Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình làm việc với Sở Tư pháp

13/07/2016
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình làm việc với Sở Tư pháp
Sáng ngày 5/7, đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (Ban Chỉ đạo) tỉnh Thái Bình cùng các thành viên Ban Chỉ đạo đã làm việc với Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp của Sở .
Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Trọng Xá, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Sở báo cáo tình hình triển khai và giải đáp các vấn đề có liên quan công tác cải cách tư pháp của Sở Tư pháp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, trong thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở đã làm tốt công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật để kiểm soát chất lượng văn bản ban hành và giám sát việc thực thi pháp luật có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, công tác cải cách tư pháp của Sở Tư pháp còn một số tồn tại như đội ngũ luật sư hiện nay hoạt động trong tỉnh ít, chủ yếu ở tỉnh ngoài, số luật sư thông thạo ngoại ngữ, luật pháp quốc tế còn mỏng; một số lĩnh vực giám định chưa có giám định viên như: ngân hàng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp; chế định thừa phát lại chưa được triển khai.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và cải cách tư pháp nói riêng, đảm bảo công tác này đi vào chiều sâu, hiệu quả, tránh hình thức; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định ban hành văn bản QPPL; làm tốt công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh đổi mới công tác đấu giá tài sản, hạn chế thấp nhất việc dìm giá góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngọc Hiển