nạn cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Khu vực I, rồi chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. HCM điều trị. Tỉ lệ thương tật vĩnh viễn của các nạn nhân qua giám định lần lượt là 72%, 45%, 43%, 39%. Tại bản án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã T, áp dụng khoản 2 Điều 202 BLHS; các điểm a, b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS, xử phạt bị cáo Đỗ Hữu M. …

Từ  nội dung quyết định của 03 bản án vừa nêu, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, các bị cáo trong 3 vụ án trên đều bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 202 BLHS;

Hai là, ở vụ án thứ hai và thứ ba các bị cáo rất tích cực thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đưa người bị nạn đi cấp cứu ngay sau khi tai nạn xảy ra, nhưng chỉ riêng có HĐXX trong vụ án thứ ba mới áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với bị cáo Đỗ Hữu M.“Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạmquy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS khi quyết định hình phạt.

Ba là, lẽ ra bị cáo Trần Tuấn A. (trong vụ án thứ nhất) phải đưa các nạn nhân đi cấp cứu, nhưng vì quá hoảng sợ nên rời khỏi hiện trường, bỏ mặc các nạn nhân đang trong tình trạng rất cần sự cứu giúp, sau đó, bị cáo ra “đầu thú” và tình tiết này được HĐXX xem xét áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ một phần TNHS đối với bị cáo. Đây là một thực tế rất thường được HĐXX chấp nhận khi xét xử các vụ án giao thông.

Vì sao lại có những sự không thống nhất như vậy? Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng: Như trên đã đề cập, kể từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành cho đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn thi hành BLHS, trong đó có một số tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết giảm nhẹ TNHS “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạmquy định tại điểm a khoản 1 của Điều luật này. Chính vì lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến sự  tồn tại thực trạng khá phổ biến hiện nay đối với cán bộ làm công tác xét xử, đó là những gì đã được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền thì nghiên cứu áp dụng cho phù hợp với từng vụ án cụ thể, ngược lại tuyệt đối không áp dụng vì họ cho rằng qua công tác giám đốc, kiểm tra dễ bị nhận xét là áp dụng không chính xác. Bởi thế, trong nhiều trường hợp việc vận dụng tình tiết này xuất phát từ niềm tin nội tâm, bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán, vì trên thực tế khó có thể chứng minh thật sự thuyết phục  tác hại của tội phạm được người phạm tội ngăn chặn, làm giảm bớt đi một cách rõ rệt, do sự ngăn chặn, làm giảm bớt đi tác hại đó không thể quy đổi thành những định lượng cụ thể, mà sự đánh giá hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan. Chẳng hạn ở với vụ án thứ hai có ý kiến cho rằng do được đưa đi cấp cứu kịp thời nên tính mạng của người bị hại Trần Thị Lình không bị đe dọa, vì tuy chỉ bị gãy xương đùi, nhưng vẫn có thể bị mất máu cấp dẫn đến tử vong, nên hành động kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu của bị cáo Th. thật sự có tác dụng trên thực tế nên cần thiết phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo là mới thỏa đáng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc bị cáo kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay sau thời điểm tai nạn xảy ra, là nghĩa vụ, trách nhiệm của người đã gây ra tai nạn, nghĩa là trong trường hợp đó, pháp luật buộc người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn phải có hành xử như thế mới phù hợp, nên không thể coi việc người lái xe gây tai nạn đưa người bị nạn đi cấp cứu là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình phạt, vì theo Điều 38 Luật GTĐB quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông:

“1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a. Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b. Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c.…”.

Trở lại vụ án thứ nhất, sau khi tai nạn xảy ra bản thân A. tuy có bị xây xát nhẹ, nhưng không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe chính mình, lẽ ra A. nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, nhưng vì quá hoảng sợ nên A. lặng lẽ rời khỏi hiện trường về nhà người thân của mình để trốn và nghe ngóng tình hình, bỏ mặc các nạn nhân. Việc làm đó của A. đã vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 38 Luật GTĐB; sau đó A. đến trình báo với Công an phường về sự việc phạm tội của mình, khi xét xử Tòa án coi việc bị cáo “đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ TNHS, nên áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS. Điều này sẽ là không hợp lý và không công bằng, nếu so sánh với trường hợp của bị cáo Dương Công Th. (vụ án thứ hai), bị cáo Th. đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm của người gây ra tai nạn trong việc cấp cứu người bị nạn, thì lại không được HĐXX xem xét giảm nhẹ TNHS, vì theo quan điểm của HĐXX việc làm đó là trách nhiệm của người đã gây ra tai nạn! Nhưng ngược lại đối với bị cáo A. (vụ án thứ nhất), bị cáo này chẳng những không thực hiện trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu (dù bản thân bị cáo có điều kiện), cũng không ở lại hiện trường cho đến khi người của cơ quan công an đến, nghĩa là bị cáo A. đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình phải làm mà pháp luật quy định, thì lại không phải chịu bất cứ chế tài nào, không những thế khi xét xử còn được HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “đầu thú” theo khoản 2 Điều 46 BLHS. Rõ ràng đây là bất cập lớn đang tồn tại khá phổ biến trong công tác xét xử loại án giao thông hiện nay.

