Sở Tư pháp Bình Định: Đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT - BTP - BNV

25/10/2017
Ngày 17/6/2010, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp (gọi tắt là Thông tư 11/2010/TTLT-BTP-BNV). Từ khi thực hiện nhiệm vụ tự chủ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp Bình Định từng bước được củng cố về tổ chức và nâng cao dần về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp ngành Tư pháp phù hợp với Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, cần phải nghiên cứu xây dựng Thông tư mới hướng dẫn về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp ngành Tư pháp.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Sở Tư pháp Bình Định tiến hành tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Thông tư Liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV theo đề nghị của Bộ Tư pháp tại công văn số 4649/BTP-TCCB ngày 05/10/2017. Theo đó, qua hơn 07 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV, nhìn chung việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; quản lý, sử dụng biên chế; quản lý, sử dụng,  kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động.  
Khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, tài chính đã tạo được sự chủ động trong việc sử dụng biên chế, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao, phí, lệ phí hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Việc thực hiện chế độ tự chủ cũng tăng cường tính chủ động của thủ trưởng đơn vị trong công tác quản lý nhân sự và quản lý tài chính, tạo chuyển biến lớn trong cách nghĩ, cách làm của người đứng đầu đơn vị, mạnh dạn quyết định những công việc có lợi cho đơn vị trong khuôn khổ pháp luật, thẩm quyền được giao và nguồn kinh phí được cấp; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng các dịch vụ công...
Hiện nay, Sở Tư pháp Bình Định có 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, với tổng số biên chế giao là 52 biên chế (Phòng Công chứng số 1: 08 biên chế; Phòng Công chứng số 2: 05 biên chế; Phòng Công chứng số 3: 05 biên chế; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản: 08 biên chế; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước: 26 biên chế). Trong đó, có 03 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên; 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đều cơ cấu có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng; Giám đốc Trung tâm và Phó Giám đốc Trung tâm. Đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, có lãnh đạo quản lý cấp Phòng thuộc Trung tâm và Trưởng các Chi nhánh.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV, ngày 03/6/2011 Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1223/QĐ-CTUBND quy định thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp (gọi tắt là Quyết định 1223). Theo đó, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu và khả năng thực tế xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm; căn cứ kế hoạch biên chế và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cử viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; trình Giám đốc Sở Tư pháp quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; bố trí, phân công công tác, điều động, biệt phái, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức tại đơn vị; nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức tại đơn vị. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Quyết định 1223 bộc lộ nhiều nội dung chưa phù hợp. Vì vậy, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định 1223. Ngày 03/6/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ban hành quy định thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thay thế Quyết định 1223.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như đơn vị sự nghiệp chưa hoàn toàn chủ động thực hiện quy định Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV; công tác tuyển dụng, sử dụng biên chế còn phụ thuộc ở địa phương.
Thông qua việc đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV, Sở Tư pháp Bình Định đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau: Hiện nay chế độ đãi ngộ đối với người lao động đang làm công tác trong ngành Tư pháp chưa đồng bộ, còn bất cập như một cử nhân Luật ra trường được tuyển dụng công chức thì được hưởng lương và phụ cấp công vụ, đối với công chức là thanh tra Tư pháp thì được hưởng lương và phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Trong khi đó, để được bổ nhiệm các chức danh Trợ giúp viên pháp lý, Công chứng viên, Đấu giá viên phải qua đào tạo nghiệp vụ bổ trợ tư pháp và thực hiện tập sự mới đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhưng cũng chỉ hưởng lương và phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 15-25% lương; đối với các chức danh nghề nghiệp, ngoài yêu cầu trình độ cử nhân Luật bắt buột phải qua đào tạo nghề trợ giúp pháp lý, công chứng viên, đấu giá viên đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp nên thực hiện thống nhất chế độ, chính sách như: phụ cấp công vụ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên./.