Dự thảo Luật Nuôi con nuôi: Tránh lạm dụng các hình thức nuôi con nuôi

01/07/2009
Hôm qua (30/6), Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã cho ý kiến về dự thảo Luật Nuôi con nuôi (NCN), trước khi dự thảo được hoàn thiện và trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tới.

TS.Hoàng Phước Hiệp: “Tránh tình trạng Bộ Tư pháp chỉ được quản lý hoạt động NCN về hình thức”

Với việc bổ sung những thông tin mới về tình hình NCN trong thời gian qua, nhìn chung dự thảo Luật NCN đã phản ánh được các yêu cầu hiện nay của nước ta về vấn đề NCN, phần nào đó đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác NCN. Nhưng các qui định điều chỉnh hoạt động NCN trong nước và NCN có yếu tố nước ngoài lại chưa thể hiện được quan điểm thống nhất, mà có xu hướng phân biệt (thông qua việc qui định ở chương 2 và 3 với nội dung khác nhau rõ rệt). Đặc biệt, vai trò của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về NCN chưa được thiết kế rõ ràng. Có thể thấy, các điều 15, 26, 27, 43, 50, khoản 1 điều 51, điều 52 dự báo tình trạng Bộ Tư pháp chỉ được quản lý về hình thức hoạt động NCN, thậm chí khó thực hiện một số qui định trong Công ước La Hay. Vì thế, phải có các qui định để hoạt động của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) được chặt chẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần chỉnh lý các qui định về quan hệ của Luật NCN với các luật khác và luật quốc tế để rõ ràng hơn.

TS.Vũ Đức Long: “Không thể níu kéo quan hệ khi đã làm con nuôi trọn vẹn”

Con nuôi trọn vẹn trong nước hay nước ngoài thì đều phải cắt đứt quan hệ với cha mẹ đẻ, không được hưởng các quyền lợi của cha mẹ đẻ. Thực tế cho thấy, cứ níu kéo là hỏng. Thực tế hình thức NCN đơn giản đang bị lạm dụng ghê gớm. Năm 2008, điều tra 6 huyện của Hà Nam có 217 trường hợp NCN trong nước thì 60 trường hợp hợp pháp còn 157 trường hợp vi phạm dưới dạng đăng ký NCN để hưởng chế độ, chính sách của bố mẹ nuôi... Những vi phạm này có từ lâu, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Trước thực trạng đó, cần qui định rạch ròi để phân biệt hậu quả pháp lý của 2 hình thức này. Đồng thời, phải có qui định về hậu quả của việc NCN vì các mối quan hệ có thể phát sinh trước, trong và sau khi giải quyết về giấy tờ, thủ tục NCN nên không thể cứ giải quyết theo pháp luật của nước mà trẻ em mang quốc tịch.

TS.Dương Thanh Mai: “Quan tâm trước hết đến quyền lợi của trẻ em”

Theo tinh thần đó, những trẻ em có bệnh hiểm nghèo hoàn toàn được ưu tiên cho làm con nuôi càng sớm càng tốt mà không cần thực hiện các biện pháp theo thủ tục thông thường. Dự thảo cũng cần quan tâm đến quan điểm ưu tiên gia đình gốc của trẻ em để qui định lại thời gian đăng thông báo tìm người thân và gia đình thay thế cho trẻ em bị bỏ rơi.

Một vấn đề nữa là trách nhiệm, quyền hạn của các chủ cơ sở nuôi dưỡng. Thời gian qua họ có quá nhiều quyền trong việc quyết định cho nhận con nuôi mà cơ quan con nuôi TƯ không thể làm gì được. Tình trạng này phải được giải quyết dứt điểm.

PGS.TS.Hoàng Thế Liên: “Con nuôi trong nước phải là chủ đạo”

Con nuôi trong nước phải là chủ đạo (99%) trong hoạt động NCN nên phải được tô đậm hơn để thể hiện sự cố gắng đảm bảo nguyên tắc này. Cho con nuôi nước ngoài là biện pháp tình thế khi không còn cách nào khác. Các cơ quan chức năng phải nắm được các nhu cầu về cho nhận con nuôi để làm cầu nối, tìm kiếm gia đình thay thế cho trẻ em ngay tại quê hương. Hiện sơ hở nhất là những qui định về trẻ em bị bỏ rơi. Trẻ em bị bỏ rơi là trách nhiệm của nhà nước, không thể khoán trắng cho cơ sở nuôi dưỡng, không thể đưa vào cùng một qui trình với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Đồng thời mọi qui định về thủ tục cho nhận con nuôi “càng nhạy cảm càng phải chặt chẽ, minh bạch”, nhất là với trẻ em bị bỏ rơi – vốn đang phát sinh nhiều tiêu cực.

Cần hiểu vấn đề con nuôi biên giới là một bộ phận đặc thù của con nuôi nước ngoài nên phải được đề cập thành nguyên tắc lớn, chứ không thể bỏ trống. Các quan hệ con nuôi thực tế cũng không thể tránh, mà phải xử lý mềm dẻo bằng cách thừa nhận sự tồn tại, nhưng nếu có tranh chấp thì phải đăng ký thì mới pháp luật được bảo hộ, không thể để “vừa hôm qua nhận đã được gọi là con nuôi thực tế”. Đó cũng là cách để khuyến khích người dân đi vào trật tự pháp luật./.

Huy Anh