Ủy quyền và những điểm cần lưu ý

19/03/2013
Do tính chất tự nguyện thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch, chế định ủy quyền đang bị lạm dụng rất nhiều, thậm chí vượt quá khả năng cho phép của chế định ủy quyền mà theo luật định cũng như nội hàm ý nghĩa của ủy quyền. Mục đích của việc lạm dụng này có thể nhằm che giấu một giao dịch có thật, hợp thức hóa để thực hiện một số thủ tục hành chính có liên quan, hoặc đôi khi nhằm đem lại cho một bên chủ thể cảm giác “yên tâm” để đảm bảo quyền lợi của mình. Ví dụ cụ thể cho thấy sự lạm dụng này chính là nội dung Công văn số 1133/TCT-TNCN ngày 05/4/2011 của Tổng cục thuế. Sự lam dụng này không chỉ nằm trong ý thức của những người dân hiểu biết pháp luật hạn chế, mà còn trong cả ý thức của những người đang nắm giữ những vị trí đại diện cho các tổ chức ký kết các hợp đồng kinh tế, dân sự hằng ngày, thậm chí là phê duyệt cấp tín dụng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ phân tích những điểm đặc biệt và hạn chế của ủy quyền mà hiện tại đang bị hiểu nhầm rất nhiều trong hoạt động cấp tín dụng.

Điều 581 Bộ luật dân sự (BLDS) định nghĩa: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định". Khoản 1 điều  142 BLDS quy định: "Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện". Như vậy, người được ủy quyền là người đại diện cho người ủy quyền theo thỏa thuận giữa các bên. Do vậy, ngoài các điểm đặc thù của chế định đại diện thì người được ủy quyền còn chịu sự ràng buộc theo các quy định của pháp luật về hợp đồng ủy quyền.

1. Đại diện theo ủy quyền và những điểm cần lưu ý :

a. Chủ thể được phép tham gia với tư cách là người nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân, con người cụ thể.

Đây là điểm đặc biệt vì trong đời sống pháp luật có rất nhiều chủ thể khác nhau. Đó có thể là một cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoặc pháp nhân, tổ chức, nhưng người đại diện cho tất cả những chủ thể này phải là một con người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật. (Xem khoản 5, điều 139 và được khẳng định lại ở điều 143 BLDS).

- Đối với cá nhân, năng lực pháp luật là khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự. Nó có từ khi con người sinh ra cho đến khi con người chết đi và không thể đương nhiên bị bác bỏ, hạn chế ngoại trừ pháp luật quy định trong những trường hợp đặc biệt. Điểm đặc biệt là mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự. Vì vậy, nếu người đại diện không có năng lực pháp luật thì đương nhiên người đó không thể có đủ khả năng để làm người đại diện. Khác với cá nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân, tổ chức không mặc nhiên mà có. Nó chỉ tồn tại khi pháp nhân, tổ chức đó tồn tại và chấm dứt khi pháp nhân, tổ chức đó không còn. Năng lực pháp luật của pháp nhân hay tổ chức phải phù hợp với mục đích hoạt động của nó. Điều này sẽ dẫn đến việc năng lực pháp luật của các pháp nhân, tổ chức khác nhau sẽ có sự khác nhau. Sự khác nhau này thể hiện ngay ở chính mục đích và lĩnh vực hoạt động mà điều lệ của tổ chức đó ghi nhận và cho phép. Hoạt động của pháp nhân không thể ra ngoài phạm vi khuôn khổ điều lệ của mình (Xem điều 88 BLDS) và giới hạn pháp luật cho phép thực hiện.

- Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (điều 17 BLDS). Chỉ có thông qua những hành vi cụ thể của mỗi một cá nhân con người mới có thể tác động đến những chủ thể khác, tác động đến tài sản và xác lập các quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với người khác. Tuy nhiên, đối với các chủ thể không phải là cá nhân thì tự thân nó không thể có hành vi, mà phải thông qua người đại diện mới có thể tạo ra các mối quan hệ với những chủ thể khác. Các hoạt động của pháp nhân, tổ chức hoặc một nhóm người đối với một người thứ ba sẽ phải thông qua người đại diện để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động, và về nguyên tắc sẽ chỉ có duy nhất một người đại diện. Chúng ta sẽ thấy mặc dù chỉ có duy nhất một người đại diện cho một tổ chức nhưng tại cùng một thời điểm, một tổ chức có cùng lúc nhiều hoạt động, nhiều mối quan hệ khác nhau do nhiều người cùng lúc đại diện cho tổ chức đó để thực hiện. Tất cả các tư cách đại diện đó đều xuất phát từ cơ chế ủy quyền của người đại diện theo pháp luật mà có. Người được đại diện này cũng luôn phải đảm bảo có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Như vậy, một pháp nhân có thể là đại diện cho một cá nhân hay trong các mối quan hệ dân sự được hay không? Trong thực tế, có một số trường hợp đặc biệt chúng ta vẫn thấy có sự tồn tại của cơ chế đại diện này. Tuy nhiên, những trường hợp này không chỉ đơn thuần là cơ chế đại diện theo ủy quyền. Như đã nói, điểm đặc biệt ở đây là pháp nhân, tổ chức đó, trong khuôn khổ điều lệ hoạt động của mình hoặc được pháp luật ghi nhận, phải có nội dung hoạt động về các lĩnh vực có thể đại diện đó, và thông thường nó chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động mang tính chất dịch vụ hoặc những hoạt động, công việc cụ thể. Trong một số trường hợp đặc thù được luật pháp ghi nhận, vì một mục tiêu, nhiệm vụ nhất định, một số tổ chức cũng được giao quyền đại diện cho các cá nhân trong một phạm vi những quan hệ khá đặc biệt (các tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em….). Trong một số trường hợp khác, cơ chế đại diện vẫn là những hợp đồng giữa các bên nhưng nó chỉ có thể gói gọn trong phạm vi hoạt động kinh doanh ngành nghề đã được đăng ký như hoạt động đấu giá, hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ chứng khoán…. Thông thường, những hoạt động đại diện này mặc dù thuộc phạm vi hoạt động của một tổ chức nhưng lại gắn chặt với từng con người cụ thể, thỏa mãn một số yêu cầu, điều kiện của pháp luật thì mới có khả năng thực hiện được, hoặc người thực hiện nghiệp vụ của tổ chức phải thỏa mãn một số yêu cầu, điều kiện của pháp luật.

b) Người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người khác khi thực hiện việc đại diện:

Mặc dù người đại diện có thể có những quyền năng rất lớn (theo thỏa thuận hoặc pháp luật cho phép) nhưng tất cả mọi công việc, hoạt động, hành vi của người đại diện luôn phải được thực hiện vì lợi ích của người được đại diện. Người đại diện hoạt động không nhân danh chính bản thân mình và không được vì lợi ích của mình. Bản chất của đại diện đã là vì người khác, vì vậy người đại diện phải nỗ lực hết mình để thực hiện các công việc được đại diện sao cho có lợi nhất (trong điều kiện có thể), vì lợi ích của người mà mình đã đại diện. Người đại diện cho pháp nhân cũng không ngoại lệ, họ phải luôn vì lợi ích của pháp nhân, tổ chức của mình và không thể vì lợi ích cá nhân. Chính vì vậy mà người đại diện không được phép xác lập, thực hiện các giao dịch với chính mình hoặc với người khác mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ một số trường hợp đặc thù (xem khoản 5, điều 144). Trong một số trường hợp đặc thù, pháp luật có cho phép người đại diện được phép thực hiện một số loại giao dịch này, nhưng để đảm bảo quyền lợi của người được đại diện và tính khách quan của các giao dịch, pháp luật có những ràng buộc bằng một số điều kiện, trình tự, thủ tục nhất định cho những trường hợp này  (xem điều 4 Luật doanh nghiệp, điều 126 Luật các tổ chức tín dụng). Trong trường hợp người được đại diện, vì một mục đích nào đó hoặc vì lợi ích của bản thân, thực hiện công việc gây ra bất lợi hoặc thiệt hại cho người đã ủy quyền, thì người đã ủy quyền có quyền khởi kiện để yêu cầu người được ủy quyền bồi thường thiệt hại. Đồng thời, người được ủy quyền phải giao trả đầy đủ tất cả mọi văn bản, giấy tờ, toàn bộ các khoản tiền, tài sản và tất cả lợi ích thu được khi thực hiện các công việc được ủy quyền cho người đã ủy quyền. Đây là nghĩa vụ của người được ủy quyền. Hợp đồng, giao dịch được ký kết và thực hiện giữa người đại diện với chính mình hoặc với người thứ ba cũng do chính mình là người đại diện có thể bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (xem điều 122, 128,410 BLDS). Điều này cũng cho thấy người đại diện và người được đại diện không thể là những người có quyền, lợi ích trái ngược, xung đột.

c) Đối tượng của giao dịch ủy quyền chỉ đơn thuần là công việc có thể thực hiện và được phép thực hiện.

Khác với các giao dịch khác, đối tượng của Hợp đồng ủy quyền chỉ đơn thuần là các công việc, hay nói cách khác là các hành vi cụ thể (Điều 581 BLDS).  Có thể các công việc này có liên quan tới một tài sản nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa tài sản này là đối tượng của giao dịch. Một chủ sở hữu tác động tới tài sản, thực hiện các quyền của mình thông qua những hành vi. Trường hợp họ không có khả năng trực tiếp thực hiện thì bằng ý chí, hành vi của mình, họ có quyền thỏa thuận với chủ thể khác có đủ điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi để đại diện cho chủ sở hữu thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thông qua những công việc cụ thể được thỏa thuận giữa chủ tài sản và người đại diện cho chủ tài sản. Thỏa thuận ủy quyền có người khác đại diện cho chủ sở hữu không làm mất đi tư cách của chủ sở hữu đối với tài sản. Các nội dung được ủy quyền chỉ là những công việc, hành vi cụ thể. Cũng chính vì vậy mà người được ủy quyền không được phép vượt quá nội dung được ủy quyền, và sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người ủy quyền nếu vượt quá nội dung này. Đồng thời cũng chính điều này sẽ dẫn tới quan hệ ủy quyền đương nhiên bị chấm dứt nếu người ủy quyền đó bị mất năng lực hành vi (bị chết, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết (xem điều 147 BLDS)). Vì vậy, người ủy quyền chỉ có khả năng thực hiện giao dịch ủy quyền nếu họ là người có quyền thực hiện các công việc, hành vi đó. Do vậy, trong những trường hợp mà họ không có, không còn các quyền đó, hoặc các quyền đó bị hạn chế vì một lý do nào đó như có bản án, quyết định hành chính hoặc thông qua những thỏa thuận đối với chủ thể khác qua các giao dịch dân sự, thì họ sẽ không thể ủy quyền những công việc đó cho người khác để thực hiện được.

d) Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.

