Một số mô hình tuyên truyền trong giáo dục pháp luật

28/08/2007
Hằng năm, trong chương trình làm việc của mình, Quốc hội đều thảo luận, sửa đổi, bổ sung, biểu quyết thông qua và ban hành hàng loạt các Bộ luật, luật cho phù hợp điều kiện phát triển thực tiễn của đất nước. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là hoạt động cũng không kém phần quan trọng như khi soạn thảo ban hành, góp phần thúc đẩy việc đưa pháp luật vào đời sống của nhân dân.

Song song các hình thức tổ chức hội nghị triển khai phổ biến pháp luật, tuyên truyền lưu động, tờ rơi, tờ gấp, panô, áp phích… để pháp luật đến tận người dân, thì thông qua các hình thức khác cũng rất đa dạng, phong phú trong nhân dân cũng cần được phát huy, nhân rộng. Chúng tôi xin ghi lại những câu chuyện thường ngày mà chúng ta thường gặp, tuy chưa thật sự là những buổi triển khai từng luật cụ thể, nhưng có tác dụng tuyên truyền, giáo dục rất lớn trong nhân dân.

 Chuyện về Chị Trâm: Hãy ghi nhớ và học tập chị “Trong chiến tranh ai còn, ai mất, khi nước nhà độc lập nếu như mình có chết thì cũng được hưởng những ngày XHCN rồi. Còn trăm nghìn vạn người lớn lên chỉ biết cái đau thương, gian khổ và còn nhiều người ngã xuống mà chưa hề hưởng được một ngày hạnh phúc, đau xót biết chừng nào”.

Tôi đã nhiều lần về thăm “chiến trường xưa nơi Chị Trâm đã từng công tác và anh dũng hy sinh” này, nhưng hôm nay, khi cùng đoàn khách từ thành phố Đà Nẵng đến đây, cái bất chợt đầu tiên tôi linh cảm nhận thấy không khí hôm nay có gì đó hơi trầm lắng, mùi hương thoảng bay trong gió. Khi đến trạm dừng chân đầu tiên (vườn mít) chúng tôi hơi ngỡ ngàng bởi dưới bóng những cây mít, già trẻ, gái trai dân làng thôn Nước Nia (xã Ba Trang huyện Ba Tơ) đang chăm chú nghe Già làng kể chuyện về liệt sĩ, nữ bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thuỳ Trâm; cả đoàn chúng tôi lặng lẽ, nhẹ nhàng tìm chỗ cùng ngồi nghe. Vừa nghe Già làng kể chuyện, nhưng trong tâm trí tôi vẫn cố nhớ một chút gì chăng về huyền thoại này, phải một lúc lâu mới biết hôm nay (24/6) là ngày giỗ Chị Trâm (tôi tự trách mình dù đã đọc cuốn nhật ký về Chị, đã đến đây bao nhiêu lần mà sao một chi tiết này lại không nhớ - tôi thật có lỗi với Chị), tôi thầm cảm ơn Già làng thôn Nước Nia đã giúp chúng tôi nhớ, ôn lại những hình ảnh, kỷ niệm đẹp, những chiến công thầm lặng, giản dị, mộc mạc rất đời thường của người con gái Hà Nội đã để lại trên quê hương tôi - Quảng Ngãi yêu thương. Những công lao, cống hiến, của Chị đã được ghi lại trong các trang nhật ký hoặc lời kể của những người đã từng công tác với Chị, song hôm nay, qua Già làng, chúng tôi lại biết thêm những điều mới ở Chị.

 Già làng bảo, hàng năm cứ đến ngày này dân làng thôn Nước Nia đều tụ tập lên đỉnh núi dưới bóng cây kơnia nơi Chị đã ngã xuống (trước đây là ngôi mộ Chị nay chỉ còn tấm bia- hài cốt Chị đã bốc chuyển về Hà Nội) để thắp hương tưởng nhớ Chị Trâm và sau đó về nơi đây (tại vườn mít này) ôn lại những kỷ niệm, chiến công về Chị để dân làng, con cháu thôn Nước Nia không bao giờ được quên công ơn và ghi nhớ lời Chị dặn: Hãy giữ lấy từng cánh rừng, con suối cho quê hương.

