Bộ trưởng Hà Hùng Cường bắt đầu thăm và làm việc tại Campuchia

29/02/2016
Bộ trưởng Hà Hùng Cường bắt đầu thăm và làm việc tại Campuchia
Chiều ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đã tới Siêm Riệp, Campuchia sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan. Tổng Thư ký Bộ Tư pháp Campuchia, ông Chan Mono cùng ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bát tam bang, Campuchia đã đón Đoàn và bày tỏ sự vui mừng trước chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Campuchia. 

Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với Campuchia, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN đã được hình thành. Hai bên cũng sẽ tiến hành hội đàm để thống nhất, ký Chương trình hợp tác năm 2016 nhằm triển khai Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia đồng thời trao đổi, chia sẻ thông tin về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của Cam-pu-chia. Dự kiến trong chuyến đi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ chứng kiến Lễ ký Chương trình hợp tác năm 2016 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ đã ký ngày 22/12/2009.

Cho đến trước năm 2009, trong hợp tác song phương, Bộ Tư pháp hai nước chưa ký thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, các hoạt động hợp tác mới chỉ diễn ra đơn lẻ chưa theo chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng năm. Bên cạnh đó ngày11/6/2008, Bộ trưởng Ăng Vong Vathana cùng đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp Vương quốc Campuchia đã sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam với mục đích trao đổi, thảo luận về phương hướng mở rộng và tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước; trao đổi khả năng ký kết Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước cũng như khả năng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Tiếp đó, ngày 21- 24/12/2009, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp Việt Nam đã thăm và làm việc tại Campuchia. Nhân chuyến thăm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia. Bản ghi nhớ là cơ sở pháp lý mở ra một bước phát triển mới, khẳng định những thay đổi về chất trong quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước cũng như thể hiện nỗ lực và quyết tâm Bộ Tư pháp và Chính phủ trong việc đẩy mạnh hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, qua đó góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước trong thời kỳ mới.

Tháng 8/2012, Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Campuchia trao đổi một số vấn đề kỹ thuật của Dự thảo Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Campuchia và thảo luận Kế hoạch Hợp tác năm 2013 để thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác đã ký giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Campuchia. Cũng trong tháng 8/2012, Đoàn cán bộ Học viện Tư pháp Việt Nam đã sang thăm và làm việc với Học viện Tư pháp Hoàng gia Campuchia về đào tạo nghề tư pháp. Từ ngày 20/1 đến 24/1/2013, Bộ Tư pháp nước ta đã đón Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp Vương quốc Campuchia do Bộ trưởng Ăng Vong Vathana dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm và làm việc của Đoàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vương quốc Campuchia được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng là hoạt động đầu tiên của Bộ Tư pháp Campuchia thực hiện Bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai bên nhằm: ký Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa hai nước và đánh giá kết quả hợp tác năm 2012, đồng thời xác định hoạt động hợp tác năm 2013 nhằm thực hiện hiệu quả Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước. Năm 2014, hai bên cũng đã tiến hành trao đổi và thống nhất kế hoạch hợp tác năm 2014./.

Một ngày đầy ý nghĩa của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Chong Kneas

Thật hiếm có dịp nào mà những đứa trẻ cháy nắng ở làng chài Chong Kneas, vùng Biển Hồ Tonle Sap, tỉnh Siêm Riệp, Campuchia này lại được đón nhận nhiều tin vui dồn dập đến như vậy. Một ngôi trường mới mang tên Trường tiểu học Việt Nam vừa được Quân khu 7 của Bộ Quốc phòng Việt Nam khánh thành tại ấp Mạc La, làng chài Chong Kneas để con em người dân gốc Việt có thể theo học thì các em lại được tin Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tới thăm, tặng các em 1.000 kg gạo hỗ trợ bữa trưa.

