Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi): Khắc phục tình trạng bồi thường kéo dài

08/11/2016
Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi): Khắc phục tình trạng bồi thường kéo dài
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 27.10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Sau hơn 06 năm thi hành, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Kết quả thi hành Luật cho thấy, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường; trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009 cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta. Thực tế đó đã làm cho Luật TNBTCNN hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, yêu cầu nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật TNBTCNN năm 2009 là rất cần thiết.
Dự thảo Luật trình Quốc hội có 9 chương, 78 điều, (so với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều).
ợng hóa một số thiệt hại được bồi thường
Dự thảo Luật bổ sung 01 điều về việc xác định thiệt hại (Điều 22). Cụ thể, thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh, các khoản lãi và chi phí khác theo quy định của Luật này. Giá trị các thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm giải quyết yêu cầu bồi thường. Trường hợp Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự thì giá trị các thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm giải quyết yêu cầu bồi thường trước đó. Dự thảo Luật đã bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật TNBTCNN năm 2009 quy định giúp người bị thiệt hại có căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường và mức yêu cầu bồi thường như: bổ sung quy định về căn cứ tính mức lãi suất (các khoản 4 và 5 Điều 23); lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24); thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25); thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26).
Bên cạnh đó, so với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo Luật đã quy định tăng mức thiệt hại về tinh thần trong một số trường hợp như: bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam (Điều 27). Việc tăng mức bồi thường cho các thiệt hại nêu trên cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Dự thảo Luật cũng quy định một điều (Điều 32) về các thiệt hại Nhà nước không bồi thường như thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại (điểm a khoản 1 Điều 32)...
Khắc phục tình trạng bồi thường kéo dài.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường. Cụ thể: Quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường (giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày). Đồng thời, bổ sung quy định về việc hoãn, tạm đình chỉ và đình chỉ việc giải quyết bồi thường để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại (Điều 44); dự thảo Luật bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền, thay vào đó, quy định trong quá trình thương lượng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Viện kiểm sát (trong hoạt động tố tụng) là thành phần bắt buộc tham gia để bảo đảm việc thương lượng được thống nhất ngay từ đầu, khách quan, minh bạch (Điều 46). Việc bỏ quy định kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường. Trên cơ sở biên bản tổng hợp kết quả thương lượng, cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm ra quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là căn cứ để cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí.
Dự thảo Luật (Điều 52) đã quy định cụ thể việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án và người tham gia tố tụng, theo đó, việc giải quyết bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật này. Trường hợp vụ việc đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án được áp dụng theo thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật đã quy định rõ về thẩm quyền của Tòa án (Điều 53) và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 54).
 Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại (từ Điều 55 đến Điều 57) theo hướng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai nhằm khắc phục tình trạng tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất; nhanh chóng khắc phục một phần tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại
Dự thảo Luật đã sửa đổi nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả. Quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; bổ sung quy định về các trường hợp được xét giảm mức hoàn trả, trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể, xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả (từ Điều 62 đến Điều 70).
Quy định về trách nhiệm hoàn trả nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn trả lại một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường.
                                                          Thu Hằng
Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, theo đó, việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này, trường hợp Luật khác có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì áp dụng các quy định của Luật này về thủ tục giải quyết bồi thường để giải quyết; việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật và được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường; Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường; trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại; việc giải quyết yêu cầu bồi thường phải được thực hiện tại cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định của Luật này trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp có yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong tố tụng thì cơ quan, người có thẩm quyền không xem xét, giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.