Bảo đảm hướng dẫn thống nhất quy định về thủ tục hành chính

14/10/2016
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015). Tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu phải tập hợp đầy đủ các vấn đề bộ, ngành, địa phương quan tâm để bảo đảm hướng dẫn đúng, nhất là quy định về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và bảo đảm quản lý nhà nước.
Thực hiện nghiêm quy định tiến bộ
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao về việc chủ trì, nghiên cứu trả lời bộ, ngành, địa phương liên quan đến quy định của Luật năm 2015, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương. Đến nay, chỉ còn quy định liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) trong một số văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 vẫn đang được một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề nghị hướng dẫn.
Để trao đổi, thống nhất cách hiểu quy định trên, Vụ đã tổ chức cuộc họp đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tư pháp. Theo  đó, cụm từ “trừ trường hợp được giao trong Luật” tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 (“kể từ ngày 1/7/2016, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương không được quy định TTHC, trừ trường hợp được giao trong luật”) được hiểu là thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương chỉ được quy định TTHC khi được giao trong luật, không phải được giao trong các văn bản dưới luật. Ngoài ra, việc quy định TTHC phải được giao một cách trực tiếp trong luật, không phải theo cách suy luận từ chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số luật được soạn thảo, ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực chỉ giao bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành một hoặc một số nội dung cụ thể (như quy định việc duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa; quy định về việc đăng ký phương tiện giao thông…) mà không trực tiếp giao quy định TTHC. Trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, bộ, ngành cần phải quy định TTHC. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ đã được giao trong luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương, đa số ý kiến đề nghị hướng dẫn quy định nêu trên theo hướng: “Bộ, ngành, địa phương được phép quy định TTHC trong trường hợp luật giao quy định chi tiết hoặc hướng dẫn một nội dung cụ thể mà phát sinh TTHC”.
Trong thời gian tới, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định mới này của Luật năm 2015, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, trường hợp cần phân cấp quy định TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật phải thiết kế rõ nội dung giao quy định về TTHC ngay tại điều, khoản cụ thể của dự thảo. Đề xuất này được các ý kiến đồng tình và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tán thành bởi có như vậy mới bảo đảm thực hiện quy định rất tiến bộ tại Điều 14 của Luật năm 2015, mang lại thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các TTHC.
Không được phát sinh TTHC mới
Cũng theo ông Tuyến, về việc sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC trong các thông tư, quyết định của UBND cấp tỉnh, một số ý kiến cho rằng quy định trên cần được hiểu như sau: Đối với thông tư, quyết định của UBND cấp tỉnh được ban hành trên cơ sở căn cứ vào các văn bản dưới luật (pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ…), kể từ ngày 1/7/2016, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh không được sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC trong các văn bản nêu trên. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định hoặc quyết định quy định về TTHC. Đối với thông tư, quyết định của UBND cấp tỉnh ban hành trên cơ sở được luật giao, trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ có quyền ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung quy định TTHC vì việc sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC phải được hiểu là trường hợp được giao trong luật.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thì nêu quan điểm, kể từ ngày 1/7/2016, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh không được sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC trong các văn bản đã ban hành trước ngày 1/7/2016 mà cần rà soát để bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định TTHC đó trong nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng có thể sửa đổi, bổ sung nhưng không được làm phát sinh TTHC mới, không làm phức tạp TTHC hiện hành.
                                                                     H.Thư