Bộ, Ngành Tư pháp có thể vận dụng nhiều bài học kinh nghiệm trong tham mưu, giúp QLNN về công tác XDTHPL

03/03/2017
Bộ, Ngành Tư pháp có thể vận dụng nhiều bài học kinh nghiệm trong tham mưu, giúp QLNN về công tác XDTHPL
Ngày 4/3/2017, Bộ Tư pháp phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại”. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Phóng viên về một số vấn đề liên quan đến Hội thảo.
* Xin Bộ trưởng chia sẻ đôi nét về mục đích, ý nghĩa của Hội thảo?
- Bộ trưởng Lê Thành Long: Ngày 3/3/2017 là tròn 520 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông, một minh quân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - Người để lại những di sản đặc biệt quý báu về xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia. Về pháp luật, vua Lê Thánh Tông đã để lại Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức - một Bộ luật nổi tiếng về tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ và kỹ thuật lập pháp ở thời điểm đó. Về quản trị quốc gia, Lê Thánh Tông đã thiết lập được bộ máy quản lý nhà nước khá hoàn bị vươn tới tận làng, xã, bảo đảm quyền lực được thực thi thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở đồng thời chấn chỉnh chế độ quan lại theo nguyên tắc đề cao phẩm hạnh và thực tài.
Nhân dịp này, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại”. Hội thảo được tổ chức nhằm làm sáng tỏ những thành tựu trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để vận dụng trong thực tiễn xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây cũng là dịp để giới tư pháp, pháp luật nước nhà tri ân công ơn của vua Lê Thánh Tông và các bậc tiền nhân trong lịch sử đã có những đóng góp nền móng đặc biệt to lớn cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam đồng thời củng cố tinh thần tự tôn dân tộc trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
* Bên cạnh đó, mong Bộ trưởng cho biết khái quát tư tưởng chủ đạo trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông?
- Bộ trưởng Lê Thành Long: Càng nghiên cứu sâu về tư tưởng và kinh nghiệm cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước của vua Lê Thánh Tông, chúng ta càng thấy tầm vóc vĩ đại của Đức minh quân này trong lịch sử. Vua Lê Thánh Tông có rất nhiều tư tưởng rất đặc sắc, trong đó, phải kể tới tư tưởng trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương và trọng hiền tài trên nền tảng lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao.
Lê Thánh Tông hiểu rất rõ tầm quan trọng của pháp luật trong trị nước và rất đề cao pháp luật, đề cao công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Ông từng răn dạy các triều thần rằng “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi đều phải tuân theo” và “đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật”. Ông cho soạn Bộ Quốc triều hình luật để làm mực thước cho dân tuân theo. Đây là bộ luật vừa thể hiện tính nghiêm minh khi trừng trị người có hành vi xâm phạm các giá trị nền tảng của xã hội (bất hiếu, bất đạo, bất mục, bất nghĩa…), trừng trị nghiêm đội ngũ quan lại phạm tội, nhưng lại thể hiện tính nhân văn, nhân đạo đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội (như phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật…). Đây cũng là Bộ luật có ngôn ngữ và kỹ thuật lập pháp đạt trình độ rất cao, với ngôn từ rất phổ thông, dễ hiểu.
Triều vua Lê Thánh Tông đã thực hiện cải cách bộ máy nhà nước, bằng việc thiết lập bộ máy trung ương với sáu bộ (lục bộ - Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công) theo hướng thực việc, thực quyền, có sự phân công chức trách, nhiệm vụ rõ ràng. Để ngăn ngừa nguy cơ “hà lạm uy quyền”, Lê Thánh Tông đã rất coi trọng việc hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, với việc đặt thêm 6 khoa tồn tại song song với 6 bộ cùng với Ngự sử đài làm công việc “hặc tâu các quan làm bậy, soi xét ẩn khuất cho dân”. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đội ngũ quan lại (với tư cách là “nguồn gốc của trị loạn”) đối với sự phát triển của đất nước và sự hưng thịnh của vương triều, Lê Thánh Tông rất quan tâm hoàn thiện chế độ khoa cử để chọn lựa người tài làm nguồn bổ nhiệm quan lại. Điều đặc sắc nữa là ông đặc biệt coi trọng việc kiểm soát đội ngũ quan lại, giữ kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ quan lại. Ông ban hành luật hồi tỵ để phòng ngừa nguy cơ xung đột lợi ích trong thực thi công vụ thông qua việc cấm quan lại “lấy vợ người địa phương nơi mình trị nhậm”, “mua đất, mua vườn, mua ruộng, mua nhà tại địa phương nơi mình trị nhậm”... 
