Ngành Tư pháp Điện Biên: Kết quả phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em 2004-2006.

25/10/2007
Thực hiện Quyết định số: 130/2004/QĐ-TTG ngày 14/7/2004 của Thủ Tướng Chính phủ. Nghị quyết số: 01 Liên tịch của Bộ Tư Pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ngày 5/1/2005, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên đã ký kết chương trình kế hoạch liên ngành về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ, chống xâm hại và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình phối hợp sau khi được ký kết, Sở Tư pháp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên, hướng dẫn chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với các huyện Hội Phụ nữ, xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai tới các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Sở Tư pháp chú trọng công tác tham mưu UBND tỉnh về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ở địa phương, chủ yếu xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện chương trình phối hợp liên ngành về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ.

Qua thực hiện triển khai Đề án 4 về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ở địa phương, từ năm 2004-2006 Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tham gia lấy ý kiến vào các dự thảo luật như: Luật Bình đẳng giới, Luật Giáo dục, phiếu khảo sát thăm dò của Bộ Tư pháp, các Thông tư, Nghị định của Chính phủ. Có các nội dung liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em như: về kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài..., ngoài ra còn xây dựng các mô hình cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thông qua các loại hình như: "câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật", "Trợ giúp pháp lý", "Thanh niên tham gia phòng chống tội phạm", "Nông dân với pháp luật", hiện nay trên toàn tỉnh đã thành lập 37 câu lạc bộ pháp luật.

Trong đó: 14 câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, ngành Tư pháp trực tiếp xây dựng 6 câu lạc bộ, thường xuyên tổ chức  sinh hoạt theo định kỳ, các buổi sinh hoạt lồng ghép với tuyên truyền pháp luật chú trọng những nội dung có liên quan đến các quyền, lợi ích của Phụ nữ và trẻ em như: Quyền đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật giáo dục, các văn bản về pháp luật chống phân biệt và đối xử với Phụ nữ và Trẻ em.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật để người dân có ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Ngành Tư pháp luôn chủ động phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ, tăng cường việc thực hiện triển khai chương trình, kế hoạch đã được ký kết giữa hai cơ quan, qua 3 năm thực hiện kết quả đạt được khá khả quan trong việc triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Phụ nữ và trẻ em khi bị xâm hại đã được thông qua công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia bào chữa trong các vụ án.

Phương hướng trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:                                                   

Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia lấy ý kiến các dự thảo luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Khảo sát đánh giá việc thực hiện pháp luật về công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương để phục vụ cho công tác hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật ở những vùng, địa phương có nguy cơ cao về buôn bán phụ nữ và trẻ em ở tại địa phương.

Phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, sơ kết đánh giá tình hình kết quả về những mô hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để phù hợp với tình hình mới hiện nay ở địa phương.      

Trần Khánh Trang