Trao đổi và khảo sát về những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp

24/05/2018
Trao đổi và khảo sát về những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn thanh niên và Đề tài khoa học cấp Bô, sáng ngày 22/5/2018, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Công tác phía Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi, tổng hợp và đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khởi nghiệp.

Tọa đàm được thực hiện dưới dự chủ trì của bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và ông Trịnh Xuân Tùng, Phó Bí thư đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp. Tham dự Tọa đàm gồm có đại diện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, luật sư, các đoàn viên thuộc các đơn vị của Bộ Tư pháp tại phía Nam. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2018 “Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp – Thực trạng và giải pháp khắc phục”.
Tại Tọa đàm, các ý kiến tập trung nêu lên các rào cản pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là trong hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Doanh nhân Nguyễn Hữu Tú, sinh năm 1990, từng đạt giải trong Cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia và thành công với dự án "Vườn Tinh Tú" chia sẻ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư nông nghiệp tại Israel, anh tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn đưa những hiểu biết, kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao để áp dụng tại quê hương Nghệ An. Tuy nhiên anh không được sự ủng hộ ngay từ những người thân và vấp phải nhiều khó khăn trên con đường lựa chọn một hướng đi mới, đầy chông gai, thậm chí có lúc thua lỗ. Theo anh, một người muốn khởi nghiệp thành công, cần có đầy đủ năng lực, đạo đức cũng như sự tín nhiệm và các mối quan hệ trong kinh doanh, đặc biệt cần có sự kiên trì và tinh thần “thép” để đương đầu với những khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện ước mơ của mình. Khi chưa hội tụ đủ các yếu tố này, các bạn trẻ dễ làm theo phong trào, ảo tưởng vào bản thân và nhanh chóng thất bại.
Ông Lưu Minh Sang, Giảng viên Đại học Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh, với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp khi khởi nghiệp hiện nay, như: các quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn khá chung chung, một số quy định chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, như việc doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh  hoặc không nhập hàng hóa được do chưa có quy định đối với với mã ngành nghề kinh doanh, mã hàng hóa đó. Ngoài ra, chưa có cơ chế bảo vệ và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các Quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, có một thực tại đáng tiếc là nhiều người trẻ Việt có ý tưởng hay đã đến các nước lân cận có cơ chế rõ ràng hơn như Singapore, Thái Lan… để khởi nghiệp.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Công ty Luật TNHH SB Law đưa ra một số rào cản pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, như: chưa có hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp, chưa có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp khác với doanh nghiệp truyền thống; thiếu sự phối hợp, nhanh nhạy của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử lý các hoạt động xâm hại quyền sở hữu trí tuệ như sản xuất hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có Tòa án chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong khi lĩnh vực này rất khó thẩm định, cần những người thực thi pháp luật có kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Do đó, thời gian giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường lâu và Tòa án thường định hướng cho các bên hòa giải mà không đưa ra xét xử. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của pháp luật, của Luật Sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp của mình. Luật sư cũng đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiêp nên đầu tư chi phí để được sự tư vấn đúng đắn của các chuyên gia pháp lý.
Các đại biểu tham dự cũng được phát Phiếu khảo sát về những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp và những vướng mắc về pháp lý cần được tháo gỡ, như trong việc huy động vốn, thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… Kết thúc Tọa đàm, Ban tổ chức đã đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến chia sẻ đầy nhiệt huyết, thiết thực của các doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư. Trên cơ sở kết quả của Tọa đàm và những hoạt động khác của Đề tài khoa học, mong rằng, khung pháp lý dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hoàn thiện và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, góp phần phát triển hơn nữa nền kinh tế, xã hội của Việt Nam./.
Hà My