Công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá VBQPPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

14/11/2007
Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm vừa qua đã từng bước đi vào nề nếp, nhất là từ khi có Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004. Hầu hết các dự thảo văn bản trước khi ban hành đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan thông qua các hội nghị hoặc bằng văn bản. Một số dự thảo văn bản được tổ chức lấy ý kiến nhiều lần do nội dung phức tạp hoặc khi các ngành chưa có sự thống nhất cao.

Sở T­ư pháp đã làm tốt vai trò phối hợp soạn thảo, tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh do các ngành chủ trì soạn thảo và tích cực tham gia ngay từ giai đoạn soạn thảo, do đó các dự thảo văn bản của tỉnh cơ bản đảm bảo chất lượng. Việc tham gia ý kiến và thẩm định các dự thảo văn bản QPPL cơ bản có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ yêu cầu. Các ý kiến thẩm định đều được các Sở, ban, ngành tiếp thu chỉnh sửa. Các văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh sau khi ban hành đều đảm bảo phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế, góp phần thiết thực vào hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh ở địa phương.

 Cấp tỉnh, HĐND, UBND đã ban hành 173 văn bản QPPL; Cấp huyện tổng số văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành là: 278 văn bản.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở địa phương, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia vào các dự thảo văn bản do các cơ quan Trung ương soạn thảo và lấy ý kiến. Từ đầu năm 2005 đến nay đã tham gia ý kiến vào 58 dự thảo văn bản. Nhiều ý kiến tham gia của tỉnh đã được các Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý. 

Ngay sau khi Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính Phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL được ban hành, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức Hội nghị và mời Báo cáo viên của Bộ Tư pháp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thành, thị nhằm thực hiện tốt Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính Phủ. Các huyện, thành, thị cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho cán bộ, công chức của các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

          Để làm tốt công tác phối hợp tự kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND, UBND tỉnh ban hành Quyết định số ban hành quy chế phối hợp tự kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành quy chế đã tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng, ban hành, kiểm tra văn bản, đảm bảo đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung và hình thức phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.

 Ở cấp tỉnh, kết quả tự kiểm tra văn bản: Sở Tư­ pháp thực hiện công tác tự kiểm tra văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành trong năm 2005. Tổng số văn bản tự kiểm tra là: 65 văn bản. Năm 2006, Sở Tư pháp đã kiểm tra được 52 văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổ chức kiểm tra văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính do địa phương ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra 11 văn bản, trong đó có: 01 Nghị quyết của HĐND, 02 Quyết định, 06 Chỉ thị và 02 văn bản hành chính nhưng chứa QPPL của UBND tỉnh.

 Kết quả kiểm tra văn bản theo chức năng:  Trong năm 2005 và 2006, Sở Tư pháp đã tổ chức 2 đợt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chứa quy phạm pháp luật của 9/9 huyện, thành, thị và 10 Sở, ban, ngành của tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Cơ bản các văn bản do HĐND và UBND cấp huyện ban hành đều có nội dung phù hợp pháp luật. Tuy nhiên còn nhiều văn bản ban hành chưa đúng về thể thức và kỹ thuật trình bày. Một số văn bản ban hành dưới hình thức văn bản hành chính nhưng chứa quy phạm pháp luật và có thể thức và nội dung chưa phù hợp với pháp luật. Sở Tư pháp đã có ý kiến để các Sở, ngành, huyện, thành, thị rút kinh nghiệm và chỉnh sửa cho phù hợp. Đặc biệt, trong đó Sở Tư pháp đã kiến nghị UBND huyện Bình Xuyên xử lý 02 văn bản hướng dẫn giao đất cho cán bộ, công chức trái pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2007, Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra tổng thể văn bản QPPL còn hiệu lực do HĐND và UBND của 9/9 huyện, thành, thị và 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Nhìn chung chất lượng văn bản QPPL của HĐND và UBND các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn được kiểm tra đã được nâng lên một cách rõ rệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều văn bản ban hành chưa đúng thể thức theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; trong đó có 20 văn bản QPPL do HĐND và UBND các huyện, thành, thị và 16 văn bản QPPL do HĐND và UBND xã, phường, thị trấn ban hành ban hành chưa đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật. Sở Tư pháp đã có thông báo đến các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn để xử lý theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 01 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ở cấp huyện: Từ năm 2005 đến nay, Phòng Tư pháp cấơ huyện đã tổ chức kiểm tra được 7.255 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND xã, phường, thị trấn ban hành. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 60 văn bản có dấu hiệu vi phạm. Phòng Tư pháp đã có ý kiến để HĐND và UBND các xã, phường, thị trấn xử lý theo thẩm quyền.

