Lào Cai: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong hoạt động tố tụng

20/02/2024
Lào Cai: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong hoạt động tố tụng
Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Theo Luật Trẻ em năm 2016 quy định thì các em có tới 25 quyền và 05 bổn phận, trong đó có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính (Điều 30), bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.
Trên tinh thần của Luật Trẻ em, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 17/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 06/4/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 08/5/2023 về tháng hành động vì trẻ em năm 2023.
Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trong phạm vi, lĩnh vực được phân công, chú trọng hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các em trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hoạt động truyền thông về địa bàn cơ sở phù hợp với tình hình và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Trong năm 2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận và thực hiện được 57 vụ việc tố tụng cho 57 đối tượng là trẻ em, tăng 31 vụ (gấp 2,2 lần) so với năm 2022. Trong đó, số em nam là 36, số em nữ là 21; số trẻ em được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là 50 em, (số em nữ là bị hại trong vụ án Hiếp dâm, giao cấu và dâm ô là 21 em; số em nam là bị hại trong các vụ án trộm cắp, cướp tài sản, cố ý gây thương tích là 29 em); số trẻ em là người bị buộc tội, được bào chữa là 07 em (nam); Số vụ việc tham gia tố tụng là 56 vụ; số vụ việc đại diện ngoài tố tụng là 01 vụ; Số vụ việc thực hiện tại Trung tâm 31, tại các Chi nhánh 26; Số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 57 vụ. Tỉ lệ giải quyết đạt 100% so với yêu cầu tiếp nhận.
Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em nhỏ trong hoạt động tố tụng có được kết quả nêu trên là nhờ có sự phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Hầu hết, trong tất cả các vụ án, khi phát hiện ra các đối tượng thuộc diện trẻ em, cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố đều thông tin kịp thời cho Trung tâm theo quy định, qua đó Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý có mặt kịp thời tham gia ngay trong các buổi lấy lời khai ban đầu từ giai đoạn tố giác, giai đoạn tạm giữ hay khởi tố của vụ án.
Chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đều được thẩm định và đánh giá để xác định vụ việc thành công theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 đã được sửa đổi bổ sung và Quyết định 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 của Bộ Tư pháp, không có vụ việc nào gây thiệt hại và phát sinh trách nhiệm bồi thường cho trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cũng được chú trọng, theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo các Chi nhánh TGPL trên địa bàn đã chủ động phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ trên địa bàn tổ chức 26 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 1.446 lượt người tham dự trong đó lồng ghép truyền thông cho trẻ em về quyền và bổn phận của trẻ em, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Ngoài ra, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức buổi truyền thông cho gần 60 lượt các em nhỏ đang sinh sống và được hưởng trợ cấp tại Trung tâm công tác xã hội.
Tại buổi truyền thông, các báo cáo viên pháp luật của Trung tâm TGPL đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; về đối tượng, phạm vi, lĩnh vực và hình thức TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; trình tự, thủ tục yêu cầu TGPL; địa chỉ, số điện thoại của Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn. Cung cấp các thông tin về Luật trẻ em, với 25 quyền và 05 bổn phận mà các em nên biết để thực hiện; công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em về các lĩnh vực y tế, giáo dục và pháp luật; đảm bảo các điều kiện để các em được vui chơi lành mạnh; chú trọng tới các em có hoàn cảnh éo le và đặc biệt khó khăn; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại địa phương; cung cấp cho các em biết về số điện thoại đường dây nóng của Cục Trợ giúp pháp lý 024.6273.9631 và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Bộ Lao động TB&XH chủ trì.
Trong thời gian qua, mặc dù không có nguồn kinh phí dành riêng cho các hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên Trung tâm TGPL vẫn triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động TGPL dành cho trẻ em theo chương trình Kế hoạch đã đặt ra nhằm bảo đảm quyền được TGPL của trẻ em, nhất là trong hoạt động tố tụng. Bước sang năm 2024, Trung tâm TGPL vẫn duy trì và thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức các đợt truyền thông về địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giúp cho mọi người dân biết và tìm đến trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu./.
 
                                                                                    Nguyễn Thị Mai Hương
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai