Hội nghị quán triệt, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13

20/04/2016
Hội nghị quán triệt, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13
Sáng 20/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động cơ quan Bộ Tư pháp. Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức… Việc tổ chức thi hành Bộ luật này là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp. Việc quán triệt, học tập, tìm hiểu các nội dung cơ bản của Bộ luật vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân khẳng định: Hiểu biết sâu sắc, đầy đủ nội dung và tinh thần của Bộ luật không chỉ giúp mỗi công dân nâng cao nhận thức pháp luật, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật hình sự mà còn tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đối với cán bộ Bộ Tư pháp thì việc hiểu biết về Bộ luật cũng là để tích cực vận dụng các quy định của Bộ luật trong công việc hàng ngày thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị, để tham gia tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật đến toàn thể nhân dân, góp phần đưa Bộ luật đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn.

Với ý nghĩa trên, các báo cáo viên Hội nghị đã tập trung quán triệt, phổ biến, giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ luật và Nghị quyết số 109/2015/QH13, chủ yếu là các điểm mới, giúp đại biểu nắm bắt đầy đủ nội dung, tinh thần của Bộ luật. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Trần Văn Dũng, điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá của BLHS năm 2015 là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, hết sức phức tạp nên BLHS chỉ quy định áp dụng với pháp nhân thương mại và pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31/314 tội danh gồm 22 tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 9 tội phạm về môi trường.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; dành hẳn một chương riêng quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. BLHS năm 2015 cũng có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nhất là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không những thế, quán triệt định hướng “hướng thiện trong xử lý người phạm tội”, BLHS năm 2015 có nhiều quy định thể hiện rõ tính nhân đạo của chính sách hình sự, đồng thời tạo điều kiện cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng như sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích với người bị kết án, chế định tha tù trước hạn có điều kiện…
Cùng với thông qua BLHS, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS, trong đó xác định rõ 2 mốc thời gian áp dụng các quy định của Bộ luật là mốc kể từ ngày BLHS được công bố (ngày 9/12/2015) và mốc kể từ ngày BLHS có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2016). Giới thiệu cụ thể về 2 mốc thời gian, bà Lê Thị Vân Anh (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính) cho biết, kể từ ngày BLHS được công bố, không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm; không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015…

Đặc biệt liên quan đến hình phạt tử hình, bà Vân Anh nhấn mạnh, Nghị quyết nêu rõ kể từ ngày BLHS được công bố, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình cũng như không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với họ nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Trường hợp đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015 (người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Cẩm Vân