Hà Tĩnh: Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ

06/10/2016
Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, công tác pháp chế trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, trong tổng số 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã có 04 đơn vị bố trí cán bộ chuyên trách pháp chế, còn lại 06 đơn vị giao cho Thanh tra, 03 đơn vị giao cho Văn phòng, 01 đơn vị giao cho Phòng Tổ chức cán bộ. Mặc dù chưa thành lập được phòng Pháp chế ở các sở, ban, ngành nhưng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác pháp chế đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tích cực trong việc tham mưu cho lãnh đạo cơ quan thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần hoàn thiện các thể chế, chính sách của tỉnh. Một số đơn vị còn tổ chức các mô hình để triển khai công tác pháp chế và hoạt động hiệu quả như Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Tổ pháp chế với 05 thành viên được cử từ các phòng chuyên môn, Sở Công Thương thành lập Phòng pháp chế và kiểm tra tại Chi cục quản lý thị trường.
Đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành đã tích cực chủ động tham mưu triển khai các nhiệm vụ pháp chế được giao trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL,…, như: tham mưu cho lãnh đạo cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL; tích cực, chủ động trong việc chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp soạn thảo các văn bản QPPL do các phòng chuyên môn phụ trách trước khi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp và trình UBND tỉnh quyết định; tham gia góp ý cho các dự thảo văn bản QPPL của UBND tỉnh và các văn bản QPPL của Trung ương; giúp Thủ trưởng đơn vị thực hiện đầy đủ và thường xuyên các nội dung liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL;…Mặc dù trong điều kiện khó khăn về biên chế, nhưng các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong việc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách, hoặc kiêm nhiệm, nhờ đó, đội ngũ cán bộ pháp chế đã đảm bảo thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác pháp chế, trong những năm qua, Sở Tư pháp cũng đã tích cực, chủ động trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý công tác pháp chế tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế tại một số đơn vị, đã lồng ghép tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm cho cán bộ pháp chế, báo cáo kịp thời công tác pháp chế theo định kỳ, hoặc theo yêu cầu đột xuất của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế ở Hà Tĩnh vẫn còn một số tồn tại như: Mỗi cơ quan, đơn vị giao cho bộ phận khác nhau nên công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất; Một số đơn vị bố trí cán bộ kiêm nhiệm từ các biên chế thuộc các phòng có chuyên môn, nghiệp vụ khác (chưa có trình độ chuyên môn Luật) nên việc triển khai một số nhiệm vụ còn hạn chế;…
Thiết nghĩ trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về công tác pháp chế ở địa phương; có cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và các điều kiện khác cho đội ngũ cán bộ pháp chế; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành địa phương…để công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới./.
Kim Lân