Bộ trưởng Lê Thành Long tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016

01/07/2016
Bộ trưởng Lê Thành Long tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016
Sáng 30/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khai mạc, chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016.

Với mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, công tác xây dựng thể chế được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ, nên khác với các Phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đây, trong Phiên họp này, Chính phủ đã đưa nội dung xây dựng thể chế là nội dung đầu tiên trong Chương trình làm việc hai ngày của mình.
Mở đầu Phiên thứ nhất về nội dung xây dựng thể chế, Bộ trưởng Lê Thành Long đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành theo dõi sát sao, thường xuyên đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong phạm vi chức năng của mình, Bộ Tư pháp đã đẩy nhanh và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động xây dựng, góp ý, thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, từ đó giúp các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng văn bản, trình cấp có thẩm quyến đúng tiến độ, nhất là trong việc xây dựng các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực vào ngày 01/7/2016.

Trong 6 tháng đầu năm, không tính 02 dự án được lùi thời hạn trình thì các bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua được 08 dự án. Đối với các dự án trình Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ thông qua 03/12 dự án, 03/12 dự án được trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp này, còn lại (trừ 03 dự án lùi sang Chương trình năm 2017 hoặc được rút khỏi Chương trình năm 2016) sẽ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại các Phiên họp tiếp theo.
Tính đến ngày 29/6/2016, với nhiệm vụ xây dựng, ban hành 251 văn bản quy định chi tiết thì các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền được 56/251 văn bản, đạt 32,54%, gồm 55/169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016; 01/82 văn bản quy định chi tiết 12 luật hoặc nội dung được luật giao quy định chi tiết có hiệu lực sau ngày 01/7/2016. Như vậy, số văn quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đến nay còn 114 văn bản chưa được ban hành (25 nghị định, 03 quyết định, 74 thông tư, 06 thông tư liên tịch giữa các Bộ và 06 liên tịch giữa bộ với ngành) chưa được ban hành, chiếm 67,46%. Trong số 28 văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện có 18 văn bản đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành và như vậy chỉ còn 10 văn bản đang được các bộ, cơ quan ngang bộ chỉnh lý, hoàn thiện để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt trong điều kiện triển khai thi hành Luật đầu tư (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015) với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 30/6/2016, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ 49/50 văn bản, còn 01 văn bản do Bộ Quốc phòng chủ trì hiện đang nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, qua theo dõi, thống kê, cũng cho thấy nhiệm vụ trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết trong những tháng còn lại của năm 2016 là rất nặng nề. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phải trình Chính phủ 12 dự án luật, pháp lệnh; phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua 23 dự án (phối hợp, chỉnh lý 05 dự án luật, pháp lệnh trình thông qua; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 01 dự án luật theo quy trình một kỳ họp; và trình cho ý kiến 17 dự án luật, pháp lệnh). Bên cạnh đó phải xây dựng, ban hành 195 văn bản, bao gồm: 114 văn bản (25 nghị định, 03 quyết định, 74 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016; 81 văn bản (56 nghị định, 02 quyết định, 23 thông tư) quy định chi tiết thi hành 12 luật và các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực sau ngày 01/7/2016.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành văn bản; Bộ trưởng các bộ, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ cần chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt hơn công tác thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ; hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản, nợ đọng văn bản. Đối với 28 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện đang nợ chưa ban hành, dự kiến có 18 văn bản sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Do vậy, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ cần sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 10 văn bản còn lại, nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng. Đối với 06 thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, trường hợp không kịp ban hành trước  ngày 01/7/2016, thì cần nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Các bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh trrong 6 tháng cuối năm 2016 cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo để Chính phủ cho ý kiến tại các phiên họp sau.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ về những khó khăn và giải pháp thực hiện trong thời gian tới đặc biệt với quyết tâm cao cho công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ cần nâng cao nhận thức, xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ mà Đảng và Nhà nước đã giao.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng nhưng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là việc khó khăn, tốn nhiều công sức và trí tuệ; do đó, trong thời gian tới các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quan tâm hơn nữa, đầu tư nguồn lực, biến quyết tâm vào công tác để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ cần coi công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, cần có kế hoạch xây dựng, phối hợp cụ thể với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để bảo đảm tiến độ, chất lượng, giải quyết dứt điểm tình trạng “nợ đọng” văn bản, không được để tạo ra các khoảng trống pháp lý; đồng thời, cần đưa công tác xây dựng thể chế vào nội dung họp giao ban của các bộ, cơ quan ngang bộ. Về công tác xây dựng và hoàn thiện các dự thảo quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã biểu dương Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã rất cố gắng trong công tác phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra để bảo đảm tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo nghị định này.
Dự kiến Phiên họp thường kỳ của Chính phủ sẽ diễn ra trong hai ngày (30/6 và 01/7/2016). Ngoài nội dung về xây dựng pháp luật, Chính phủ sẽ dành thời gian đề thảo luận và họp trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Vụ VĐCXDPL