Trên thực tế, người đại diện thực hiện các công việc vì lợi ích của người được đại diện chứ không vì lợi ích của mình. Mặt khác, người được đại diện mới là người có quyền. Chính vì vậy, mọi vấn đề phát sinh từ quan hệ đại diện, dù là đại diện theo ủy quyền luôn tạo ra quyền và nghĩa vụ cho chính người được đại diện (Điều 139, 586, 587 BLDS). Người đại diện theo ủy quyền có quyền và nghĩa vụ với người được đại diện theo thỏa thuận tại hợp đồng ủy quyền và quy định của pháp luật. Đối với trường hợp đại diện theo pháp luật, quyền và nghĩa vụ của người đại diện với người thứ ba trong giao dịch chỉ đơn thuần là các quyền, nghĩa vụ mà luật quy định. Nhưng trong mọi trường hợp, các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đại diện và người được đại diện theo ủy quyền không bao giờ có thể ràng buộc được người đại diện phải chịu trách nhiệm với tư cách là chủ sở hữu của tài sản hoặc đương nhiên phải chịu trách nhiệm đối với người thứ ba. Vì vậy, không thể tồn tại thỏa thuận kiểu như  “người được ủy quyền phải hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm khi thực hiện các công việc được ủy quyền với người thứ ba”. Điều này cũng phù hợp với quy định khi chấm dứt việc ủy quyền do người ủy quyền chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện theo ủy quyền có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ các khoản tiền, lợi ích và bàn giao lại đầy đủ các tài liệu, tài sản, các công việc đang thực hiện cho người thừa kế của người ủy quyền (xem điều 147, 148 BLDS), cũng như phù hợp với quy định về việc người ủy quyền phải thanh toán cho người được ủy quyền các chi phí hợp lý mà họ đã bỏ ra để thực hiện các công việc được ủy quyền (xem điều 586 BLDS).

e) Phạm vi đại diện theo ủy quyền.

Trường hợp các bên lập hợp đồng ủy quyền để chỉ định người đại diện, thì người đại diện chỉ được phép thực hiện chính xác các công việc được ghi trong hợp đồng ủy quyền. Người đại diện không thể thực hiện các công việc không được ghi nhận. Đây là phạm vi mà người đại diện được phép thực hiện và không thể bước ra ngoài phạm vi này. Điểm đặc biệt là các công việc được ủy quyền được ghi như thế nào thì chỉ được phép làm chính xác như vậy. Không thể suy luận hay biện hộ rằng các công việc này có liên quan đến những công việc được ủy quyền thì được phép thực hiện. Điều này cũng tương tự như trường hợp ủy quyền của pháp nhân. Mỗi pháp nhân sẽ chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật, nhưng trong thực tế đời sống của các pháp nhân (đặc biệt là các pháp nhân có quy mô lớn, tổ chức phức tạp), thông thường tại cùng một thời điểm, pháp nhân đó vẫn có thể thực hiện cùng lúc nhiều giao dịch với nhiều chủ thể. Để thực hiện được điều này thì người đại diện theo pháp luật thường có những ủy quyền cho người khác trực thuộc pháp nhân của mình để thi hành, thực hiện những công việc diễn ra thường xuyên, liên tục. Các ủy quyền này thông thường là các ủy quyền mang tính chất thường xuyên, có tính chất quản trị hành chính nội bộ của doanh nghiệp. Mỗi tổ chức sẽ xác định các nội dung ủy quyền này phù hợp với tính chất và mục tiêu hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức của chính mình. Tuy nhiên, người được ủy quyền này cũng không thể vượt ra khỏi phạm vi được ủy quyền hay nói cách khác là vượt khỏi thẩm quyền của mình. Mặc dù có nhiều công việc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng nếu không có những ủy quyền đó thì người được ủy quyền cũng không được phép thực hiện (xem điều 91, 92 BLDS).

VD: Một ngân hàng sẽ chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật. Giám đốc các chi nhánh là người đại diện theo pháp luật cho chi nhánh. Chi nhánh là người hoạt động theo ủy quyền của pháp nhân. Giám đốc chi nhánh thực hiện nhiệm vụ và có thẩm quyền dựa vào ủy quyền của người đại diện cho pháp nhân là ngân hàng đó. Nếu giám đốc chi nhánh chỉ được ủy quyền ký kết hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng mà không được ủy quyền khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ thì ngay cả khi khách hàng quá hạn, người đứng đầu chi nhánh không thể nộp đơn khởi kiện khách hàng, dù chúng ta thấy ngay rằng quyền đòi nợ là một quyền của ngân hàng trong hợp đồng tín dụng do chính giám đốc chi nhánh đó ký kết và thực hiện.