Chuyện Già làng ở Minh Long: Xây dựng tổ ấm gia đình - phải biết giữ gìn, tuân thủ pháp luật.

Về huyện Minh Long công tác, chúng tôi bất ngờ được mời dự đám cưới của đôi bạn trẻ. Trong không khí ấm cúng của ngày đại hỷ, chúng tôi đến chúc mừng hạnh phúc đôi bạn trẻ trong ngày vui trọng đại này. Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng nhất là hình ảnh Già làng - người chủ hôn lễ, bởi thông thường như chúng tôi nghĩ - Già làng sẽ răn dạy đôi bạn trẻ bằng những phong tục tập quán của buôn làng, của dòng họ truyền thống dân tộc Hre, mà thay vào đó Già làng kể về những năm tháng gian khổ, vật lộn đói nghèo của dân làng, nhờ ơn Đảng, cách mạng giờ đây làng quê đã thay đổi…

Già làng nói lũ trẻ bây giờ phải biết học cái chữ, học cái hay mang về dạy dân làng, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu làm điều bậy bạ. Già làng bảo, ngày vui thì uống chút chút thôi, đừng uống say quá mà không giữ được cái chân để nó đi lung tung, để cái miệng nói lảm nhảm luyên thuyên, để cái tay nó múa may sinh chuyện; đám cưới nào để xảy ra chuyện uống rượu say cãi nhau, đánh lộn sẽ bị già làng phạt rất nặng. Con trai, con gái, dân làng phải biết đoàn kết thương nhau, giúp nhau làm nương, phát rẫy, trồng cây, trỉa bắp. Con trai con gái khi có vợ có chồng còn phải lo làm rẫy, lo cái ăn cái mặc, có cái để giành khi sinh con đẻ cái mà nuôi, dạy chúng nó, không được chơi bời lêu lổng. Con trai lo làm nương, làm rẫy, dựng nhà; con gái lo nuôi gà, nuôi heo, bò trâu… nuôi con và chăm sóc cha mẹ.

Trò chuyện với chúng tôi Già làng cho biết, con trai, con gái ở đây lớn lên được cha mẹ, những người lớn tuổi trong làng chỉ vẽ mọi điều, nên từ nhỏ đến lúc có vợ có chồng, trai, gái phải tự làm những đồ dùng, vật dụng cho cuộc sống vợ chồng sau này. Con trai, con gái khi kết hôn phải đủ tuổi theo qui định và phải có đăng ký kết hôn của chính quyền thì mới được già làng cho làm đám cưới và đám cưới cũng không được quá một ngày; nên tất cả các đám cưới của trai làng đều được tổ chức ở nhà sàn này và do già làng làm chủ hôn. Già làng còn bảo, ở làng này tất cả mọi người phải nghe theo lời cán bộ, lời già làng, mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ hai đứa thôi, không được đẻ nhiều, mỗi đứa cách nhau 3-5 năm. Chứ đẻ năm một, năm một thì còn đâu sức mà đi làm nương, làm rẫy, lấy cái gì mà nuôi con.

Chuyện về Mẹ VNAH: Làm nhà máy, xây công trình - đừng bỏ người dân thất nghiệp mà mang tội.

Hàng năm, vào dịp này chúng tôi đều sắp xếp công việc để về thăm Mẹ, ở tuổi ngoài 80, với bao năm tháng bị tù đày tra tấn dã man của kẻ địch, đã lấy đi bao sức lực của mẹ, tuy đã có tuổi, song mẹ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Mẹ bảo, ngày xưa, mỗi khi bọn địch dồn dân lập ấp chiến lược, hòng chia rẽ ngăn cách cơ sở cách mạng với các đội công tác của ta, mẹ đâu có ngán sáng chúng bắt lên đồn, chiều chúng thả, thì tối mẹ lại về lại căn nhà cũ. Chúng bắt giam mẹ hết nhà tù này, rồi chuyển nhà tù khác vẫn không lay chuyển ý chí, nghị lực của mẹ; roi vọt, súng đạn cũng cản được lòng quyết tâm đánh giặc đến cùng của mẹ. Sáu bảy lần tiễn chồng con lên đường, năm lần nhận tin báo chồng con không trở về, lòng mẹ đau như cắt từng khúc ruột, song mẹ vẫn kiên cường bám trụ, bám đất, bám làng, đào hầm nuôi giấu cán bộ và vận động bà con dân làng biểu tình chống khủng bố, chống dồn dân lập ấp chiến lược. Chúng đốt nhà này, mẹ lại dựng nhà khác. Nhà không còn thì dựng túp lều, miễn sao đêm đến có ánh lửa là mẹ yên lòng.