Lê Thánh Tông cũng hiểu thấu tầm quan trọng của hiền tài (“nguyên khí quốc gia”) đối với sự phát triển của đất nước và sự vững mạnh của vương triều. Ông rất quan tâm “bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí”. Sử cũ chép lại, khi mới lên ngôi được 2 năm (vào năm 1462), vua Lê Thánh Tông có sắc dụ cho thượng thư các bộ quan trọng trong triều rằng “Ta và các người thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân”. Thực tế cho thấy trong 38 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã luôn giữ đúng lời thề ấy.
* Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Vậy, theo Bộ trưởng, kinh nghiệm cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông gợi cho Bộ và Ngành Tư pháp những bài học tham khảo nào trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật giai đoạn hiện nay?
- Bộ trưởng Lê Thành Long: Những giá trị và kinh nghiệm trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay, nhất là trước thực tế mà Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 đã nêu “thực thi pháp luật vẫn còn yếu”, “thi hành pháp luật không nghiêm” và còn “tình trạng nhờn luật trong xã hội”.
Thứ nhất, cần đề cao hơn nữa vai trò của pháp luật trong xã hội, bảo đảm pháp luật thực sự được thượng tôn trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đây cũng là yêu cầu quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở nước ta hiện nay. Thêm vào đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bám sát nhu cầu của thực tiễn, tính toán căn cơ với tầm nhìn dài hạn đồng thời nâng cao kỹ thuật lập pháp. Khảo cứu lịch sử cho thấy, để xây dựng được Bộ luật Hồng Đức - Bộ luật có sức sống và sự ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử dân tộc, vua Lê Thánh Tông đã giao các vị đại thần tiến hành nghiên cứu kỹ thực tế xã hội Việt Nam đương thời, phản ánh đúng và trúng nhu cầu phát triển lâu dài của xã hội. Ngôn ngữ và kỹ thuật lập pháp trong Bộ luật Hồng Đức vừa khoa học lại vừa gần gũi, dễ hiểu với đại đa số người dân, chứng tỏ khi soạn thảo tác giả Bộ luật này đã đặt mình vào vị trí của người dân – người tiếp nhận và tuân thủ quy định của pháp luật. Đây là những kinh nghiệm quý cần được vận dụng, học tập.
Thứ hai, cần đề cao công tác tổ chức thi hành pháp luật, đi kèm với việc xây dựng được bộ máy tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả, gọn nhẹ với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm quyền lực quốc gia được thực thi thống nhất, thông suốt đồng thời coi trọng yếu tố kiểm soát quyền lực trong quá trình thực thi công vụ. Theo tinh thần đó, cần đầu tư mạnh cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiên quyết khắc phục tình trạng nhờn luật trong bộ máy nhà nước và trong toàn xã hội. Đẩy mạnh thanh tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ đồng thời, tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương, kiên quyết xử lý tình trạng chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Thứ ba, thực sự coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng người có tài đức trong công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, và bổ nhiệm cán bộ. Đây cũng là việc thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII của Đảng, theo đó “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao… Đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ”.
Thực hành tư tưởng trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương và trọng hiền tài của Lê Thánh Tông là những bài học kinh nghiệm rất quan trọng mà trong thời gian tới, Bộ và Ngành Tư pháp có thể vận dụng trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm cải thiện mạnh mẽ chất lượng thể chế pháp luật, phúc đáp yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hành động vì người dân và doanh nghiệp.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Thư