Ông Sáu Đầy, Trưởng làng chài Chong Kneas cho biết, cũng giống như gia đình ông, không biết tự năm nào, cha mẹ các em đến làm ăn, sinh sống tại Biển Hồ. Vì mải mưu sinh, lênh đênh trên sông nước, nhiều người chỉ còn nhớ quê mình ở Cần Thơ, ở Kiên Giang, ở Tây Ninh… nhưng gần như cả đời họ chưa một lần được đặt chân về quê Mẹ. Thế nhưng, có một điều đặc biệt là người dân làng chài này vẫn ăn vận kiểu quần áo của người dân Việt Nam, vẫn nói tiếng Việt và vẫn nhớ mình là người dân gốc Việt. Có điều, vì không có bất cứ một giấy tờ tuỳ thân nào nên việc học tập con chữ, dù là tiếng Campuchia hay tiếng Việt của con em người dân ở đây đều vô cùng gian nan.

 

Người dân gốc Việt sinh sống ở Chong Kneas có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Vào mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, Chính phủ Campuchia cấm người dân đánh bắt cá vì đây là mùa cá sinh sản, người dân làng chài không biết chông cậy vào đâu để mưu sinh. Nói về “sự học” của các con, người dân ở đây chỉ nhớ rằng, cách đây khá lâu, có một ông thầy dạy học tên là Trần Văn Tư ở Tây Ninh tới đây, đã tình nguyện ở lại dạy học tiếng Việt cho những đứa trẻ này. Tuy khó khăn nhưng người dân làng chài Chong Kneas cũng dần dần nhận ra sự quan trọng của con chữ nên bảo nhau cho con tới lớp của thầy Tư. Qua thời gian, lớp học cứ thế được duy trì dưới 1 nóc thuyền mượn được của ông Trưởng ấp, với duy nhất chỉ có 1 giáo viên, sách vở cho các cháu bà con phải tự lo. Khó khăn, vất vả là thế nhưng với tinh thần “nghèo cũng cho con đi học” nên lớp học đã được duy trì khá lâu.

Nay thì một ngôi trường mới đã được dựng lên khang trang giữa Biển Hồ mênh mông sóng nước. Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang, Campuchia cho biết, nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2016), Quân khu 7 đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, Ban chấp hành Hội người gốc Việt tỉnh Siêm Riệp tặng ngôi trường nổi này cho bà con ấp Mạc La. Trường hiện có 2 cô giáo và 3 thầy giáo, đảm nhận dạy học cho hơn 300 em học sinh từ lớp 1 cho tới lớp 5. Người dân làng chài nghèo khổ này cũng được các nhà hảo tâm góp sức, góp của tài trợ cho các cháu bữa ăn sáng và bữa ăn trưa. Nhiều cháu cha mẹ quá khó khăn còn được gửi lại luôn tại Trường.

Cô giáo Vũ Thị Thu, một giáo viên quê ở Bình Phước, tình nguyện sang Chong Kneas dạy tiếng Việt cho các em học sinh tâm sự, các thầy cô ở đây không có lương như các giáo viên thông thường. Thù lao mà các thầy cô nhận được chính là sự “tuỳ tâm” đóng góp của các gia đình và sự hỗ trợ của các nhà  hảo tâm. Tất nhiên, khoản thù lao này cũng chỉ gọi là có, không nhiều, nhưng các thầy, các cô ở đây luôn hết lòng, tận tuỵ với các em.

Thật khó có thể nói hết niềm vui của các em học sinh cũng như của cha mẹ các em khi được gặp, được nói chuyện trực tiếp và được chia sẻ những khó khăn, nhất là những khó khăn khi muốn xin giấy tờ hộ tịch, của người dân ở đây với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường. Các em hồn nhiên ùa tới, tranh nhau thể hiện khả năng đọc tiếng Việt khi được Bộ trưởng hỏi. Còn ông Sáu Đầy, Trưởng làng chài Chong Kneas và các thầy cô giáo thì phấn khởi với những bao gạo vừa được Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam mang tới. Thế là ông Trưởng làng chài và các thầy cô lại đỡ được một số ngày phải lo bữa trưa cho mấy trăm học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn này.

Chia tay các em học sinh Trường tiểu học Việt Nam vùng Biển Hồ Tonle Shap, Bộ trưởng Hà Hùng Cường không khỏi trăn trở khi nhìn những mái tóc cháy nắng, những gương mặt gày gò, “còi” hơn tuổi của các em học sinh làng Chong Kneas. Nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng rất phấn khởi, tin vào tương lai tươi sáng hơn của một thế hệ người dân gốc Việt hiếu học trên vùng Biển Hồ mêng mông, trù phú này.

Hồng Thuý