Tìm hiểu thêm về học thuyết trách nhiệm thay thế trong khoa học luật hình sự

19/06/2014

Theo quan niệm và luận giải của khoa học luật hình sự truyền thống cũng như pháp luật hiện hành của một số quốc gia trên thế giới thì cơ sở của trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm. Nói cách khác, cơ sở của trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi cấu thành tội phạm của một chủ thể nhất định – đáp ứng các yêu cầu chủ thể của pháp luật hình sự. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được hành vi phạm tội và yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi đó. Quan điểm tội phạm là một thể thống nhất giữa các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan đã được thừa nhận chung trong lý thuyết truyền thống về tội phạm. Điều này hoàn toàn đúng khi trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với thể nhân (một con người cụ thể).

Tuy nhiên, đối với pháp nhân mà người ta hay gọi là “con người pháp lý” hay “chủ thể pháp lý” được hình thành nên bởi sự kết hợp của nhiều thể nhân và “hành vi” của nó được thực hiện thông qua các thể nhân cụ thể, thì lý thuyết truyền thống trở nên bất cập. Để giải quyết những vướng mắc về mặt lý luận trong việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, các nhà luật học trên thế giới đã đưa ra các học thuyết làm nền tảng và luận giải cho vấn đề này.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến vấn đề xác lập căn cứ trách nhiệm pháp lý hình sự của pháp nhân, qua các bài viết tác giả xin trình bày một số luận thuyết trên thế giới về vấn đề này mà trước tiên đó là “Học thuyết trách nhiệm thay thế” (vicarious liabiliti) với tư cách là một học thuyết nền tảng khi xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân để bạn đọc tham khảo:

Trong khoa học pháp lý học thuyết trách nhiệm thay thế là hình thức đặc trưng trong luật dân sự. Theo đó thuyết áp đặt trách nhiệm lên người đứng đầu hoặc pháp nhân đối với hành vi của người làm công hoặc đại lý. Ở đây theo cách luận giải của học thuyết này, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của bất kỳ người làm công hay đại lý của mình nếu giữa pháp nhân và người làm công hay đại lý đó có mối quan hệ ràng buộc theo pháp luật hoặc hợp đồng. Học thuyết này được phát triển có nguồn gốc từ lĩnh vực trách nhiệm dân sự, được áp dụng trong lĩnh vực hình sự chủ yếu là đối với các tội phạm chịu trách nhiệm tuyệt đối.

Để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân theo học thuyết này, cần: Thứ nhất phải xác định người làm công hoặc đại lý có hành vi cấu thành tội phạm theo quan niệm truyền thống; Thứ hai phải “áp đặt” trách nhiệm hình sự của các cá nhân đó lên pháp nhân dựa trên mối quan hệ pháp lý giữa họ trên cơ sở quy định của pháp luật về đại lý hoặc làm công. Nói cách khác, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do đại lý hay người làm công thực hiện trong những điều kiện xác định.

Theo học thuyết trách nhiệm thay thế, bất cứ điều gì mà người làm công, người làm đại lý cho pháp nhân thực hiện trên cơ sở mối quan hệ giữa pháp nhân với nhân viên theo quy định của pháp luật đều được coi là chính của pháp nhân thực hiện. Người làm công, làm đại lý phải thực hiện những công việc mà pháp nhân giao, đồng thời phải tuân thủ những nội quy, quy định, quy trình mà pháp nhân đề ra đối với công việc trong phạm vi chức trách của họ. Cho nên, khi có sai phạm của người làm công, người làm đại lý thì pháp nhân phải gánh chịu. Ngoài ra “Vicarious liability” còn được hiểu là trách nhiệm pháp lý của một người về hành vi  phạm tội của người khác thường đó là người làm thuê nhưng đôi khi cũng là người ký hợp đồng hay người đại lý độc lập mặc dù người chịu trách nhiệm không phải là người có lỗi. Người chủ chịu trách nhiệm thay cho các nhân viên của mình khi ra lệnh hoặc cho phép nhân viên của mình thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc hành vi này xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các nhân viên dưới quyền.  

Trách nhiệm thay thế được áp dụng không chỉ vì nó lý giải mang tính hợp lý, gần gũi với pháp luật dân sự, pháp luật hành chính mà còn vì hiệu quả thực tế mà nó mang lại. Việc buộc pháp nhân phải gánh chịu những hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của người làm công, người làm đại lý (bao gồm hình phạt, bồi thường thiệt hại,...) sẽ có tính hiệu quả hơn vì thông thường pháp nhân có khả năng tài chính tốt hơn người làm công, người làm đại lý. Ngoài ra, việc áp dụng trách nhiệm hình sự buộc pháp nhân phải có những biện pháp hạn chế, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên, nâng cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát nhân viên, đòi hỏi nhân viên thực hiện các hoạt động phù hợp pháp luật. Trong thực tế, thuyết này được áp dụng rất chặt chẽ, nó đòi hỏi mối quan hệ lệ thuộc giữa người chủ và người lao động đã thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự đối với người chủ (người sử dụng lao động).

Như vậy nếu áp dụng học thuyết này thì có thể xử lý hình sự và buộc pháp nhân/con người pháp lý phải chịu trách nhiệm hình sự đối với nhiều loại tội phạm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, học thuyết trách nhiệm thay thế có phạm vi quá rộng khi nó quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp bất kỳ một nhân viên, người ký hợp đồng hay đại lý nào không phân biệt chức vụ hay vị trí công tác có hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân. Điều này càng bất cập trong thời đại toàn cầu hóa với sự hình thành các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn có hàng ngàn nhân công với nhiều vị trí, vai trò, nhiệm vụ khác nhau làm việc trên nhiều vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia khác nhau mà thậm chí ông chủ/người sử dụng lao động chưa bao giờ biết mặt họ và kiểm soát được họ đang làm việc gì và ở đâu.

Cũng có luận điểm phê phán thuyết này vì cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi cá nhân và hậu quả của hành vi phạm tội, bởi vì lỗi và hậu quả do hành vi phạm tội của một người lại bị quy kết một cách tự động cho người khác, mặc dù không có lỗi cá nhân từ phía họ. Bên cạnh đó cũng có quan điểm cho rằng nguyên tắc này là đối lập với các nguyên tắc cơ bản của một nền tư pháp dân chủ.

Hiện nay, lý thuyết trách nhiệm hình sự thay thế hiện còn được áp dụng bởi các toà án của một số quốc gia như Anh, Mỹ nhưng bị loại bỏ bởi thực tiễn xét xử cũng như trong pháp luật thực định ở một số nước/nó không còn được xem như là cơ sở của trách nhiệm hình sự pháp nhân, nhất là liên quan tới các tội phạm đòi hỏi yếu tố lỗi.

Ths. Vũ Hoài Nam – NXBTP – Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo

1, Phạm vi và điều kiện áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong luật hình sự của Anh – TS. Trịnh Quốc Toản.

2, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn – TSKH Lê Cảm - Tạp chí Toà án nhân dân số 4/2000.

3, GS-TSKH. Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý TNHS, Tạp chí Nhà nư­ớc và pháp luật, số 9/1999;

4, PGS-TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không?;

5, Hoàng Thị Tuệ Phương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân, Luận văn Thạc sỹ luật học, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

6, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu hành vi – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

7, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu lỗi – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

8, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu hình phạt – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

9, I. H. Leigh, The criminal liability of corporations in English law (1969).