2. Ủy quyền và sự lạm dụng trong hoạt động cấp tín dụng.

a) Hợp đồng ủy quyền đi kèm hợp đồng bảo đảm tiền vay và những hệ lụy.

Trong thực tế, hiện nay có khá nhiều ngân hàng đang thực hiện và đề nghị khách hàng ký hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản cho tổ chức tín dụng (TCTD) khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm. Việc này đang ngày càng trở nên phổ biến, dựa trên quan niệm cho rằng như vậy mới bảo đảm quyền lợi của TCTD do các quy định về xử lý tài sản bảo đảm đang tạo cho các TCTD nhiều bất lợi vì luôn lệ thuộc vào khách hàng. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh các quy định của pháp luật và các diễn giải nêu trên, có thể thấy tiềm ẩn các yếu tố rủi ro như sau:

- BLDS và nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (NĐ 163) cũng như nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 (NĐ11) đều khẳng định nhất quán rằng việc xử tài sản bảo đảm “theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định” (Điều 336 BLDS) và “Người xử lý tài sản bảo đảm (sau đây gọi chung là người xử lý tài sản) là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thỏa thuận khác. Như vậy, một nguyên tắc chung của BLDS trong giao dịch bảo đảm là luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về việc xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời cũng khẳng định rằng quyền xử lý tài sản bảo đảm, nếu không có thỏa thuận khác thì luôn mặc nhiên thuộc về TCTD (xem thêm điều 130 Luật đất đai). Tuy nhiên, với giao dịch ủy quyền đã được xác lập giữa bên bảo đảm với người có quyền đòi nợ thì liệu rằng, có thể hiểu là TCTD với tư cách là người có quyền mặc nhiên đã tuyên bố một cách chính thức rằng, quyền xử lý tài sản của tổ chức tín dụng là một quyền phái sinh từ chủ sở hữu tài sản hay không? Điều này đặc biệt quan trọng vì nếu khẳng định là có, thì như vậy TCTD đã khẳng định rằng mình không có quyền mặc nhiên xử lý tài sản bảo đảm. Mặt khác, nếu lý giải rằng quyền xử lý tài sản bảo đảm vẫn đương nhiên thuộc về TCTD thì tại sao quyền đó thuộc về TCTD mà lại cần có ủy quyền? Điều đó có nghĩa là TCTD đã trao lại quyền này cho người bảo đảm (chủ sở hữu). Và nếu TCTD thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo ủy quyền như đã nêu, vậy rõ ràng là TCTD không thể xuất hóa đơn tài chính cho việc thực hiện bán tài sản bảo đảm theo nội dung ủy quyền và cũng không được phép hạch toán khoản tiền mà người mua tài sản vào hệ thống tài chính của mình. Điều này phù hợp với nguyên tắc là người đại diện phải trao trả toàn bộ các khoản lợi ích thu được từ việc xử lý tài sản cho chủ tài sản. Mặt khác, trong chính trường hợp này, TCTD phải luôn bán tài sản với một giá đủ để bù đắp cho nghĩa vụ vì khó có TCTD nào đồng ý với việc bán tài sản với một giá dưới giá trị nghĩa vụ đang được bảo đảm. Nếu bán với giá dưới giá trị của nghĩa vụ thì như vậy, người được đại diện của TCTD có thể sẽ vi phạm chính các quy định về tín dụng, quy định về tài chính, xử lý tài sản và thu hồi nợ, thậm chí có thể vượt quá khả năng, phạm vi được ủy quyền của người đại diện cho đơn vị. Mặt khác, sẽ tạo kẽ hở trong việc xử lý tài sản, thất thoát tài sản của TCTD.