Giờ đây, trên mảnh đất Bình Sơn này, nhân dân các làng, các xã Bình Trị, Bình Đông, Bình Thuận,... lần lượt kéo nhau vào đây lập nghiệp để nhường mảnh đất nơi chôn nhau, cắt rốn của bao thế hệ, dòng tộc..., cho những công trình, nhà máy mới mọc lên trên những cánh đồng cát năm xưa. Mẹ và tất cả mọi người đều sẵn sàng – nhưng để có được một quyết định như vậy là cả một vấn đề lớn đấy, mất bao đêm trằn trọc suy nghĩ điều hơn lẽ phải, bao dằn vặt, toan tính thiệt hơn..., song cái vượt lên trên tất cả chính là yêu cầu của Tổ quốc thiêng liêng, bởi Đảng, Nhà nước lo cho cái chung của cả dân tộc, đất nước này - vì thế không ai được tính hơn thua với Đảng với Nhà nước cả - Mẹ bảo thế và bà con dân làng đều làm như thế.

Chúng tôi hỏi mẹ có hay về thăm lại mảnh đất cũ không, nơi đó bây giờ là Nhà máy lọc dầu, là cảng Dung Quất, là nhà máy đóng tàu, là những công trình to lắm...; nhìn chúng tôi một hồi mẹ bảo, mẹ già rồi đi đâu có được, mà đi làm gì vướng chân tụi nó, để chúng nó có thời gian còn lo mà xây với đắp cho mau hoàn thành nữa chứ, khi đó mẹ sẽ về thăm luôn một thể. Ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi mẹ bảo: bà con mình đều là nông dân cả, dù quanh năm suốt tháng chân lấm đất, tay lấm bùn, mà phải rời bỏ quê hương, mồ mả, nhà thờ họ tộc đi nơi khác là hệ trọng lắm đấy. Ông nhà nước cũng cần có chính sách sao cho thỏa đáng, động viên khuyến khích, tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu cho bà con vui, chứ nhận được tiền bồi thường đất đai hoa màu tưởng là nhiều, nhưng chỉ vài ba năm nữa nếu không biết cách làm, mà chỉ lo ăn thì núi cũng còn sập nữa là, rồi thì trắng tay nghèo lại hoàn nghèo thôi. Mẹ nghe nói, nơi này, nơi nọ bà con mình cũng quá đáng muốn nhân cơ hội nhà nước thực hiện chính sách đến bù khi thu hồi đất để tranh thủ kiếm thêm vài đồng; ai lại trên một mảnh đất lại trồng năm tầng, ba lớp thì cây nào mà sống cho nổi, làm như vậy là không được, là trái bản tính chân chất của người nông dân, dù còn nghèo còn khó khăn, nhưng bà con mình không làm như vậy được đâu. Mẹ nghĩ, bà con mình quê mình tuy còn nghèo nhưng sống rất chân thực, rất tình nghĩa, làm siêng, cần cù, chịu khó; bao nhiêu năm qua cũng đã vất vả nhiều rồi, bây giờ có nhiều nhà máy, công trường mọc lên trên mảnh đất này thì nhà nước cần có chính sách thu hút số con em ở các xã trong vùng, nhất là ở các hộ không còn đất để sản xuất có việc làm ổn định, đừng để bà con thất nghiệp rồi sinh ra chuyện này, chuyện nọ, làm mất an ninh trật tự xã hội và hàng loạt những vấn đề khác khó lường lắm các con ạ.

Vâng, những ống khói đầu tiên của Nhà máy lọc dầu đã vươn lên trời cao, Cảng Dung Quất đang tấp nập đón những con tàu chở những chuyến hàng cho các công trình, Nhà máy đóng tàu đang đóng những con tàu mới, không khí lao động khẩn trương tấp nập trên những công trường như khẳng định một chủ trương đúng đắn của đảng và Nhà nước trên dải đất miền Trung. Mẹ nói cả chục năm nay chưa về thăm quê cũ, nhưng từng mảnh đất nơi đây mẹ thuộc như trong lòng bàn tay, mọi việc diễn ra nơi này nơi khác mẹ đều biết bởi chính đó là quê hương là nỗi lòng của người mẹ với tình yêu quê hương. Những tâm sự băn khoăn của mẹ cũng chính là nỗi lo, là trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tỉnh đối với nhân dân.

 Chuyện về phụ nữ Quảng Ngãi: Những con đường tự quản để bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.

Tôi cũng chưa hiểu rõ cội nguồn của các “Con đường tự quản” bắt đầu từ đâu và được thực hiện từ bao giờ. Song, có điều phải nói ngay rằng, tôi rất bất ngờ khi để ý trên các tuyến đường dù là ở nông thôn, thị trấn, thị tứ hay thành phố tỉnh lỵ những tấm bảng ghi rõ "Con đường tự quản của Hội phụ nữ tổ...". Từ chỗ ngỡ ngàng, tôi làm cuộc điều tra nho nhỏ trong các chuyến đi công tác hay những buổi đi tập thể dục buổi sáng để trò chuyện với các chị, các mẹ đang quét rác, dọn tưới cây.... Các chị đều nói rằng đây là phong trào do Hội Phụ nữ phát động, lúc đầu cũng chỉ nghĩ là làm cho có chuyện một hồi, một thời gian là thôi. Tuy nhiên, khi thực sự coi con đường là của chính mình thì chị em chúng tôi để tâm, dồn sức vào đây rất nhiều, chăm lo quét dọn vệ sinh, tưới bảo vệ cây như việc làm hằng ngày của chính gia đình mình. Chúng tôi như ngầm thi đua, so sánh với nhau giữa các tổ, xem con đường nào xanh sạch đẹp nhất. Hằng ngày, buổi sáng từ 4h, buổi chiều từ 18h chúng tôi đã tập trung nhau đi quét rác, tưới cây, và chỉ khi nào con đường hết rác - sạch sẽ, cây cỏ được tưới đẫm nước chúng tôi mới về nghỉ.

Do điều kiện xây dựng phát triển của tỉnh nhà chưa đồng bộ, nhiều khu dân cư, nhiều con đường, khu phố còn bừa bãi, ngổn ngang đất cát, rác rưởi bụi bặm. Nhưng những "Con đường tự quản" của các mẹ, các chị đã phần nào tô thêm màu xanh quê hương, giữ cho môi trường được trong lành. Dù chỉ là những việc làm nho nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa, chính các chị, các mẹ là những chiến sĩ tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.

*      *

*

Có thể đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều báo cáo về các điểm hình trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được trình bày. Song, có lẽ nét đa dạng về hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật trong cộng đồng dân cư thông qua các loại hình, những việc làm cụ thể như đã nêu trên chắc không phải là hiếm. Những chuyện của Già làng, Mẹ Việt Nam anh hùng, tuy chưa phải là những buổi báo cáo, tuyên truyền luật thực thụ, nhưng đã giúp mọi người nắm, hiểu thêm về pháp luật, về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" chính sách "Đền ơn đáp nghĩa", chủ trương thu hồi đất, đền bù giải tỏa, tái định cư..., chính sách "Dân số kế hoạch hóa gia đình", vấn đề bảo vệ trật tự xã hội... Những việc làm, hành động cụ thể các mẹ, các chị trong hoạt động như dán tiếp truyền đi thông điệp của nhân loại "Hãy bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp", và thực sự đã để lại cho chúng tôi, những kinh nghiệm quí báu trong việc tổ chức tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn mọi người hãy bằng những hành động, việc làm cụ thể để thực hiện pháp luật, làm cho pháp luật ngày càng trở nên gần gũi với cuộc sống và thực sự đi vào cuộc sống hơn trong tiến trình xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân./.

Minh Hoà