 Kết quả công tác rà soát văn bản QPPL: Để có cơ sở xây dựng Dự kiến chương trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh, định kỳ vào tháng 12 hàng năm Sở Tư pháp đều phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND tỉnh tổ chức rà soát văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh nhằm tìm ra những văn bản không còn phù hợp để đề nghị HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, nghiên cứu các văn bản Trung ương và tình hình thực tiễn để đưa vào Chương trình xây dựng mới văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.

Riêng năm 2006, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về tổng rà soát, hệ thống hoỏ văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp, để chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức tổng rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành trong 10 năm, từ ngày 01/01/1997 đến ngày 31/12/2006; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo tổng rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố 96 Quyết định, 142 Chỉ thị do UBND tỉnh ban hành đã hết hiệu lực áp dụng và bãi bỏ 43 Quyết định của UBND tỉnh đã ban hành không còn phù hợp. Đồng thời, UBND tỉnh đã có tờ trình HĐND tỉnh công bố 53 Nghị quyết của HĐND tỉnh hết hiệu lực áp dụng và bãi bỏ 04 Nghị quyết của HĐND tỉnh không còn phù hợp.

          Đối với các văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực áp dụng đã được biên tập và in thành cuốn: Hệ thống văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh Vĩnh phúc (1997- 2006), phát cho các cấp, các ngành trong tỉnh để tiện nghiên cứu áp dụng, đồng thời đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

          Đối với cấp huyện và cơ sở: Đã rà soát được 573 văn bản QPPL, gồm 176 Nghị quyết, 341 Quyết định và 56 Chỉ thị; trong đó, văn bản hết hiệu lực: 230 văn bản; văn bản còn hiệu lực: 339 văn bản; văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung: 04 văn bản. Ở cơ sở đã rà soát được 1.999 văn bản QPPL, gồm 1.321 Nghị quyết; 678 Quyết định và Chỉ thị;  trong đó, văn bản hết hiệu lực: 957 văn bản; văn bản còn hiệu lực: 1.035 văn bản; văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung: 3 văn bản; văn bản đề nghị huỷ bỏ: 4 văn bản.

          Ngoài ra, năm 2007 thực hiện công văn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp  về việc rà soát văn bản pháp luật thực hiện Nghị quyết số 71/2006/QH11 và Nghị quyết số 16/2007/NQ- CP của Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập hợp và lập danh mục các văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành có liên quan đến WTO của Việt Nam, đánh giá mức độ phù hợp, không phù hợp để từ đó có cơ sở sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, huỷ bỏ, bãi bỏ văn bản. Qua rà soát tổng số 37 văn bản có liên quan đến cam kết WTO, có 23 Quyết định, 11 Chỉ thị của UBND tỉnh và 03 Nghị quyết của HĐND tỉnh. Kết quả rà soát cho thấy: Hầu hết các quy định của địa phương đều phù hợp với yêu cầu của WTO về tính minh bạch công khai, chính sách thương mại, dịch vụ, hàng hoá, đầu tư, sở hữu trí tuệ...trong đó có 04 văn bản cần sửa đổi, bổ sung.                                                                                                        

Kim Yến