Bộ Tư pháp tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg về cấp phiếu lý lịch tư pháp

24/01/2018
Bộ Tư pháp tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg về cấp phiếu lý lịch tư pháp
“Cần phải cân bằng giữa việc tạo sự thuận lợi cho người dân có được phiếu lý lịch tư pháp (PLLTP) với việc bảo đảm sự chính xác, bảo vệ bí mật đời tư cho người yêu cầu được cấp PLLTP” – đây là yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc trong Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký PLLTP trực tuyến (gọi tắt là Đề án 19) diễn ra sáng nay – ngày 24/01/2018.
Có 300.634 trường hợp cấp  PLLTP qua dịch vụ bưu chính, 80.313 trường hợp cấp PLLTP trực tuyến
Báo cáo tổng kết 03 năm thực hiện Đề án 19, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia cho biết, cả nước đã có 60/63 Sở Tư pháp triển khai phương thức cấp PLLTP qua dịch vụ bưu chính (trong đó có 11 Sở Tư pháp được giao thực hiện thí điểm, 49 Sở Tư pháp chủ động thực hiện thí điểm). Tính từ khi triển khai Đề án 19 đến 31/10/2017, các Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 300.634 trường hợp cấp PLLTP qua dịch vụ bưu chính.
Bên cạnh việc triển khai phương thức cấp PLLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp PLLTP trực tuyến đã triển khai tại 51/63 Sở Tư pháp với  80.313/83.302 trường hợp cấp PLLTP trực tuyến. Trường hợp đăng ký PLLTP trực tuyến bị từ chối tiếp nhận là do cá nhân khai thiếu, khai sai thông tin hoặc đăng ký sai thẩm quyền và chỉ chiếm 3,58% trên tổng số trường hợp đăng ký cấp PLLTP trực tuyến.  
Theo đánh giá từ các Sở Tư pháp mà Trung tâm LLTP quốc gia đã tổng kết được, việc đăng ký trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân, đặc biệt là người dân ở xa trung tâm tỉnh hoặc đang ở nước ngoài; góp phần cắt giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp PLLTP đã giảm được áp lực tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, hướng tới sự phục vụ người dân ngày một tốt.
Tiện lợi nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư cá nhân của người yêu cầu được cấp PLLTP
Đại diện của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, đến nay đã có 61/63 Bưu điện tỉnh/thành phố đã ký kết hợp đồng với các Sở Tư pháp triển khai thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ so yêu cầu, kết quả cấp PLLTP  qua dịch vụ bưu điện. Trong năm 2015, Bưu điện đã cung ứng 52.940 trường hợp cấp PLLTP, năm 2016 cung ứng 39.104 PLLTP, 09 tháng đầu năm 2017 tiếp tục cung ứng 48.067 PLLTP qua dịch vụ bưu chính. Theo ông, việc cung ứng dịch vụ bảo đảm đúng chỉ tiêu thời gian toàn trình, không để xảy ra trường hợp mất, thất lạc hoặc phản ánh từ cơ quan Tư pháp và người dân.
Còn đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc triển khai kết quả giải quyết cấp PLLTP qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là những người đang cư trú ở nước ngoài, góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân, đồng thời vẫn bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân. Ông cho biết, tính đến 31/10/2017, tổng số PLLTP đã cấp qua dịch vụ bưu chính là 36.157, tổng số PLLTP trực tuyến là 36.250.
Đề án 19 góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí lớn cho người dân
Kết quả trong 03 năm đã khẳng định bước đầu đạt được mục tiêu đề ra của Đề án 19, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Đề án 19 ban đầu chỉ có áp dụng với Trung tâm LLTP quốc gia và 11 tỉnh/thành phố, nhưng hiện nay đã có 60/63 tỉnh thành thực hiện cấp PLLTP qua dịch vụ bưu chính, 51/63 tỉnh/thành phố thực hiện cấp PLLTP qua hình thức trực tuyến. Đây chính là sự thành công của Đề án với sự tham gia tự nguyện rất nhiều địa phương. Đề án 19 đã mang lại sự lựa chọn nhiều hơn cho người dân, bên cạnh những quy trình đã được pháp luật quy định góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí lớn cho người dân.
Ghi nhận sự nỗ lực của Trung tâm LLTP quốc gia, các Sở Tư pháp và các tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án 19, Thứ trưởng cho rằng, mặc dù mới được thực hiện trong 3 năm, nhưng Đề án đã tạo được cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan tư pháp và các tổ chức khác để Đề án 19 đi vào cuộc sống và khai thác được thế mạnh của Đề án.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng cho rằng, PLLTP được cấp qua các hình thức nêu trên trong vòng 3 năm còn ở mức độ, do vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa để truyền thông, thông tin để người dân biết, tin tưởng và sử dụng các hình thức này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc cần phải bảo đảm sự cân bằng giữa tạo sự thuận lợi cho người dân có được PLLTP với việc bảo đảm sự chính xác, bảo vệ bí mật đời tư cho người yêu cầu được cấp PLLTP…
Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, cần rà soát kỹ những rào cản từ thể chế và có đề xuất, kiến nghị cụ thể, đặc biệt là liên quan đến thủ tục hành chính, đến đăng ký trực tuyến theo đúng tinh thần Nghị quyết 36a… Thứ trưởng cũng yêu cầu Trung tâm LLTP quốc gia với vai trò là đầu mối phối hợp với đơn vị có liên quan đẩy  mạnh UDCNTT để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị Trung tâm phối hợp với các đơn vị, Sở Tư pháp nhân rộng kinh nghiệm của Đề án này đối với các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến khác mà Bộ, ngành Tư pháp hiện nay đang cung cấp…
Hoàng Vy Anh