Một số vấn đề về công tác thi hành án trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

06/11/2014
 

Đặt vấn đề

Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những tiêu chí để đánh giá về sự văn minh và phát triển của một xã hội. Xây dựng một chế độ, chính sách BHXH ưu việt là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước và cũng là mong muốn của đông đảo người dân trong xã hội. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ, chính sách BHXH. Luật BHXH được ban hành năm 2006 đã quy định về chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH; tổ chức BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH. Cùng với Luật BHXH, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng ban hành nhiều VBQPPL quan trọng khác quy định về các biện pháp nhằm giải quyết một cách tốt nhất các vấn đề về BHXH như Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ, chính sách về BHXH.

Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chế độ, chính sách về BHXH cũng như thực hiện các văn bản văn bản pháp luật nêu trên đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ, chính sách về BHXH, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện chế độ, chính sách về BHXH đặc biệt là công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH có nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của người lao động. Để khắc phục tình trạng này, cần xem xét, đánh giá một cách khách quan thực trạng công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH, chỉ ra những hạn chế bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực này.

I. Thực trạng công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

1. Số liệu về thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH: theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH tham gia tố tụng dân sự với 02 tư cách: (1) là bị đơn dân sự hoặc (2) là nguyên đơn dân sự.

Với tư cách là nguyên đơn dân sự, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, từ năm 2010 - 2013, cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án, với số nợ là 1.790 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được trên 733 tỷ, trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỷ, đạt tỷ lệ 15%; qua xét xử là 463,8 tỷ, đạt tỷ lệ 26%.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác thi hành án nhưng số bản án được thi hành chỉ đạt 77% (1.202 đơn vị) và số tiền thu được chỉ đạt 41% tổng số nợ BHXH đề nghị thu hồi.

Qua số liệu nêu trên cho thấy, thực tế hiện nay còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực BHXH không được thi hành. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

2. Một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH

Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực BHXH đã có những kết quả nhất định, song thực tiễn thực hiện công tác này vẫn còn có nhiều hạn chế và khó khăn, vướng mắc, trong đó, nổi bật là những vấn đề sau đây:

2.1. Về việc xác minh điều kiện thi hành án: xác minh điều kiện thi hành án dân sự là việc thu thập thông tin về tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân phải thi hành án tại cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Đây là một căn cứ quan trọng để việc thi hành án dân sự được xử lý đúng pháp luật với các bước tiếp theo. Vì vậy, trong mọi trường hợp, việc thi hành án dân sự đều không thể bỏ qua việc xác minh về điều kiện thi hành án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đơn yêu cầu thi hành án phải có "thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án". Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung quy định và người được thi hành án không yêu cầu xác minh, thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện việc “thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án trước khi ra quyết định thi hành án” theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ. Như vậy, một điều kiện quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn yêu cầu thi hành án là “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” mà người được thi hành án phải cung cấp. Để có được thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì cơ quan BHXH phải tự mình xác minh điều kiện thi hành án của đơn vị phải thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, việc tìm kiếm thu thập thông tin về tiền, tài sản của đơn vị phải thi hành án là vô cùng khó khăn, dẫn đến không đủ điều kiện yêu cầu thi hành án. Mặt khác, quy định này chưa cụ thể về biện pháp xử lý trong trường hợp đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án vẫn không cung cấp thông tin hoặc không yêu cầu Chấp hành viên xác minh tài sản, như: trường hợp người được thi hành án cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án hoặc có yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành xác minh theo thông báo của cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án có được tiến hành việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định và thụ lý thi hành án không? Thủ trưởng cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án nhưng có cần thông báo cho đương sự biết không ?.

Ngoài ra, BHXH các tỉnh, huyện đều gặp khó khăn trong công tác xác minh điều kiện thi hành án do đơn vị nợ BHXH không hợp tác cung cấp số tài khoản, thông tin về tài sản hiện có theo yêu cầu hoặc cung cấp thông tin không chính xác gây khó khăn cho việc thi hành án. Nhiều trường hợp không có tài sản trên thực tế để cưỡng chế. Có trường hợp, cơ quan thi hành án yêu cầu cơ quan BHXH phải tự xác minh, nếu quá thời hạn do cơ quan thi hành án yêu cầu mà cơ quan BHXH không xác minh và chứng minh được điều kiện thi hành án của đơn vị nợ BHXH, thì cơ quan thi hành án dân sự địa phương trả lại đơn yêu cầu.

2.2. Về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án: thực tế cho thấy, mặc dù cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế bằng việc áp dụng các biện pháp khác nhau như: khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá; kê biên, xử lý tài sản, v.v... nhưng việc thi hành án đối với các đơn vị nợ BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do một số ít đơn vị nợ BHXH khi bị cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản để thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động thì tài khoản đã bị cầm cố, thế chấp cho ngân hàng để kinh doanh, ngân hàng đã thu nợ trước (nợ có bảo đảm) và các khoản nợ có đảm bảo khác hoặc có đơn vị cố tình tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc tìm cách tác động làm sai lệch kết quả xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến việc hoãn thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án, v.v.....

2.3. Một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc khác:

- Thời hạn thi hành án kéo dài từ khi cơ quan thi hành án thụ lý hồ sơ đến khi ra quyết định thi hành án dẫn đến tình trạng đơn vị nợ BHXH bỏ trốn, tẩu tán tài sản, không còn tài sản để thi hành án.

- Một số đơn vị nợ BHXH có trụ sở chính ở một tỉnh xác định nhưng lại có chi nhánh ở nhiều tỉnh khác nhau, tham gia BHXH tại nhiều tỉnh khác nhau nên khó khăn cho công tác khởi kiện, thi hành án của cán bộ cơ quan BHXH do cơ quan thi hành án thực hiện việc ủy thác thi hành án, khó khăn trong việc đi lại của cán bộ cơ quan BHXH và thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án tại địa phương khác.

- Nhiều đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện sau khi được Tòa án hòa giải thành công với lộ trình trả nợ cụ thể nhưng không thực hiện đúng cam kết với cơ quan BHXH.

- Có trường hợp đơn vị nợ BHXH vẫn đang hoạt động nhưng không thi hành án, khi cơ quan BHXH yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp bảo đảm như tạm giữ tài sản, giấy tờ và các biện pháp khác nhưng cũng không khả thi.

- Cán bộ của BHXH tỉnh, cấp huyện được giao nhiệm vụ tham gia công tác tố tụng, khởi kiện đơn vị nợ BHXH không có chuyên môn về tố tụng nên khó khăn trong việc lập hồ sơ khởi kiện, tham gia tố tụng và thi hành án.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc

3.1. Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự nói chung:

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành có lúc còn chưa kịp thời và thiếu quyết liệt; việc kiểm tra công tác phân loại hồ sơ thi hành án tuy đã được quan tâm, nhưng chuyển biến còn chậm.

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự còn chưa thường xuyên; trình độ của cán bộ, công chức thi hành án dân sự chưa thực sự đồng đều.

- Quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án dân sự có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, nhất là việc xây dựng, ban hành VBQPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự.

- Quá trình tổ chức thi hành án dân sự phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, nhiều vụ việc thi hành án bị kéo dài, không thể thi hành dứt điểm ngay được.

- Có một số bản án không rõ ràng, khó thi hành; có những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải xét xử lại nhiều lần, kết quả các lần xét xử lại trái ngược nhau, đặc biệt là, có một số vụ việc, cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong nhưng bản án bị Tòa án kháng nghị, hủy bỏ đã gây khó khăn, phức tạp cho việc thi hành án và xử lý hậu quả của việc kháng nghị đó.

- Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án chưa cao; vẫn còn trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài, gây khó khăn cho việc thi hành án.

3.2. Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong trong công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH: bên cạnh nguyên nhân nêu trên, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của hoạt động thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH còn do một số nguyên nhân sau đây:

- Việc thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH không được thường xuyên và kịp thời, khiến tình trạng nợ BHXH ngày càng phức tạp. Việc thu hồi nợ đọng do cơ quan BHXH thực hiện, nhưng cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt mà chỉ có quyền đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

- Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong thi hành án giữa các cơ quan có liên quan khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản của các đơn vị bị khởi kiện.

- Sự quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin về tình trạng của doanh nghiệp không chính xác, làm cho việc xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn; một số ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định đối với những đơn vị có tiền gửi ở ngân hàng.

- Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có một số bất cập. Ví dụ: (1) trình tự, thủ tục thi hành án vẫn còn phức tạp, nhiều công đoạn, vì vậy quá trình thi hành án bị kéo dài; (2) chưa có cơ chế để đương sự tham gia một cách tích cực vào quá trình thi hành án; (3) chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc người phải thi hành án chây ỳ, cố tình kéo dài thi hành án và không tự nguyện thi hành án; (4) việc áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với người phải thi hành án không được quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh để răn đe, v.v...

- Quy định của Luật Thi hành án dân sự và pháp luật về BHXH về việc thu khoản tiền là thu nhập của người phải thi hành án không thống nhất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự, thì trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án, đồng thời khoản 4 Điều 78 quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, BHXH nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của chấp hành viên. Tuy nhiên, pháp luật về BHXH, lao động không quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý người lao động trong việc khấu trừ tiền lương của người lao động, người hưởng BHXH theo yêu cầu của cơ quan THADS. Ngày 28/11/2002 BHXH Việt Nam có Công văn hướng dẫn  số 3077/BHXH-QBC của BHXH Việt Nam, theo đó  “trường hợp đối tượng được hưởng BHXH là đương sự bị cưỡng chế thi hành án thì BHXH cấp tỉnh phải thông báo ngày chi trả tiền bảo hiểm cho cơ quan THADS biết để phối hợp thực hiện cưỡng chế, không được tự ý trích tiền của đối tượng”. Theo tinh thần đó, thì không cho phép cơ quan thi hành án trực tiếp khấu trừ tiền bảo hiểm của người phải thi hành án.

