Tạo cơ sở pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của công tác TGPL

08/06/2016
Tạo cơ sở pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của công tác TGPL
Sáng 06/6, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã khai mạc và chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo kết quả khảo sát về nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) và thi hành Luật TGPL 2006. Hội thảo có sự tham gia của một số tổ chức quốc tế và các cơ quan có liên quan của Việt Nam.
Nhận thức về TGPL của nhiều người dân còn chưa cao
Theo số liệu tổng kết 08 năm thi hành Luật TGPL (2007-2014), đã có gần 1 triệu lượt người được TGPL, hoạt động TGPL cho phụ nữ nói chung và phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình nói riêng ngày càng được chú trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của chị em.
Tuy nhiên, Dự thảo báo cáo khảo sát về nhu cầu TGPL của các nhóm đối tượng cho thấy, nhận thức của một số người dân ở các địa phương khảo sát về pháp luật nói chung và TGPL nói riêng còn thấp. Nhiều người dân chưa biết để yêu cầu cơ quan TGPL hoặc Trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có vướng mắc pháp luật. Tuy vậy, rất nhiều người được khảo sát cho rằng vẫn cần đến vai trò của Trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng xa, vùng sâu hoặc vùng đặc biệt khó khăn.
Tạo cơ sở pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của công tác TGPL
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Sau gần 10 năm thi hành, Luật TGPL 2006 đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc giải tỏa vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng triệu người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần ổn định chính trị và ổn định đời sống nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu kết quả hoạt động TGPL, Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu xây dựng Luật TGPL sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của công tác TGPL.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều nội dung sửa đổi Luật TGPL đang được các cá nhân, tổ chức quan tâm như: đối tượng được TGPL, phạm vi, lĩnh vực và phương thức TGPL; vai trò và sự tham gia của các TGVPL và Trung tâm TGPL… Một số ý kiến mong muốn Luật TGPL (sửa đổi) nên mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ là TGPL do Nhà nước bảo đảm mà còn tính đến TGPL theo nghĩa vụ của luật sự theo quy định của Luật Luật sư và các hoạt động TGPL tự nguyên, miễn phí của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, hầu hết đều nhất trí rằng Luật sửa đổi cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm TGPL cho các đối tượng đặc thù. Liên quan đến người được TGPL, hình thức TGPL thì nhiều ý kiến cho rằng không nên hạn chế mà bất cứ ai gặp phải khó khăn không thể có tiền để thuê luật sư, cần đến TGPL miễn phí thì có thể giúp đỡ họ.
Thực tế thường thấy, người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thực sự về kinh tế mới đến nhờ cậy TGPL, còn người giàu, có điều kiện thì họ  đã có tiền thuê luật sự giỏi hoặc xử lý bằng cách khác. Đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nên mở rộng hình thức tư vấn miễn phí đến tất cả đối tượng người dân có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng đối tượng là trẻ em dưới 18 tuổi được TGPL không bị hạn chế là người bị buộc tội hay người bị hại. Song cũng có nhiều ý kiến lo ngại, nếu mở rộng quá như thế thì liệu có đủ nguồn nhân lực và ngân sách để bảo đảm thực hiện hay không.  
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 6-7/6. Các đại biểu tham dự Hội thảo  được nghe và trao đổi về một số nội dung của dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát tổng thể; Báo cáo khảo sát tại 9 tỉnh do Dự án GIG tài trợ; một số đề xuất cơ bản sửa đổi Luật TGPL; bình luận về người được TGPL; bình luận về người, tổ chức TGPL; hình thức, phạm vi, thủ tục thực hiện TGPL…
P.V