Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và BTNN trong lĩnh vực THADS

30/08/2017
Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và BTNN trong lĩnh vực THADS
Ngày 30/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước (BTNN) trong lĩnh vực Thi hành án dân sự (THADS) bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 63 điểm cầu địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Tư pháp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành.
Tham dự điểm cầu Trung ương còn có các Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, Mai Lương Khôi; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, các Thẩm tra viên, các chuyên viên phụ trách các lĩnh vực có liên quan và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Về phía điểm cầu địa phương có Cục trưởng Cục THADS, Trưởng các phòng và tương đương trực thuộc Cục; Chi cục trưởng Chi cục THADS, Chấp hành viên và Thẩm tra viên trên địa bàn.  
Quyết liệt thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để hạn chế tình trạng vượt cấp, kéo dài
Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Sơn đã báo cáo tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của các Cục Thi hành án trên toàn quốc. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đích danh một số địa phương cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác THADS nói chung, và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nói riêng.
Nêu các nguyên nhân dẫn đến hạn chế yếu kém, ông Sơn nhấn mạnh hạn chế trong nhận thức về công tác này của một bộ phận lãnh đạo đơn vị và của cán bộ được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; năng lực, trình độ, công tác tham mưu của cán bộ cho lãnh đạo đơn vị còn hạn chế, bên cạnh đó còn có hiện tượng buông lỏng, nể nang, xử lý cán bộ có sai phạm chưa nghiêm…
Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông đưa ra các giải pháp, trong đó nhấn mạnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo ông, người đứng đầu cần phải nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác này, gắn công tác tiếp công dân với kiên trì vận động, giải thích, đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để hạn chế đơn thư khiếu nại; tăng cường kỷ luật hành chính, động viên khen thưởng kịp thời. Đặc biệt chú trọng đến công tác tiếp dân, đối thoại với đương sự, định kỳ Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải có buổi tiếp công dân và công khai kết quả giải quyết. Để nâng cao nghiệp vụ của cán bộ thực hiện công tác này, cần phải có tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, trong đó cơ quan thi hành án giữ vai trò nòng cốt, chủ động, thường xuyên rà soát, giải quyết đơn thư khiếu nại do đại biểu quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội gửi đến… Trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng nặng nề, biên chế còn thiếu, ông đề nghị phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong công tác thi hành án dân sự.
Báo cáo về công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS, ông Mai Lương Khôi  cho biết, từ thời điểm Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 có hiệu lực đến nay, hệ thống cơ quan THADS đã và đang theo dõi, giải quyết 37 vụ việc. Báo cáo tình tình về việc giải quyết bồi thường, ông nhấn mạnh về tình trạng vụ việc có nguy cơ phát sinh bồi thường nhà nước, trong đó có những vụ việc phức tạp.
Nêu lên các khó khăn, vướng mắc, hạn chế tồn tại của công tác này, ông Khôi cũng chỉ ra các nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía Tổng cục đến Cục, Chi cục và cán bộ được phân công thực hiện công tác bồi thường. Bên cạnh việc nhận thức của cán bộ về công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực này còn có những hạn chế nhất định thì còn có vướng mắc về thể chế. Ông cũng nhận định rằng, công tác bồi thường nhà nước là mới và hết sức phức tạp, do đó cán bộ thực hiện còn lúng túng, chưa kịp thời. 
Nêu lên các giải pháp, ông cho rằng, phải nhận dạng được các sai phạm, sai sót trong trình tự, thủ tục để không phát sinh hậu quả và việc phải bồi thường. Ông đề nghị, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và giải quyết công tác bồi thường nhà nước kịp thời; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thực hiện; Nâng cao công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đúng quy định, đánh giá nhận dạng được nguy cơ bồi thường và hậu quả của nó; khi có quyết định về bồi thường cần tập trung giải quyết quyết liệt và dứt điểm…
Khẳng định tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác bồi thường trong lĩnh vực THADS, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đặc biệt nhấn mạnh, nếu thực hiện không tốt các công tác này, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của hệ thống THADS, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống THADS và uy tín của Bộ, ngành. Ông yêu cầu toàn hệ thống THADS phải nêu cao trách nhiệm, chấn chỉnh, đưa các công tác này vào nề nếp, thực hiện quyết liệt và đúng pháp luật để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Nhắc đến một số địa phương phải đặc biệt lưu ý về công tác THADS, ông đề nghị trong buổi trực tuyến này phải có giải trình rõ ràng, đưa ra hướng giải quyết và các biện pháp khắc phục khẩn trương.  
Có sự chuyển biến lớn trong việc tiếp công dân
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên của cơ quan nhà nước, công tác này được Bộ, và cơ quan THA thường xuyên quan tâm. Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ Nhân dân, bối cảnh thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về công tác THADS và nhất là trong tình trạng hiện nay là hiện tượng đơn thư khiếu khiếu nại, tố cáo sai phạm ngày càng nhiều, Hội nghị trực tuyến đã thể hiện rõ quyết tâm của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục trong việc thực hiện quyết liệt các công tác này.
Cơ bản đồng tình với kết quả, tồn tại, hạn chế và phương hướng đã nêu trong Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng biểu dương tinh thần thẳng thắn, trung thực về các vấn đề được nêu ra. Tổng cục và Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Lãnh đạo bộ giải quyết được nhiều vụ việc, có vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm. Nhắc nhở một số địa phương phải đặc biệt lưu ý về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thứ trưởng cũng biểu dương các địa phương không phát sinh khiếu nại, tố cáo của người dân. Thứ trưởng cho rằng, Tổng cục cũng như các Cục đã thực hiện tốt phương châm giải quyết tại cơ sở, thực hiện tốt công tác đối thoại với công dân, chú trọng đến kỹ năng của cán bộ tiếp công dân trong đó có kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu và giải thích đúng pháp luật. Thứ trưởng khẳng định, đã có sự chuyển biến lớn trong việc tiếp công dân. Về công tác giải quyết bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS, Thứ trưởng cho rằng cũng có bước chuyển biến nhất định.
Nhắc đến các tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý một số tồn tại như: Công tác tiếp dân, khiếu nại tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài có chiều hướng gia tăng, có tình trạng giải quyết không đúng quy định của pháp luật, nhất là không đúng thời hạn diễn ra rất phổ biến; Một số Thủ trưởng cơ quan không định kỳ tiếp công dân, chưa chú trọng văn hóa tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc; Người giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có biểu hiện nể nang, lòng vòng, né tránh, khi có sai phạm đã không xử lý, hoặc có xử lý thì không nghiêm… Nguy cơ phát sinh bồi thường, bảo đảm tài chính ngày càng lớn.
Thứ trưởng yêu cầu: phải cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo Cục, Chi cục; khi tiếp công dân, phải bố trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng giao tiếp tốt, đặc biệt phải xây dựng quy trình rõ ràng trong việc tiếp công dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, sớm ra kết luận kiểm tra, phát hiện kịp thời và thực hiện công tác hậu kiểm; thực hiện bài bản công tác bồi thường nhà nước, chú trọng công tác đàm phán, thực hiện quy trình thủ tục đúng luật định… Tổng cục, Thanh tra Bộ, các Cục và Chi cục phải phối hợp chặt chẽ, và quyết liệt trong việc thực hiện để giải quyết dứt điểm từng vụ việc…
Hoàng Vy Anh