Một nguyên nhân nữa khiến cho việc rất ít khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS của nhiều HĐXX khi xét xử các vụ án giao thông, đó là cán bộ làm công tác xét xử thiếu sự phân biệt rạch ròi giữa các tình tiết“Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm”; “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả”. Họ cho rằng sau khi gây ra tai nạn, việc người gây ra tai nạn đưa nạn nhân đi cấp cứu là biểu hiện của tình tiết “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả” nên cùng với việc tự nguyện bồi thường thiệt hại thể hiện trong hồ sơ vụ án, HĐXX xem xét áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ TNHS là đã xem xét đến tình tiết đưa người bị nạn đi cấp cứu. Trong khi đó, khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Ví dụ, ngay sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản thì bị những người hàng xóm phát hiện truy hô, người phạm tội không cố tẩu thoát mà tự nguyện mang tài sản đã chiếm đoạt được trả lại cho chủ sở hữu, trong trường hợp này có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả”.

Bản chất của tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm”, đó là hành động của người phạm tội trong trường hợp này phải có tác dụng thật sự làm giảm tác hại, ngăn chặn bớt hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Tuy họ có hành động nhưng không mang lại hiệu quả thì đương nhiên không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Quy định của Điều luật này là người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại chứ không quy định đã ngăn chặn được tác hại của tội phạm và cũng không quy định đã ngăn chặn, làm giảm bớt thiệt hại. Cần lưu ý khái niệm tác hại và thiệt hại không đồng nhất với nhau, nhưng  trong phạm vi hẹp sự thiệt hại và tác hại có thể giống nhau, ví dụ gây thương tích cho người khác thì sự thiệt hại và tác hại là một, nhưng với trường hợp một người thực hiện hành vi buôn bán trái phép chất ma túy thì thiệt hại của tội phạm là số lượng chất ma túy buôn bán trái phép, trong khi tác hại là những ảnh hưởng xấu của chất ma túy đối với xã hội, sức khỏe con người, nên trong trường hợp này thì tác hại và thiệt hại không phải là một.

Theo Từ điển Tiếng Việt, do GS Hoàng Phê (chủ biên), NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, ấn hành năm 1998, tại trang 851có ghi: Tác hại (đg hoặc dt) Gây ra điều hại đáng kể. Một sai lầm tác hại đến toàn bộ công việc; Điều hại đáng kể gây ra. Tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, tại trang 910 cũng có ghi: Thiệt hại (tt hoặc dt) bị tổn thất hư hao về người và của. Mùa màng bị thiệt hại vì trận bão. Không có thiệt hại về người. Gây ra thiệt hại. Hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Hành động ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại có thể do người phạm tội tự nguyện thực hiện, cũng có thể do người khác khuyên bảo hoặc bắt buộc làm. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ phụ thuộc vào thái độ mong muốn ngăn chặn tác hại của tội phạm của người phạm tội đối với việc ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại. Nếu họ tự hành động thì sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhiều hơn so với trường hợp phải để người khác khuyên bảo hoặc bắt buộc làm.

Qua phân tích và từ thực tiễn xét xử, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, để bảo đảm tính pháp chế XHCN kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành hướng dẫn nhằm thống nhất trong nhận thức và áp dụng trong thực tiễn tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạmnói riêng và một số tình tiết giảm nhẹ TNHS khác cũng chưa được hướng dẫn được quy định tại khoản 1 Điều luật này, như : Phạm tội trong trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng,…

Hai là, xuất phát từ nguyên tắc có lợi cho bị cáo, kiến nghị quy định theo hướng không hạn chế áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS nào, cho dù tình tiết giảm nhẹ TNHS đó là nội dung của quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm phải thực hiện của người thực hiện hành vi phạm tội, mà trên thực tế họ đã thực hiện. Như trên đã phân tích, việc đưa người bị nạn đi cấp cứu theo quy định của Luật GTĐB là trách nhiệm của người gây ra tai nạn, nhưng nếu họ tích cực thực hiện đúng quy định này và trên thực tế việc ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm có hiệu quả thì nên cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS.

Ba là, cần quy định rõ trường hợp người gây ra tai nạn mà không thực hiện trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu trong khi có điều kiện là tình tiết tăng nặng TNHS, có như vậy mới bảo đảm sự công bằng trong áp dụng pháp luật.

  Th.S Lê Văn Sua - Tòa án quân sự khu vực 1 – QK 9