Phải có quyết tâm thực hiện tất cả các giải pháp đề ra

27/06/2018
Phải có quyết tâm thực hiện tất cả các giải pháp đề ra
Tiếp tục chương trình hợp tác giữa 2 cơ quan, hôm qua (27/6), Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị công tác pháp chế năm 2018 với chủ đề “Đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật” do Dự án GIZ của CHLB Đức tài trợ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, Giám đốc Dự án GIZ Michael Krakowski đồng chủ trì Hội nghị.

Bước quan trọng để lựa chọn phương án giải quyết tối ưu nhất
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, đánh giá tác động chính sách là chủ đề khó, phức tạp, mang tính thời sự, là một trong những nghiệp vụ pháp chế mới, quan trọng mà tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương là đầu mối thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Qua 2 năm theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, ngành, địa phương bước đầu nắm rõ, cơ bản thực hiện được quy trình xây dựng pháp luật, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần tháo gỡ như lập đề nghị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với thời hạn quy định; hồ sơ lập đề nghị chưa đầy đủ; nội dung chính sách trong một số trường hp chưa sát thực tiễn, đánh giá tác động chính sách còn mang tính hình thức… Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò tham mưu của tổ chức pháp chế.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, việc đánh giá tác động chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý. Theo Thứ trưởng Diệp, hiểu được vai trò của đánh giá tác động chính sách đối với xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý có chất lượng mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều quan tâm và ưu tiên thực hiện. Ở nước ta, việc đánh giá tác động chính sách được quy định khá cụ thể trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Theo đó, đánh giá tác động chính sách cần dự báo được khả năng tác động của chính sách về các mặt kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật.
 Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang tiến hành xây dựng Bộ tài liệu về quy trình đánh giá tác động chính sách về xã hội để dần hoàn thiện việc đánh giá tác động của chính sách có hiệu quả và khả thi để không phát sinh “sự cố” đáng tiếc như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đây. Thông tin, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ LĐTBXH trong thời gian tới rất nặng nề, nhất là dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội khóa 14  là Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)…, Thứ trưởng Diệp trân trọng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ  trong xây dựng tham gia ý kiến góp ý, thẩm định kịp thời các văn bản đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng cao.
Cần nhận thức đầy đủ, thống nhất về vị trí, vai trò của công tác pháp chế
Bên cạnh đó, Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá công tác pháp chế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, đặc biệt thẳng thắn nhìn nhận các vướng mắc, khó khăn và trao đổi, thảo luận các giải pháp. Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chất lượng một số dự án, dự thảo luật chưa được như mong muốn mà Công thư số 160/LĐCP của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập. Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt thì chỉ ra một tồn tại kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục triệt để là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Kim Dung chia sẻ nhiều yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua của Bộ. Nhờ vậy, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của ngành là Phòng Pháp chế của Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương gần như bị giải tán và bà Dung lo lắng, việc sáp nhập tới đây chắc còn thu hẹp hơn nữa. Từ đó, bà Dung kiến nghị sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 55/2011/NĐ-CP theo hướng trong điều kiện biên chế hạn hẹp thì cân nhắc theo từng cơ quan, riêng ngành Giáo dục nên có Phòng Pháp chế bởi lĩnh vực giáo dục ảnh hưởng đến toàn xã hội. Ngoài ra, bà Dung phân tích, quy trình xây dựng pháp luật được tách thành 2 giai đoạn (xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản) nhưng thực tế chưa đầu tư nhiều cho giai đoạn xây dựng chính sách nên cần nghiên cứu sao cho cân bằng được 2 giai đoạn.
Ông Nguyễn Đình Thơ (Đài Truyền hình Việt Nam) rất tâm tư với việc Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi. Theo ông Thơ, một trong những nguyên nhân là các cơ quan chức năng mới chỉ phổ biến pháp luật các văn bản sau khi được ban hành mà chưa coi trọng việc phổ biến nội dung chính sách. Cũng liên quan đến công tác phổ biến, ông Thơ đề xuất, bên cạnh các phương pháp truyền thống, cần quan tâm đến hiệu quả của việc sử dụng mạng xã hội khi đã có nhiều phim truyền hình tạo được sức hút với khán giả qua kênh này.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thực sự “giật mình” với chia sẻ rất thật của bà Lê Thị Kim Dung vì sau bao nhiêu năm xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế, có hiệu quả như thế giờ sắp về con số không. Đây không phải là vấn đề của riêng ngành Giáo dục vì theo thống kê, cả nước chỉ có hơn 30% cán bộ pháp chế là làm chuyên trách. Trăn trở  với nhiều tồn tại khác như nhận thức về công tác pháp chế, về xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật chưa cao, còn khoán trắng cho cấp đơn vị hay tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng, vận động chính sách…, ông Nhưỡng đưa ra hàng loạt giải pháp như thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, đánh giá độc lập đối với chính sách, dự thảo văn bản để đối chứng với cơ quan chủ trì soạn thảo; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để tạo sự đồng thuận của nhân dân; nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định; quan tâm hơn đến nguồn lực hỗ trợ cho công tác làm chính sách…
Lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công thư số 160/LĐCP; chấn chỉnh công tác xây dựng pháp luật, củng cố, nâng cao năng lực của đơn vị, bộ phận pháp chế, các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các quy định của Nghị định số 55 để có nhận thức đầy đủ, thống nhất về vị trí, vai trò của công tác pháp chế. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế trong cơ cấu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; chú trọng khâu lấy ý kiến, hoạt động phổ biến cần vào cuộc sớm hơn; tăng cường phối kết hợp giữa các đơn vị, giữa các bộ, ngành, các ban, ủy ban của Quốc hội, có cơ chế huy động chuyên gia và cuối cùng là phải có quyết tâm thực hiện tất cả các giải pháp trên.

Nhân Hội nghị này, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 26 cán bộ pháp chế các bộ, ngành, địa phương.
H.Thư