Hội thảo “Tình hình thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”

12/12/2017
Hội thảo “Tình hình thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”
Ngày 07, 08 tháng 12 năm 2017, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tình hình thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các đại diện đến từ các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại diện một số tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại diện các sở, ban, ngành, Phòng tư pháp các quận của thành phố Hà Nội, một số trường Đại học, Viện nghiên cứu về pháp luật và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Hội thảo do đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ) đã có hiệu lực thi hành được hơn 01 năm. Luật năm 2015 được ban hành với nhiều quy định mới như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; quy định các các hành vi bị nghiêm cấm đã tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xây dựng pháp luật; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động xây dựng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng hệ thống VBQPPL phức tạp do có quá nhiều loại văn bản, gây khó khăn khi theo dõi, xác định thứ bậc hiệu lực của các loại văn bản. Từ đó, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP là hai văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam.
Sau thời gian hơn 01 năm triển khai thi hành Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, nhìn chung, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục và các yêu cầu mới của Luật năm 2015. Trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao, thể hiện qua chất lượng của các hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong thời gian đầu thực hiện Luật năm 2015, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có cách hiểu và áp dụng một số quy định của Luật chưa thống nhất như việc nhận diện văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính, cá biệt; thẩm quyền ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; căn cứ pháp lý ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số địa phương vẫn còn tình trạng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp luật giao…
Hội thảo đã lắng nghe tham luận và nhiều ý kiến của các cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật đến từ các cơ quan trung ương và địa phương. Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về sự cần thiết và những định hướng lớn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1362/TTg-PL ngày 08/9/2017./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật