Bình Định: Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 4

03/10/2007
Ngày 2.10.2007, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch Đề án“Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2010”

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao kỷ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật cho cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên pháp luật của xã, phường, thị trấn. Phát huy vai trò của cơ quan, cán bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, làng, tổ dân phố và nhân dân xã, phường, thị trấn. Nâng cao vai trò của cán bộ tư pháp, công an xã, phường, thị trấn trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong phạm vi thẩm quyền. Trang bị kiến thức cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật, Trợ giúp pháp lý, Tòa aùn xét xử lưu động và công tác thi hành án trên địa bàn, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tạo bước phát triển về chất trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hình thành, nâng cao tri thức pháp luật, ý thức sống và làm theo pháp luật của công dân.

          Nội dung của kế hoạch gồm bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ xã, phường, thị trấn như định kỳ tập huấn cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Cung cấp các tài liệu về lý luận chính trị, thông tin pháp luật, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp ở cơ sở. Tiếp tục củng cố đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải, tủ sách pháp luật và các mô hình khác ở xã, phường, thị trấn.Tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hoặc các cuộc tọa đàm trao đổi cho cán bộ xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, phục vụ công  tác chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

           Hướng dẫn cán bộ tư pháp, công an xã, phường, thị trấn làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong phạm vi thẩm quyền. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ tư pháp, công an xã, phường, thị trấn để thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp chính quyền và bảo đảm quan hệ phối hợp trong quá trình triển khai các hoạt động thi hành án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đảm bảo các điều kiện cần thiết để cán bộ tư pháp, công an xã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp chính quyền trong công tác thi hành án.

          Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư pháp được tiến hành tại xã, phường, thị trấn. Cung cấp thông tin pháp luật, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho nhân dân thông qua các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Thực hiện phổ biến, giáp dục pháp luật thông qua công tác thi hành án trên địa bàn.

          Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, chỉ đạo sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp địa phương với cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch đã được ký kết giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.

          Biên soạn tài liệu phục vụ nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ tư pháp thuộc phạm vi của đề án. Biên soạn nội dung, in ấn, phát hành các loại đề cương tuyên truyền trang bị cho cán bộ tư pháp và đội ngũ tuyên truyền về pháp luật. Nâng cao chất lượng Bản tin Tư pháp. Phát huy hiệu quả tủ sách pháp luật trong việc phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân ở cơ sở.

          Tổ chức thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: từ nay đến 31.12.2007, triển khai một số hoạt động như: Xây dựng các văn bản phục vụ cho việc quản lý, điều hành và thực hiện đề án. Tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi nội dung Quyết định 212/2004/QĐ- TTg và nội dung của đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan và cán bộ tư pháp. Lựa chọn đơn vị chỉ đạo điểm (mỗi huyện, thành phố chọn 2-3 xã, phường, thị trấn) và triển khai tại các đơn vị điểm, và lập dự trù kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện đề án. Sơ kết giai đoạn I. Giai đoạn II: từ năm 2008 đến năm 2010 tiếp tục triển khai đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Tổng kết việc thực hiện đề án.

          Sở Tư pháp, cơ quan chủ trì đề án có trách nhiệm xây dựng các văn bản phục vụ cho việc quản lý, điều hành và thực hiện đề án. Phối hợp với Sở Tài chính lập dự trù kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp các ngành trong khối nội chính: xây dựng kế hoạch tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn dân cư; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kỷ năng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử đối với cán bộ tòa án và Hội thẩm nhân dân....Công an tỉnh có trách nhiệm: Phối hợp với ngành tư pháp tổ chức và chỉ đạo việc tập huấn, bồi dưỡng năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật, năng lực tham mưu giúp chính quyền cấp xã trong việc thi hành các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của công an xã. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, phương hướng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật khi tiến hành quản lý giáo dục đối tượng và trong việc tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự trên địa bàn. Trường Chính trị có trách nhiệm: Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai bồi dưỡng đối với cán bộ cơ quan tư pháp trong phạm vi đề án; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố: có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các hoạt động của đế án; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện tốt đề án. Trong giai đoạn I chọn 1-2 xã, phường triển khai làm điểm....

Nguyễn Huỳnh Huyện