- Như đã phân tích ở trên, nếu TCTD với tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu theo ủy quyền để thực hiện quyền xử lý tài sản, thì chúng ta sẽ thấy sự mâu thuẫn trong quan hệ đại diện này. Về mặt nguyên tắc, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm không được coi là hoạt động kinh doanh tài sản của TCTD (điều 58 NĐ 163). Điều này phù hợp với phạm vi hoạt động kinh doanh của TCTD theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng). Trong khi đó, đối tượng của ủy quyền chỉ đơn thuần là các công việc, và như đã nói, người được đại diện chỉ có thể là cá nhân để thực hiện việc đại diện. Trong trường hợp pháp nhân là đại diện theo ủy quyền, pháp nhân này phải đăng ký hoạt động với phạm vi ngành nghề cho phép thực hiện một số loại hình dịch vụ, công việc nhất định. Với nội dung ủy quyền xử lý tài sản, mà thực chất là bán tài sản cho người thứ ba, thì nội dung phạm vi các công việc được ủy quyền nêu trên sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật kinh doanh bất động sản (xem điều 4 Luật kinh doanh bất động sản) và điều này nằm ngoài phạm vi được phép hoạt động của các TCTD.

- Trong trường hợp tài sản được xử lý để thu hồi nợ theo ủy quyền, liệu có thể khẳng định rằng chủ sở hữu tài sản và TCTD không có sự xung đột về mặt lợi ích? Một điều hiển nhiên dễ nhận thấy rằng TCTD luôn muốn xử lý tài sản càng sớm càng tốt, và để thực hiện điều đó chỉ có thể hạ giá tài sản để đảm bảo tính thanh khoản và thu hồi nợ. Điều này cũng phù hợp với thực tế rằng về mặt nguyên tắc các TCTD chỉ cấp tín dụng dưới giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm nhất định. Nhưng liệu chủ tài sản có luôn đồng ý với việc giao quyền quyết định giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu cho một người khác trong bối cảnh này? Chính điều này đã dẫn đến sự tồn tại của nguyên tắc “Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, cá nhân, tổ chức có liên quan..” (xem điều 58 NĐ 163). Mặt khác, như đã phân tích, giữa người đại diện và người được đại diện khó có thể thực hiện quan hệ đại diện nếu có sự xung đột, trái chiều về quyền lợi. Vì vậy, trong trường hợp TCTD thực hiện quyền xử lý tài sản theo ủy quyền này sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ chính tổ chức tín dụng có thể bị kiện ngược trở lại, vì lúc đó chủ sở hữu sẽ viện dẫn nguyên tắc “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch trong phạm vi được đại diện” với lý do giá trị tài sản đã thực hiện việc xử lý không đúng với giá trị thực tế của tài sản.

- Hợp đồng ủy quyền luôn có nguy cơ bị chấm dứt bất kỳ lúc nào do những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan. Tuy nhiên, TCTD khó có thể xác định được rằng trong trường hợp nào thì hợp đồng đó bị chấm dứt. Khi hợp đồng ủy quyền bị chấm dứt, người có quyền thừa kế của chủ sở hữu sẽ là người tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản, có thể là nhận di sản kèm theo thực hiện nghĩa vụ, cũng có thể xuất hiện người đại diện đương nhiên theo luật trong trường hợp chủ sở hữu tài sản bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, TCTD không có quyền thực hiện các nội dung được chủ sở hữu ủy quyền.