II. Một số kiến nghị, đề xuất

Từ thực trạng trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

1. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thi hành án dân sự

1.1. Quy định theo hướng, không yêu cầu nguyên đơn có trách nhiệm cung cấp và chứng minh tài sản của bị đơn.

1.2. Quy định các biện pháp chế tài có hiệu quả đối với cá nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự. Hiện nay, hiện tượng cá nhân, tổ chức không phải là đương sự nhưng có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự không thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên diễn ra khá phổ biến như: không cung cấp thông tin về tài sản; không chấp hành quyết định của Chấp hành viên; không hợp tác với cơ quan thi hành án trong xác minh, cưỡng chế thi hành án... nhưng thiếu những chế tài có hiệu quả. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, vụ việc thi hành án bị kéo dài; quyền lực nhà nước trong những trường hợp này không được thực thi; giảm hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.

1.3. Quy định rõ những biện pháp chế tài đối với cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, theo hướng:

- Bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án chủ động hơn trong việc tham gia vào các hoạt động thi hành án dân sự, là trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự, nhất là trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu. Theo đó, tăng cường vai trò, quyền và trách nhiệm của người được thi hành án: được quyền chỉ định việc kê biên tài sản (loại tài sản, tài sản nào trước, tài sản nào sau...) của người phải thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu thi hành án của mình.

- Quy định cụ thể chế tài đối với người phải thi hành án nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.

- Quy định một số biện pháp nhằm bảo đảm thi hành án đối với các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước.

- Bổ sung quy định đối với cá nhân, tổ chức không phải là đương sự, có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự nhưng không thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên như: không cung cấp thông tin về tài sản; không chấp hành quyết định của Chấp hành viên; không hợp tác với cơ quan thi hành án trong xác minh, cưỡng chế thi hành án..., cần quy định rõ những biện pháp chế tài đối với cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.

1.4. Xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng theo đúng tính chất của công việc: sự phối hợp giữa hoạt động xét xử và thi hành án không đồng bộ dẫn đến các hệ quả việc thi hành án bị chậm do trong quá trình điều tra, xét xử, không áp dụng kịp thời, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn; án tuyên không rõ hoặc khó thi hành; Tòa án không kịp thời giải thích bản án, quyết định; khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm không xem xét đến kết quả thi hành án đã được thực hiện, v.v. Việc không xác định rõ hoạt động thi hành án là tố tụng có tính chất hành chính hay tư pháp đã dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự chịu sự kiểm tra, giám sát của quá nhiều cơ quan. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời, việc không xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng có tính chất tư pháp đã ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan thi hành án dân sự trong hoạt động mà cần tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật.

1.5. Xác định vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự: xác định thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng, là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, Toà án phải có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình ban hành; không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa Toà án với cơ quan thi hành án dân sự.

1.6. Quy định rõ cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành ra phải có tính khả thi, Tòa án kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phục vụ cho việc thi hành án; quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã được thi hành xong nhưng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm làm thay đổi các nội dung đã quyết định trước đó.

1.7. Cơ quan BHXH không phải nộp các khoản chi phí liên quan đến thi hành án về BHXH (vì đây thuộc trường hợp bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng).

1.8. Ngoài ra, một số quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, kể cả một số quy định thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự chưa được hướng dẫn cụ thể, vì vậy, việc áp dụng chưa thống nhất trong thực tế và gây khó khăn cho người được thi hành án (quy định người được thi hành án cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án...).

1.9. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự: thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý để các đương sự tự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, những thành công bước đầu trong việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đã khẳng định việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự là đúng đắn, hiệu quả. Vì vậy, Luật Thi hành án dân sự cần có những quy định tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng về xã hội hoá trong hoạt động thi hành án dân sự bằng việc bổ sung quy định khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hoá trong hoạt động thi hành án dân sự; bổ sung quy định về việc chi trả thù lao cho người phát hiện, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện của người phải thi hành án nhằm thu hút nhiều hơn sự tích cực của cá nhân, tổ chức không phải là đương sự tham gia vào quá trình thi hành án dân sự; đồng thời góp phần hạn chế hành vi chây ỳ, tẩu tán tài sản trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

2. Cơ quan Thi hành án dân sự cần ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp theo hướng:

2.1. Chủ động thi hành các bản án, quyết định của Toà án về BHXH, rút ngắn thời gian thi hành án, tránh hiện tượng doanh nghiệp tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

2.2. Không yêu cầu cơ quan BHXH cung cấp, chứng minh tài sản của đơn vị bị thi hành án.

3. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan Thi hành án dân sự

3.1. Cơ quan BHXH và cơ quan Thi hành án dân sự cần nghiên cứu, xây dựng và tiến hành ký kết các Quy chế phối hợp trong thi hành án trong lĩnh vực BHXH.

3.2. Cơ quan BHXH cần có cơ chế hỗ trợ về nguồn lực đối với hoạt động thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH như: con người, tài chính và các điều kiện bảo đảm khác.

Ngô Thị Huyền - Vụ Các Vấn đề chung về xây dựng pháp luật