Một số quy định của tỉnh Lai Châu về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

21/11/2007
Ngày 05/11/2007 Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định số 23/2007/QĐ - UBND về việc ban hành quy chế quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp.

 Theo nội dung quy chế thì, đối tượng áp dụng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá quá thấp (những người không biết tiếng phổ thông hoặc biết tiếng phổ thông nhưng nói chậm, hiểu chậm, biết nói nhưng không biết viết), có hộ khẩu thường trú tại Lai Châu có nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1.Giáo viên giảng dạy lớp đào tạo giấy phép lái xe mô tô hạng A1 là người biết tiếng dân tộc, nếu không có giáo viên biết tiếng dân tộc thì cơ sở đào tạo phải thuê người phiên dịch.

Đồng bào là dân tộc thiểu số có nhu cầu thi lấy giấy phép lái xe hạng A1 phải là người đủ 18 tuổi trở lên, có sức khoẻ bảo đảm. Người đăng ký dự thi phải nộp hồ sơ tuyển sinh tại cơ sở đào tạo gồm:

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy xác nhận thay chứng minh nhân dân;

- Đơn xin học và thi lấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo mẫu. Nếu người đăng ký dự thi không biết đọc, biết viết thì có thể nhờ người khác viết đơn và điểm chỉ, đơn có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của UBND cấp xã nơi người đó cư trú;

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên cấp;

- Giấy xác nhận trình độ văn hoá do UBND xã nơi người dự học cư trú cấp, có dán ảnh và đóng dấu giáp lai theo mẫu.

Thí sinh đủ điều kiện được tuyển sinh vào lớp đào tạo, khi học thí sinh được học lý thuyết theo giáo trình do cơ sở đào tạo biên soạn dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở giáo trình do Bộ Giao thông vận tải biên soạn và đã được lược bỏ bớt một số nội dung cho phù hợp với đối tượng, thời gian học lý thuyết không dưới 10 tiết và thời gian thực hành tay lái là 04 tiết.

Sau khi học lý thuyết thí sinh được hướng dẫn thực hành như được hướng dẫn về cấu tạo xe, cách điều khiển xe trên đường, các biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường, được hướng dẫn kỹ năng lái xe trong hình thi liên hoàn.

Thí sinh được đào tạo theo phương pháp trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, bằng động tác mẫu, bằng chỉ dẫn và hỏi đáp trên cơ sở những hình ảnh mẫu về vi phạm giao thông đường bộ.

Sau khi học lý thuyết và thực hành, thí sinh phải thi sát hạch, phần thi lý thuyết được thực hiện bằng hai hình thức là thi trắc nghiệm và thi vấn đáp được áp dụng cho những thí sinh khác nhau, thí sinh phải trả lời 10 cầu hỏi:

Đối với thí sinh là người biết đọc, biết viết chậm thì tự ghi các trích ngang vào giấy thi, được phát đề thi và làm bài thi trong 15 phút cho 10 câu hỏi, đúng 7/10 câu là đạt yêu cầu.

Đối với thí sinh không biết đọc, biết viết thì giám khảo kê khai trích ngang trong giấy thi cho thí sinh, thí sinh được rút thăm đề thi trong bộ đề thi in sẵn, một giám khảo hỏi, một giám khảo giúp thí sinh đánh dấu theo đáp án mà thí sinh đã chọn, thời gian hỏi và trả lời cho thí sinh là 15 phút, trả lời đúng 7/10 câu hỏi là đạt yêu cầu.

Thí sinh đạt yêu cầu trong nội dung thi lý thuyết mới được dự thi thực hành. Khi thi thực hành, thí sinh đạt 80/100 điểm  là đạt yêu cầu. Thí sinh đạt yêu cầu trong nội dung thi lý thuyết và thi thực hành được lập hồ sơ để công nhận trúng tuyền và được cấp giấy phép lái xe. Thời hạn cấp là 15 ngày kể từ ngày trúng tuyển. Thí sinh không đạt yêu cầu trong nội dung thi lý thuyết lần đầu thì được đăng ký thi lại ở kỳ kế tiếp, nếu vẫn không đạt thì phải tham gia đào tạo lại từ đầu, không được miễn. Thí sinh thi thực hành lần một không đạt thì được bảo lưu kết quả thi lý thuyết sang kỳ sau hoặc đăng ký thi lại thực hành lần 2. Nếu thi lần 2 không đạt thì phải đăng ký thi lại kỳ sau không được bảo lưu kết quả thi lý thuyết; thí sinh thi lại không đạt yêu cầu ở một trong hai nội dung thi lý thuyết hoặc thực hành thì phải đăng ký tham gia đào tạo lại từ đầu.

Quy chế cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện, đó là:

Nghiêm cấm UBND cấp xã thu thêm tiền lệ phí xác nhận trình độ văn hoá cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp khi làm hồ sơ học và thi lấy giấy phép lái xe.

Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác minh và xác nhận đúng trình độ văn hoá của người đến xin xác nhận hồ sơ đi học và thi lấy giấy phép lái xe. Không được xác nhận sai sự thật về trình độ văn hoá hoặc xác nhận không rõ, khai man về trình độ văn hoá để lợi dụng học và thi theo quy chế này.

Uỷ ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm thông báo đến từng thôn, bản để nhân dân biết để tham dự và thi lấy giấy phép lái xe…

Nguyễn Minh Hiệp