- Mặt khác, các TCTD luôn yêu cầu cơ chế ủy quyền này được xác lập cùng lúc hoặc ngay sau khi xác lập hợp đồng thế chấp. Nhưng trong một hợp đồng thế chấp luôn có sự thỏa thuận ràng buộc bên thế chấp cũng như hạn chế các quyền của bên thế chấp với tư cách là chủ tài sản, trong đó chắc chắn sẽ có những hạn chế về quyền bán tài sản với tư cách là chủ sở hữu của bên thế chấp. Tuy nhiên, ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm màthực chất cũng là ủy quyền việc bán tài sản. Vậy điều này có mâu thuẫn với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hay không? Vì rõ ràng trong các hợp đồng bảo đảm tiền vay, TCTD luôn xác định mình phải là người có quyền đối với tài sản, nhưng nay quyền định đoạt tài sản đó vẫn đang thuộc chủ tài sản, mà quyền bán tài sản của TCTD đang là một quyền phái sinh từ hợp đồng ủy quyền mà không phải là một quyền mặc định với tư cách là người có quyền của TCTD. Điều này cũng phù hợp với lập luận cho rằng TCTD đang tuyên bố rằng quyền xử lý tài sản là một quyền phái sinh, như đã đề cập ở trên.

b). Cấp tín dụng cho chính người được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền.

- Công văn số 1133/TCT-TNCN ngày 05/4/2011 của Tổng cục thuế là một minh chứng rõ ràng cho sự lạm dụng các quy định về ủy quyền của pháp luật. Trong thực tế, có hiện tượng TCTD cấp tín dụng cho chính người được ủy quyền với tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc sử dụng “hợp đồng ủy quyền định đoạt” với tư cách là tài liệu chứng minh mục đích vay vốn. Khá nhiều trường hợp cấp phê duyệt tín dụng cũng như cán bộ tín dụng, cấp quản lý tín dụng đã nhầm lẫn về mối quan hệ sở hữu trong trường hợp có ủy quyền định đoạt đối với tài sản thế chấp. Như đã phân tích, với quan hệ đại diện theo ủy quyền, cho dù là “ủy quyền định đoạt toàn bộ” theo cách hiểu “dân gian,” thì cũng phải khẳng định rằng quyền sở hữu của chủ tài sản không bị mất đi. Với các nội dung được viết đến trong hợp đồng ủy quyền thì người được ủy quyền vẫn chỉ mang tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu mà thôi. Tất cả những gì thu được từ việc thực hiện các công việc được ủy quyền vẫn phải trả lại cho chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo đảm tiền vay lại nói rất rõ rằng bên thế chấp (là người được ủy quyền) dùng tài sản (được đề cập đến trong hợp đồng ủy quyền) để bảo đảm cho bên thế chấp vay hoặc cho người thứ ba mà được nêu đích danh là người được ủy quyền hoặc người được ủy quyền là người đại diện cho người đó. Cần phải xác định rõ người được cấp tín dụng là ai. Người được cấp tín dụng chính là người đã lập, cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án vay vốn, mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ và không thể đồng thời là người được ủy quyền “được nói trong hợp đồng ủy quyền” hoặc là người đại diện cho người được cấp tín dụng (xem khoản 5, điều 144, BLDS).

 Với hoạt động nghề nghiệp hàng ngày đang trực tiếp tiếp nhận và xử lý một phần các công việc, thủ tục có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, bản thân cá nhân tôi và đồng nghiệp nhận thấy rằng, sự lạm dụng quy định về đại diện và ủy quyền đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hoạt động cấp tín dụng cũng như xử lý tài sản để thu hồi nợ. Các phân tích nêu trên chỉ đơn thuần diễn giải các quy định của pháp luật, trong điều kiện đối chiếu với thực tế nhằm trao đổi cũng như chia sẽ các kinh nghiệm pháp luật với đồng nghiệp. Đồng thời, qua đây cá nhân người viết cũng đề nghị các cơ quan có liên quan cần có hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết quy trình, thủ tục, văn bản hướng dẫn cần thiết để phục vụ việc xử lý tài sản cho các TCTD nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình xử lý nợ của TCTD, góp phần thúc đẩy hoạt động của ngân hàng ngày càng có hiệu quả và minh bạch, đồng thời cũng bảo đảm cho quyền lợi của khách hàng, hạn chế tối đa sự lạm dụng việc xử lý tài sản gây thiệt hại cho khách hàng của các TCTD.

Nguyễn Thanh - Văn phòng công chứng Hà Thành