Sửa đổi Luật giáo dục để phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

27/12/2017
Sửa đổi Luật giáo dục để phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa đã đồng chủ trì buổi họp thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Luật giáo dục được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010 (sau đây gọi chung là Luật giáo dục) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Sau 12 năm thực hiện Luật giáo dục, tổ chức và hoạt động  giáo dục đã ổn định và phát triển phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội đã đặt ra cho nền giáo dục những yêu cầu mới về chất lượng, trình độ nguồn nhân lực, sự đổi mới hệ thống và phương thức giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Luật giáo dục cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mang tính đổi mới, tạo bước đột phá nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý phục vụ cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (dự thảo Luật) bao gồm: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; Sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và một số quy định, điều về kỹ thuật.

Tại buổi họp thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu lên 03 vấn đề lớn cần xin ý kiến, bao gồm: chính sách tiền lương đối với nhà giáo; chính sách học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm và chính sách học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng;tnh hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo đối với hệ thống pháp luật; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật…