Họp thẩm định Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án

10/06/2016
Chiều ngày 08/6/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án; tạm giữ, hoàn trả và nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm.
Hội đồng thẩm định, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định thành lập ngày 06/6/2016 (Quyết định số 1219/QĐ-BTP), gồm 13 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Chủ tịch và đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Bộ Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp.
Dự thảo Nghị định này được Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo nhằm quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án; tạm giữ, hoàn trả và nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Tại cuộc họp, tất cả các thành viên Hội đồng đều nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định. Đồng thời, Hội đồng đã có ý kiến về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào một số vấn đề về loại tiền nộp bảo đảm thi hành án, mức tiền nộp, phương thức nộp, trình tự, thủ tục nộp...
Về loại tiền nộp, thành viên Hội đồng cho rằng nên quy định loại tiền nộp bảo đảm thi hành án phạt tiền và thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là tiền Việt Nam đồng để bảo đảm sự phù hợp với quy định của Pháp lệnh ngoại hối. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên quy định loại tiền nộp có thể là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ để bảo đảm thuận lợi cho các pháp nhân nước ngoài và pháp nhân Việt Nam có sở hữu ngoại tệ; quy định này cũng là phù hợp với mục đích của biện pháp này là bảo đảm thi hành án vì tiền này không phải là tiền để lưu thông, giao dịch trên thị trường.
Về mức tiền nộp bảo đảm thi hành án và thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp có tình tiết định khung quy định mức thiệt hại về tài sản, một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, cần giải trình lý do vì sao cơ quan chủ trì soạn thảo lựa chọn khung từ 50% đến 100% mức tiền phạt cao nhất hoặc mức thiệt hại tài sản cao nhất quy định tại điều khoản đó. Đồng thời, một số ý kiến thành viên Hội đồng cũng đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định “Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết định khung quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 200 triệu đồng và không cao hơn 05 tỉ đồng (đối với trường hợp phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế); không thấp hơn 500 triệu đồng và không cao hơn 100 tỉ đồng (đối với trường hợp phạm tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 của Bộ luật hình sự); không thấp hơn 200 triệu đồng và không cao hơn 10 tỉ đồng (đối với trường hợp phạm các tội phạm khác về môi trường)”.
Về phương thức nộp tiền, có ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, việc quy định phương thức nộp tiền bảo đảm thi hành án là qua tài khoản là chưa linh hoạt và có khả năng chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn, đặc biệt là trường hợp doanh nghiệp chỉ có 3 đến 5 hoặc 10 lao động, chưa mở tài khoản mà đã phát sinh vi phạm, trách nhiệm bồi thường và những doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, chưa chắc đã mở hết tài khoản và vẫn dùng phương thức tiền mặt.
Dự thảo Nghị định này nằm trong số các nghị định quy định chi tiết các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 và được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề tháng 6/2016. Bộ Tư pháp đang nỗ lực hoàn thiện để trình dự thảo Nghị định, bảo đảm Nghị định được ký ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự (01/7/2016).
                                                                                              Li Mi