Nghệ An: Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính

08/08/2017
Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị có đồng chí: Lê Xuân Đại – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Quốc Hào – Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được ban hành, UBND tỉnh Nghệ An kịp thời, chủ động ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan thông tin trên địa bàn tỉnh như Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An là những cơ quan giữ vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đến với người dân.
Nhận thức của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật có nhiều chuyển biến, bảo đảm trật tự kỷ cương trong quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Từ năm 2013 đến 3/2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện 966.688 vụ việc VPHC, đã xử phạt 946.455 vụ, chưa xử phạt 6.984 vụ, chuyển xử lý bằng hình thức khác 13.246 trong đó chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 3.107, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 10.142. Tổng số đối tượng bị xử phạt 1.011.405, trong đó đối tượng là tổ chức 34.319, cá nhân 977.086 (người thành niên 882.548, người chưa thành niên 94.538).
Ban hành 1.005.707 quyết định xử phạt VPHC, 1.810 quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền, 248 quyết định bị cưỡng chế, 43 quyết định bị khiếu nại; 01 quyết định bị khởi kiện. Tổng số tiền thu được từ bán thanh lý tang vật phương tiện bị tịch thu 68.698.213.640 đồng, tổng số tiền phạt thu được 745.948.178.756 đồng.
Số lượng người bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính qua các năm có xu hướng tăng, 02 hình thức được áp dụng chính là “giáo dục tại xã, phường thị trấn” và “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân chính như: Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhiều hệ luỵ, một trong số đó là việc trẻ hoá đối tượng vi phạm pháp luật, số lượng người chưa thành niên vi phạm hành chính ngày càng tăng.Với số lượng thất nghiệp chiếm tỉ lệ lớn so với cả nước, tỉnh Nghệ An lại là nơi có địa hình phức tạp, là nơi trung chuyển của các tội phạm về ma tuý nên số lượng người nghiện ma tuý cũng chiếm tỉ lệ khá cao. Bên cạnh đó, xã hội cộng đồng đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con người ngay chính tại gia đình, địa phương. Những gia đình có thành viên vi phạm pháp luật, sử dụng ma tuý cũng đã tự nguyện tìm đến các khám chữa bệnh, cai nghiện bắt buộc, tình trạng vì sợ kì thị dẫn đến dấu diếm, bỏ mặc các đối tượng vi phạm, nghiện ngập bên ngoài xã hội ngày càng giảm so với trước đây. Từ 2013 đến 3/2017, có 9804 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phương, thị trấn 5457, đưa vào trường giáo dưỡng  225, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 269, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 3853 đối tượng.
Tuy nhiên, liên quan đến công tác thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính vẫn còn có nhiều vướng mắc. Đến thời điểm hiện tại đã có 1.001.645 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành, 4.062 quyết định chưa được thi hành.
Thực tế này do một số nguyên nhân như một số tổ chức, cá nhân vi phạm có điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành quyết định; một số đối tượng cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, việc tổ chức cưỡng chế thi hành gặp nhiều khó khăn, chi phí để tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt; việc thi hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp đối tượng là người lao động tự do, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu dự hội nghị cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính như tại một số địa phương vùng dân tộc thiểu số, lực lượng chuyên trách, nòng cốt còn mỏng, bất đồng ngôn ngữ, cản trở công tác tuyên truyền pháp luật. Công tác phối hợp giữa một số ngành, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính còn chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên, đôi lúc thiếu tính thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, một số điều khoản được quy định trong Luật còn chưa cụ thể gây khó khăn trong công tác triển khai thi hành. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành Luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại – Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính của các cấp, các ngành trong thời gian qua.
Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành rút kinh nghiệm từ thực tiễn, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành luật pháp.Để công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả, cần tập trung một số giải pháp như :
tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật XLVPHC. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật XLVPHC; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong toàn để tập trung quản lý; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 8 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. 
Nguyễn Quế Anh – PGĐ Sở Tư pháp Nghệ An